Dịch heo tai xanh xuất hiện ở 11 tỉnh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 31/7/2010 | 8:54:21 AM

Đến chiều 30-7, bệnh heo tai xanh đã xuất hiện ở 11 tỉnh trên cả nước. Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Văn Đăng Kỳ, trưởng phòng dịch tễ - Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn), nhận định:

- Đây là đợt dịch heo tai xanh lớn nhất (cả phạm vi, số lượng) mà các tỉnh phía Nam đang phải hứng chịu. Nguy hiểm hơn dịch có chiều hướng lây lan rộng, chưa có dấu hiệu chững lại.

* Đây không phải lần đầu tiên các tỉnh phía Nam có dịch heo tai xanh nhưng lần này phạm vi rộng hơn. Có phải công tác phòng chống dịch ở đây có vấn đề chủ quan, lơ là?

Theo Cục Thú y, đến 17g ngày 30-7, dịch heo tai xanh đã xảy ra ở 11 tỉnh: Nghệ An, Cao Bằng, Sóc Trăng, Quảng Trị, Tiền Giang, Lào Cai, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Quảng Nam và Đồng Nai. Trong đó, Tiền Giang và Sóc Trăng là hai địa phương có số ổ dịch và heo mắc bệnh nhiều nhất.

-  Có rất nhiều nguyên nhân khiến dịch heo tai xanh xảy ra. Virus gây bệnh này vẫn tồn tại trong môi trường, trong khi chúng ta chưa có văcxin tiêm phòng dịch. Quan trọng nhất trong phòng chống dịch nằm ở yếu tố chủ quan. Thực tế cho thấy công tác phòng chống dịch từ cấp chính quyền đến người dân chưa được chủ động, vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là vì tính theo chu kỳ dịch 2-3 năm sẽ quay trở lại.

Công tác kiểm tra, giám sát cũng không thường xuyên. Đến khi dịch xảy ra, người dân có thể thiếu thông tin nên không biết về bệnh, hoặc biết nhưng không báo cáo, vẫn để tự cứu chữa. Đến khi dịch lây lan trở tay không kịp. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền về dịch, chưa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

* Trong lúc này các địa phương có dịch phải làm gì để dập dịch cũng như hạn chế xảy ra dịch sau này, thưa ông?

- Nguyên tắc là phòng trước, chống sau, kể cả lúc có dịch hay không có dịch. Các địa phương có dịch phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch. Khi có dịch là biết ngay và bao vây, xử lý kịp thời, không để lây lan. Tại các ổ dịch phải lập các chốt kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ không cho vận chuyển heo từ vùng dịch ra ngoài. Người dân không được giết mổ heo bệnh..

* Bộ NN&PTNT đã có phản ứng gì?

- Ngay khi mới xuất hiện dịch ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, đại diện Văn phòng Chính phủ cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã vào Tiền Giang để kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch. Hiện Bộ NN&PTNT đã cử đoàn sang Trung Quốc tìm hiểu về một loại văcxin mới của nước này có khả năng tiêm phòng dịch heo tai xanh. Tới đây, một lô văcxin sẽ được đưa vào thử nghiệm trên đàn heo của Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng trình xin Thủ tướng hỗ trợ hóa chất khử trùng cho các địa phương và đã có một số địa phương được hỗ trợ.

Vứt heo chết xuống suối!

Chiều 30-7, từ tin báo của bạn đọc qua đường dây nóng, chúng tôi đến xã lộ 25, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) và chứng kiến cảnh nhiều heo chết bị những người thiếu ý thức ném xuống dòng suối chảy ngang qua đây. Tại hiện trường, nhiều xác heo đã bị phân hủy, nổi lềnh bềnh trên dòng suối (ảnh).

