Khi lũ đi qua

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/8/2010 | 2:50:47 PM

YBĐT - Con đường đến xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) vốn đã nhiều gập ghềnh sỏi đá những ngày này lại càng trở nên khó đi hơn sau trận lũ quét ngày 22/7. Trên mặt đường, đá dăm bị xô lại thành từng đống, nhiều điểm taluy sạt lở làm cho con đường vừa gập ghềnh vừa lầy lội. Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, trên địa bàn xã Tân Phượng xảy ra mưa to. Nước từ các khe suối lên nhanh, gây ngập nhiều tuyến liên thôn, giao thông bị gián đoạn trong hai ngày. Dù không gây thiệt hại về người, nhưng lũ đã gây nhiều thiệt hại về tài sản.

Một cánh đồng màu mỡ đã bị nước lũ phá hoại.
Một cánh đồng màu mỡ đã bị nước lũ phá hoại.

Nước lũ đã cuốn trôi 4 chiếc cầu tại các thôn: Khe Páo 1, Bó Mi 2, Khiểng Khun 1 và làm xói mòn phần chân cầu tại thôn Khe Páo 2. Cầu hỏng, đường sạt khiến giao thông tại một số tuyến đường liên thôn bản bị đình trệ, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống cũng như việc tiêu thụ nông sản của nhân dân.

Bà Triệu Thị Thảo cho biết: “Bình thường không mưa bão, ngô ở đây đã phải bán với giá thấp hơn so với các xã khác. Mấy hôm nay, lại thêm lý do đường sá đi lại khó khăn hơn trước, chúng tôi lại phải bán với giá thấp hơn. Tuy vận chuyển tới tận đường ô tô, chi phí tăng lên nhưng lại chỉ bán được với giá 3.700 – 3.800 đồng/kg, (mỗi kg chịu thiệt khoảng 500 đồng). Vất vả chăm sóc mấy tháng trời mà đến lúc thu hoạch lại như thế này thì buồn quá. Tôi cũng muốn giữ lại đợi giá lên nhưng không bán cũng không được, nhiều thứ phải chi tiêu quá”. Hiện nay, trong các gia đình còn khoảng hơn 40 tấn ngô chưa tiêu thụ.

Lũ đã đi qua, nước đã rút, con suối hung dữ, cuồn cuộn nước những ngày mưa bão đã trở lại vẻ hiền hòa, bình yên như vốn có. Tuy nhiên, hai bên bờ suối còn nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Những thửa ruộng ven suối chỉ còn trơ lại sỏi đá, lúa bị vùi lấp trong cát ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa của nhân dân trong xã.

Ông Triệu Tiến Tiên - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trận lũ vừa qua khiến 9 ha ruộng mới cấy bị cuốn trôi. Nhiều diện tích không còn khả năng khắc phục. Hiện nay, xã đã đề nghị với Phòng Nông nghiệp và Ban Phòng chống lụt bão huyện Lục Yên hỗ trợ 2,7 tấn ngô giống để giúp nhân dân nhanh chóng ổn định sản xuất. Một số diện tích có thể khôi phục lại trồng lúa, xã sẽ chỉ đạo nhân dân gieo sạ thẳng bằng các giống ngắn ngày. Diện tích khắc phục được nhưng chưa thể trồng lúa ngay trong vụ này nên sẽ trồng đậu tương trước ngày 15/8”.

Là một trong những gia đình bị thiệt hại hoa màu trong trận lũ vừa qua, ông Triệu Tiến Minh cho biết: “Chỉ vài ngày trước đây thôi, chỗ này còn là những thửa ruộng màu mỡ. Nước lên nhanh quá, chỉ trong vài giờ đã ngập trắng đồng, lúa vừa kịp bén rễ xanh cây đã bị cuốn trôi chẳng còn gì. Nhà tôi vụ vừa rồi cấy 2.200 m2 thì bị trôi mất 1.600 m2. Để kịp khung thời vụ, những diện tích nào có thể khắc phục thì gia đình xin giống, xin mạ của bà con về cấy lại”.

Bên cạnh việc nhanh chóng khôi phục sản xuất đảm bảo cuộc sống, việc tu sửa đường và sửa chữa những cây cầu bị hỏng cũng được Tân Phượng tiến hành khẩn trương bằng việc huy động đóng góp của nhân dân và tận dụng các vật liệu tại chỗ kịp thời đáp ứng nhu cầu giao thông. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài Tân Phượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể xây dựng lại những cây cầu mới, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ.

Mùa mưa lũ năm nay mới chỉ bắt đầu, với một địa phương thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét như Tân Phượng thì cần tích cực, chủ động hơn nữa trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tiếp tục kiện toàn lực lượng phòng chống bão lũ, làm tốt công tác tuyên truyền, tránh tâm lý chủ quan để có khả năng đối phó với mọi tình huống bất thường của thời tiết.

Hồng Khanh

Các tin khác
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục - Đào tạo kiểm tra phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi tại Trường Tiểu học xã Bản Công (Trạm Tấu).

YBĐT - Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2010, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Những văn bản này là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (người đứng giữa) trao cờ lưu niệm cho các đơn vị trường học tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ngành học giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên năm 2010.

YBĐT - Thành lập năm 2002, với chức năng nhiệm vụ là đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của mọi người dân, góp phần tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương và xây dựng "xã hội học tập", "học tập suốt đời", hơn 7 năm qua, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Yên Bái đã phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao.

Bộ GDĐT yêu cầu dừng việc tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2010 tại các cơ sở II, phân hiệu không đúng quy định.

Đồng chí Nguyễn Vinh Hiển trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT cho Sở GD&DDT tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Đây là thông tin mà Sở Giáo dục đào tạo Yên Bái đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 tổ chức sáng 5/8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục