Buồn, vui "trà đá quảng trường"

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/9/2010 | 9:26:44 AM

YBĐT - 9 giờ tối, cậu bạn thân gọi điện rủ tôi đi "trà đá quảng trường" - một thú vui mới nổi và khá phổ biến của giới trẻ thành phố Yên Bái thời gian gần đây...

Dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành đến khu vực ngã tư Km5 vào các tối chật cứng người ngồi uống trà đá.
Dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành đến khu vực ngã tư Km5 vào các tối chật cứng người ngồi uống trà đá.

Quảng trường 19/8, Km5, phường Đồng Tâm về đêm khác hẳn với ban ngày. Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ không ai có thể tưởng tượng được sự tấp nập, đông vui đến như vậy. Hàng chục, có lẽ phải vài chục quán bán hàng nước được bày ra, la liệt bàn ghế, lố nhố đầu người, rộn rã tiếng nói cười, thậm chí cả tiếng văng tục, chửi thề...

Tấp vào một quán đầu dãy, chúng tôi gọi 2 cốc trà đá, cậu bạn tôi không quên gọi kèm bao thuốc lá Vinataba. Chủ quán là một người đàn bà khắc khổ với khuôn mặt gầy gò, mặc bộ quần áo đã sờn, thế nhưng sự đon đả đối với khách hàng thì lại có thừa, nếu không muốn nói là "quá khéo mồm". Quán khá đông khách, ngoài bàn chúng tôi ngồi, bên cạnh còn 2 tốp thanh niên nam nữ cũng đang ngồi, người uống trà đá, người uống nhân trần, người thì nước mía.

Quan sát khắp lượt dễ dàng nhận thấy dãy bên này có tới hơn chục hàng bán nước, song song phía bên kia cũng vậy, mỗi hàng có 2 - 3 bộ bàn ghế nhựa. Cách đó một đoạn, nằm về phía đầu đường mới Km5 - Nhà khách Hào Gia số II, khoảng hơn chục quán hàng cũng tọa lạc ngay trên vỉa hè và hầu như quán nào cũng đông khách, ngồi kín bàn... Nhấp một ngụm trà đá chan chát, tôi buột miệng hỏi: "Nhiều quán thế này thì có bao giờ ế hàng không cô?". Bà chủ quán quay lại nhìn tôi như một vật thể lạ: "Không có khái niệm ế, chỉ có bán được nhiều hay ít thôi".

Theo tâm sự của bà chủ quán tên T, ở quảng trường này, hầu hết nhà nào cũng có tới 2 quán, nhà thì mẹ con, nhà thì chị em, có nhà thì cả 2 bố mẹ. "Nhà cô ở mãi trong xã Minh Bảo, trước đây làm chè, sau giải thể về làm đồi rừng. Dạo này thanh niên thích kiểu ngồi trà đá vỉa hè, thấy cũng được nên 2 mẹ con ra đây ngồi kiếm đồng ra đồng vào, mỗi ngày cũng được trên dưới trăm nghìn, lấy tiền nộp học cho em nó. Vốn đầu tư cũng ít, sắm sanh cả quán chắc chỉ mất đến triệu bạc thôi".

Tầm gần 10 giờ đêm, đang ngồi trò chuyện, bất chợt từ một quán nước cách đó gần 30m nổi lên tiếng cãi cọ, tiếng xô bàn ghế loảng xoảng, một toán thanh niên nam nữ khoảng 5 - 6 người đuổi đánh nhau vòng quanh khu vực Quảng trường. Bà chủ quán T chép miệng: "Đấy, rượu chè cho lắm vào rồi gây gổ đánh nhau, toàn bọn rỗi việc". Bà nói thêm: "Mấy chuyện say rượu đánh nhau, say rượu lượn xe không đội mũ bảo hiểm trêu cảnh sát giao thông, say rượu nôn mửa ra hè đường... ở đây xảy ra như cơm bữa. Không tin, ngày nào chú cũng ra đây ngồi mà xem. Còn chúng tôi ngồi đây vì miếng cơm manh áo nên đành phải chịu, có hôm chạy công an như chạy loạn. Bán hàng kiểu này giống đánh bạc lắm chú ạ". Quả thực, vì miếng cơm manh áo, những quán nước vỉa hè này đã góp phần nuôi sống nhiều gia đình nghèo không có công ăn việc làm ổn định, mang lại niềm vui nho nhỏ đến cho họ giữa bao bộn bề, bon chen cuộc sống đời thường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Huy - Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm cho biết: "Những quán bán hàng nước tại vỉa hè các khu vực trên đều vi phạm pháp luật vì không có giấy phép, bán hàng quá giờ quy định, gây mất mỹ quan đô thị... Chính quyền địa phương đã nhiều lần họp bàn, nhắc nhở, thậm chí ra quân cưỡng chế, thu nhiều bàn ghế, máy ép nước mía và yêu cầu họ ký bản cam kết không tái phạm, nhưng được vài hôm, đâu lại vào đấy. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này không dễ trong một sớm một chiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ra quân...".

Theo thống kê của cơ quan công an phường Đồng Tâm, hiện có khoảng 80 hộ gia đình mở quán bán hàng nước về đêm tại khu vực Quảng trường 19/8 và đầu đường mới Km5 - Nhà khách Hào Gia. Vẫn biết những người mở quán bán nước ở đây, đại đa số đều thuộc gia đình khó khăn về kinh tế, phải tìm kế sinh nhai, nhưng để đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm đưa ra biện pháp giải quyết dứt điểm, không để tình trạng mất mĩ quan đô thị, mất trật tự công cộng, mất vệ sinh môi trường tiếp diễn.

Thiên Cầm - Trần Ngọc

Các tin khác
Giám đốc toàn bộ Chương trình của Tổ chức Bánh mỳ cho Thế gới tại Đức cùng lãnh đạo Trung tâm SUDECOM thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phúc ở tổ 38, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) được hưởng lợi từ Dự án.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra trên 651 vụ bạo lực gia đình, tăng 170 vụ so với cùng kỳ năm 2009, trong đó có trên 120 vụ bạo lực về thân thể, gần 500 vụ bạo lực về tinh thần, còn lại là các vụ về tình dục, bạo lực kinh tế.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện là đơn vị y tế công đầu tiên trên cả nước triển khai khám bảo hiểm y tế (BHYT) ngày thứ bảy. Các bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám, điều trị bệnh thông thường vào thứ bảy được đảm bảo mọi quyền lợi như quy định. Bệnh nhân có thẻ BHYT khám theo yêu cầu, khám vượt tuyến, trái tuyến được BHYT thanh toán 30%.

Ngày 26-9, Đại hội thi đua toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ 3 đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Đến dự đại hội có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cùng gần 400 đại biểu là những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua của các hội chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ nay đến hết năm 2010, Chính phủ đồng ý tiếp tục việc cấp (không thu tiền) báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn - Đó là kết luận do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục