Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Yên Bái: Lực lượng và thực trạng
- Cập nhật: Thứ năm, 7/10/2010 | 2:46:12 PM
YBĐT - Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác này bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục kịp thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Cán bộ phòng Tư pháp Văn Chấn lựa chọn nội dung cho chuyên mục “Đời sống và pháp luật” được thực hiện thường kỳ trên sóng truyền thanh địa phương.
|
Một trong những yếu tố quan trọng trong công tác TTPBGDPL, đó là đội ngũ những người tham gia vào hoạt động TTPBGDPL. Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh hiện có 12.656 người làm công tác TTPBGDPL, trong đó có 262 cán bộ tư pháp từ tỉnh đến cơ sở, 300 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện, 1.625 tuyên truyền viên cấp xã, 10.368 hòa giải viên ở cơ sở, 44 cán bộ pháp chế sở, ngành, 66 cán bộ làm công tác TTPBGDPL tại các sở, ngành. Lực lượng trên đã cơ bản đảm bảo yêu cầu về cơ cấu, gồm cán bộ quản lý, cán bộ tư pháp, báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ...
Trong đó, cán bộ tư pháp cũng như cán bộ quản lý công tác TTPBGDPL từ tỉnh đến cơ sở đã cơ bản đảm bảo theo nhu cầu công tác. Phòng tư pháp cấp huyện có từ 3 - 4 người/đơn vị, 9/9 huyện có trưởng, phó phòng, mỗi Ban tư pháp xã, phường, thị trấn có 1 cán bộ tư pháp - hộ tịch chuyên trách. Đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện, tuyên truyền viên cấp xã phù hợp, đảm bảo sự tham gia của các cấp, ngành.
Tổ hòa giải được thành lập ở mỗi thôn, bản, tổ dân phố, mỗi tổ có 5 - 7 hòa giải giải viên đáp ứng nhu cầu hòa giải ở địa bàn dân cư. Cán bộ pháp chế, cán bộ TTPBGDPL tại các sở, ngành đã được các đơn vị quan tâm bố trí tuy hầu hết mới chỉ làm kiêm nhiệm.
Trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBGDPL nói chung và trình độ pháp lý nói riêng còn thấp và không đồng đều, nhất là ở cơ sở. 93% cán bộ tư pháp cấp tỉnh, cán bộ pháp chế, cán bộ làm công tác TTPBGDPL và báo cáo viên cấp tỉnh, 43% cán bộ tư pháp và báo cáo viên cấp huyện có trình độ đại học, cán bộ tư pháp cấp xã chỉ có 6% có trình độ đại học, 78% là trung cấp, đặc biệt có tới 16% cán bộ chưa qua đào tạo.
Đội ngũ hòa giải viên cơ sở hầu hết chưa qua đào tạo (81%), trong số đó 30% chưa tốt nghiệp tiểu học. Tỷ lệ có trình độ pháp lý tham gia công tác này nhìn chung còn thấp. Cán bộ tư pháp huyện 82%, cán bộ tư pháp cấp xã 39%, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên gần 30%, đội ngũ hòa giải viên chưa đến 1% có trình độ pháp lý. Hơn nữa, thời gian tham gia công tác chủ yếu dưới 5 năm (42% cán bộ tư pháp huyện, xã, 71% báo cáo viên, 81% tuyên truyền viên, 85% hòa giải viên) nên kinh nghiệm còn hạn chế, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả TT PBGDPL.
Qua khảo sát cũng cho thấy mức độ tham gia, tổ chức các hoạt động TTPBGDPL của đội ngũ tuyên truyền còn hạn chế, hiệu quả tuyên truyền chưa cao nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài cán bộ tư pháp các cấp thực hiện công tác TTPBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đối tượng khác cũng thường xuyên tổ chức, tham gia các hoạt động TTPBGDPL trên địa bàn nhưng số lượng hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên tham gia hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn tại địa bàn dân cư không nhiều. Chỉ có 2,5% hoà giải viên tham gia đều đặn trong tháng (vài vụ hòa giải/tháng), 14,5% tham gia hòa giải vài vụ/quý, còn lại là hòa giải vài vụ trong năm (83%).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thiết nghĩ, trước hết cần nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ công tác TTPBGDPL, cần bố trí cán bộ có trình độ pháp lý làm công tác tư pháp, bổ sung thêm cán bộ tư pháp cấp huyện, cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã.
Mặt khác, có cơ chế khuyến khích, thu hút những người có trình độ pháp lý tham gia công tác này, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ pháp lý cho đội ngũ cán bộ, trong đó, trú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng TTPBGDPL thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư kinh phí để triển khai các hoạt động TTPBGDPL và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBGDPL; quan tâm hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên cơ sở.
TTPBGDPL không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, của các tổ chức kinh tế xã hội và các tầng lớp nhân dân. Để đạt được những mục tiêu đề ra cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác TTPBGDPL, trong đó, trú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ những người làm công tác TTPBGDPL.
Thu Phương
Các tin khác
YBĐT - Ngày 7/10/2010, Đoàn khối các cơ quan tỉnh tổ chức gặp mặt đoàn viên đạt giải thưởng trong các cuộc thi do tỉnh và Trung ương tổ chức năm 2010.
Tin mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, số người chết sau mưa lũ tại miền Trung đã lên tới 48 người, 18 người mất tích và 19 người bị thương; hàng nghìn ngôi nhà vẫn ngập trong lũ, nhiều tàu thuyền hư hỏng.
YBĐT - Năm 2010, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho 30 đối tượng. Các học viên đến cai nghiện được huyện hỗ trợ kinh phí sinh hoạt 8.000 đồng/ngày.
YBĐT - Thành phố Yên Bái hiện có trên 11.000 hội viên người cao tuổi (NCT) đang tham gia sinh hoạt tại các tổ chức cơ sở hội.