Đồng Nai: tạm thời đình chỉ lò giết mổ trong vùng có dịch

Ngày 30-7, Chi cục Thú y Đồng Nai đã làm việc với huyện Vĩnh Cửu  và đề nghị thành lập bốn chốt kiểm dịch ở xã Vĩnh Tân - nơi vừa được công bố dịch, đồng thời lập thêm hai chốt kiểm dịch tại huyện Vĩnh Cửu để kiểm soát các xe vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào địa bàn huyện này. Chi cục thú y cũng đề nghị tất cả cơ sở giết mổ trong vùng có dịch phải tạm ngừng hoạt động, trừ  trường hợp giết mổ để tiêu thụ trong xã phải có sự kiểm soát chặt chẽ của thú y.

Liên quan đến thông tin Tuổi Trẻ ngày 30-7 phản ánh heo bệnh chết ném bừa bãi ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu đã chỉ đạo kiểm tra, làm vệ sinh môi trường quanh khu vực, khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và tổ chức tiêm phòng bổ sung các bệnh truyền nhiễm…

Tiền Giang: 9/10 huyện có dịch

Ngày 30-7, Chi cục Thú y Tiền Giang tiếp tục ghi nhận thêm bốn hộ có heo bệnh tai xanh ở huyện Tân Phú Đông và tiến hành tiêu hủy 25 con heo bệnh. Như vậy đến nay toàn tỉnh Tiền Giang đã có 9/10 huyện phát hiện heo bệnh tai xanh.

Để ngăn chặn heo bệnh xuất bán ra thị trường, ngành thú y đã thử huyết thanh các đàn heo đăng ký xuất bán. Nếu đàn heo nào cho kết quả âm tính với bệnh tai xanh thì ngành thú y mới cấp giấy kiểm dịch cho xuất khỏi tỉnh.

Long An: công bố dịch heo tai xanh tại hai phường, xã

Ngày 30-7, UBND tỉnh Long An đã công bố dịch heo tai xanh tại P.5 (thành phố Tân An) và xã Phú Ngãi Trị (huyện Châu Thành). Đến nay tại hai phường, xã này mỗi nơi có hơn 300 con mắc bệnh.

Chiều 30-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Long An đã họp bàn biện pháp ngăn chặn dịch heo tai xanh đang bùng phát ở tỉnh này.

Quảng Nam: heo nhiễm bệnh, chết tăng nhanh

Chiều 30-7, ông Thân Đức Sửu, phó chủ tịch UBND huyện Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết dịch heo tai xanh đang diễn biến theo chiều hướng rất xấu trên địa bàn huyện. Số lượng heo nhiễm bệnh và chết những ngày qua liên tục tăng nhanh.

Tính đến cuối ngày 30-7, riêng huyện Điện Bàn đã có thêm một xã và 49 thôn có dịch, nâng tổng số xã có dịch trên địa bàn huyện lên chín xã. Tổng số heo bị nhiễm bệnh trong toàn huyện lên đến hơn 1.600 con, trong đó số heo đã tiêu hủy là 350 con. Đặc biệt tại xã Điện An, heo bị bệnh đã lên đến gần 900 con.

Bình Dương: ngành thú y đề nghị công bố dịch tại 4 xã

Ngày 30-7, ông Tạ Trọng Khang, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, cho biết đã phát hiện hai ổ dịch heo tai xanh tại huyện Tân Uyên và huyện Phú Giáo. Tại huyện Tân Uyên, ngành thú y đã tiêu hủy 12 con heo bệnh của một thương lái và đã khoanh vùng khống chế dịch. Chi cục đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh công bố dịch vào hôm nay (31-7) tại bốn xã An Thái, An Linh, Vĩnh Hòa, Tam Lập (huyện Phú Giáo).

(Theo TTO)

Các tin khác

Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 106/2010/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong bộ chuẩn do Bộ Giáo dục vừa ban hành, trẻ trước khi vào tiểu học phải biết bật xa tối thiểu 50 cm, tự viết đúng tên mình, không mệt mỏi khi học liên tục khoảng 30 phút và biết ứng xử phù hợp với giới tính của bản thân...

Dịch heo tai xanh bùng phát tại một số xã ở Long An, Tiền Giang, Đồng Nai… và một số nơi đã công bố dịch.

Khoản tín dụng này thể hiện cam kết của WB trong việc tiếp tục hỗ trợ công cuộc tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục