Minh Tiến “khát” nước sạch
- Cập nhật: Thứ hai, 19/7/2010 | 9:19:38 AM
YBĐT - Về xã Minh Tiến (huyện Trấn Yên) những ngày này mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của hàng trăm hộ dân nơi đây. Họ không chỉ phải đối phó với nắng nóng kéo dài, cắt điện triền miên mà còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Cái giếng này đã bị bỏ hoang nhiều năm nay
vì không có nước.
|
Nước khan hiếm và ô nhiễm
Xã Minh Tiến có 6 thôn thì 4 thôn thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, có hai thôn “khát” trầm trọng nhất là Hồng Tiến và Hồng Lâm. Có 2/3 số giếng được đào ở những thôn này không có nước, số rất ít còn lại có nước thì lại chỉ có vào mùa mưa (khoảng từ tháng 4 đến tháng 8). Năm nay, do thời tiết biến động bất thường, hạn hán kéo dài nên những giếng này lại càng thêm cạn kiệt. Thiếu nước, không những khiến cho những hộ dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt mà thêm vào đó nguồn nước hiếm hoi có được từ các giếng có nước này, một phần lại có màu, mùi vị khác lạ và lắng cặn.
Bà Trần Thị Thuận trú tại thôn Hồng Lâm cho biết: “Gia đình tôi đã đào đến 3 cái giếng mà không có nước, đào đến cái thứ tư có nhưng nước màu vàng, có mùi hôi tanh, nước đun sôi có lớp váng, quần áo chỉ giặt vài lần là chuyển màu vàng”. Chị Đào Thị Mây ở thôn Hồng Tiến cho hay: “Cả nhà tôi, ai cũng bị ngứa mặt và ngứa người nếu dùng nước giếng nhà”.
Trước thực trạng trên, UBND xã Minh Tiến đã có kiến nghị lên các cấp thẩm quyền. Một số các cơ quan chức năng như: Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên, Liên hiệp hội Khoa học & công nghệ thuộc Viện Khoa học Việt Nam, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ môi trường nước sạch Việt- Nhật (thành phố Hồ Chí Minh)...cũng về tiến hành kiểm tra, lấy mẫu đo đạc đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước trong toàn xã. “Kết quả phân tích mẫu nước ở các giếng cho thấy, trên 50% số giếng trong xã đều không đạt tiêu chuẩn cho phép cả về lý hoá và vi sinh.
Riêng ở thôn Hồng Tiến và Hồng Lâm thì có tới 70 - 80% số giếng không đạt” - bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng trạm Y tế xã Minh Tiến, người trực tiếp đi kiểm tra mẫu nước cho biết. Vì vậy, nếu dùng lâu dài nguồn nước bị ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ con người, có thể gây ra một số bệnh như: gan, thận, phụ khoa, viêm da dị ứng, hắc lào, nấm... thậm chí có thể cả ung thư.
Để khắc phục tình trạng trên, các đoàn kiểm tra cũng đã có lời khuyên cho các hộ dân nơi đây. Giải pháp trước mắt, là các hộ có thể mua các loại thuốc khử trùng như: Croramin-B, thuốc tím - In dine, thuốc tẩy Chlorine... để thả xuống các giếng bị ô nhiễm. Tuy nhiên, những loại thuốc này chỉ hỗ trợ phần nào, còn về lâu dài thì nên có các thiết bị lọc nước. Biết là vậy, song để bỏ ra một số tiền từ vài trăm đến vài triệu đồng để mua một thiết bị lọc nước quả là không dễ đối với các hộ dân nơi đây, khi mà thu nhập đầu người vẫn đang còn ở mức khiêm tốn (900 nghìn đồng/người/tháng).
Đặc biệt là đối với hai thôn Hồng Tiến và Hồng Lâm lại là một trong số những thôn khó khăn nhất của xã, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm trên 10%. “Hiện tại, cả thôn mới chỉ có 2/50 hộ gia đình mua được thiết bị lọc nước, còn lại hầu hết đều phải đi xin nước về dùng”. Trưởng thôn Hồng Tiến là ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.
Sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn
Với nét mặt mệt mỏi, trên tay sách một xô nước, bà Nguyễn Thị Tiến ở thôn Hồng Lâm đã 77 tuổi, thở dài: “Đã nhiều năm nay rồi, ngày nào tôi cũng phải đi bộ chừng 400 - 500 mét để xin nước ăn, còn tắm giặt thì phải hạn chế tối đa. Một số gia đình có đông người, không xin được đủ nước dùng thì phải lấy cả nước đầm, ao về sinh hoạt. Năm ngoái, cũng vì đi xin nước, vấp phải đá mà tôi đã bị ngã dập cơ ngực, phải nằm viện mất một tuần”.
Cùng tâm trạng với bà Tiến, bà Vi Thị Khang cùng thôn chán nản: “Bình thường không đủ nước dùng, chúng tôi cũng phải rất tiết kiệm. Nhưng khổ nhất là vào mùa hè nóng nực và khi gia đình có việc lớn như: cưới hỏi, giỗ, tết...lúc đó không biết xoay đâu ra nước để dùng. Chúng tôi chỉ còn biết “lạy giời mưa xuống...”.
Thiếu nước đã và đang khiến sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn. Do vậy, một công trình nước sạch được xây dựng ở Minh Tiến luôn là ước mơ cháy bỏng của hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu đang sống trong vùng nguồn nước khan hiếm và ô nhiễm.
Hồng Oanh
Các tin khác
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có văn bản đồng ý để Bộ Y tế tiếp nhận lô thuốc Tamiflu phòng chống dịch cúm A (H1N1) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ, trị giá hơn 2,3 triệu USD.
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, tại kỳ thi Olimpiad Sinh học lần thứ 21 tại Changwon, Hàn Quốc có 59 nước tham gia trực tiếp với 233 thí sinh. Kết quả đoàn Việt Nam có 3 học sinh giành huy chương.
Tối 18-7, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ VII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Thị Hà, cùng 400 đại biểu thiếu nhi đã tới tham dự.
Sau khi tàn phá Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình... bão Conson đã nhanh chóng suy yếu thành một vùng áp thấp. Tuy nhiên trước khi tan, cơn bão đã để lại hậu quả: 12 người chết, mất tích, hàng chục tàu, thuyền lớn bị đắm, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng...