Mong được nhân rộng mô hình giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2010 | 3:03:22 PM
YBĐT - Triển khai mô hình này trong toàn tỉnh, Yên Bái đã có 7.000 đến 8.000 hộ nghèo đã thụ hưởng Dự án này của tỉnh. Dự án đã có kết quả tốt, nhiều hộ đã được nhận trâu, bò vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trao trâu của Dự án cho hộ nghèo 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
|
Thực hiện Quyết định 679/QĐ - UBND ngày 18/3/2010 về việc phê duyệt “Dự án mô hình giảm nghèo bền vững, phát triển đàn trâu sinh sản năm 2010” hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai Dự án mô hình giảm nghèo bền vững phát triển đàn trâu sinh sản tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cho 23 hộ với tổng số tiền đầu tư 230 triệu đồng. Việc thực hiện mô hình giảm nghèo có ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy sản xuất phát triển, giúp hộ nghèo từng bước tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Là một trong những hộ nghèo của xã Bảo Ái, gia đình anh Bàn Văn Vân ở thôn Ngòi Nhâu được Dự án hỗ trợ trâu sinh sản và được cán bộ thú y đến tận thôn tập huấn cách chăn nuôi. Anh Vân chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, cuộc sống hàng ngày chỉ trông chờ vào mấy bó củi, không đủ ăn đủ mặc chứ nói gì đến tiền mua trâu. Giờ được Nhà nước hỗ trợ con trâu cái, tôi sẽ chăm sóc tốt, rồi luân chuyển cho hộ nghèo khác để tất cả các hộ nghèo có thêm điều kiện phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo”. Hiện tại, cuộc sống của gia đình anh Vân đã tạm thời ổn định, chỉ cần chăm chỉ, cần cù lao động là gia đình anh có thể vươn lên thoát nghèo.
Cũng như gia đình anh Vân, hoàn cảnh của gia đình anh Hoàng Văn Lương ở thôn Ngòi Ngù cũng không khác là bao. Gia đình đông nhân khẩu, đất sản xuất ít, sức cày kéo không có nên việc hỗ trợ trâu sinh sản đã giúp gia đình anh có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Có thể nói, Dự án mô hình xóa đói giảm nghèo hỗ trợ trâu sinh sản đã thực sự mang lại hiệu quả cho các hộ nghèo trong thôn. Từ trâu mẹ ban đầu, sau khi đẻ nghé cái sẽ được luân chuyển cho hộ nghèo khác. Cứ như thế, các hộ được hỗ trợ trâu tiếp tục chăm sóc để sinh thêm nhiều nghé, vừa thúc đẩy chăn nuôi phát triển, có thêm sức kéo, góp phần mang lại hiệu suất lao động cao.
Trong niềm vui, anh Hoàng Văn Lương cho biết: “Dự án chăn nuôi trâu sinh sản rất phù hợp với bà con xã mình, vì ở đây nguồn thức ăn phong phú, phù hợp để nuôi và chăm sóc đàn trâu một cách tốt nhất. Bà con chăn nuôi trâu thấy hiệu quả hơn là chăm sóc cây lúa. Dự án này hợp lòng dân, được bà con tích cực hưởng ứng”. Đến nay, xã Bảo Ái đã được hỗ trợ 23 con trâu cái sinh sản.
Việc thực hiện bình xét các hộ nghèo tham gia Dự án được tổ chức công khai, dân chủ ngay tại thôn, bản. Ngay sau đó, bà con cũng được cán bộ thú y trực tiếp trang bị các kiến thức cần thiết về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho trâu. Theo chiều hướng phát triển này, chẳng lâu sau đàn trâu của thôn sẽ phát triển nhanh và nhân rộng ra nhiều thôn, xã khác trên địa bàn huyện. Từ mô hình giảm nghèo bền vững đã giúp các hộ nghèo được hưởng lợi, từng bước phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Trịnh Xuân Trượng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Việc triển khai Dự án hỗ trợ trâu sinh sản là bước ngoặt quan trọng trong công tác giảm nghèo. Các hộ nghèo đã có nhận thức đúng, chủ động và có trách nhiệm trong phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống. Chúng tôi mong muốn tỉnh tập trung nguồn lực để xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững cho những hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao được nghèo bền vững”.
Minh Tuấn
Các tin khác
Ngày 23.11, Bộ Y tế phối hợp với Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh miền núi phía Bắc và Ngân hàng Thế giới tổ chức bàn giao 52 xe ôtô cứu thương cho bệnh viện tuyến huyện 7 tỉnh miền núi phía Bắc.
Ngày 23/11, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi tới các Sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường các giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở thống kê cụ thể các vụ việc học sinh đánh nhau và kết quả xử lý.
YBĐT - Từ khi được thành lập đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã có 18 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề. Nơi đây trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm trên 80% học sinh ra trường có việc làm.
YBĐT - Nâng cao chất lượng dạy và học luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các nhà trường. Với xuất phát điểm của tuyển sinh đầu vào thuộc diện thấp nhất trong các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh nên việc nâng cao chất lượng dạy và học càng được Trường THPT Trần Nhật Duật (Yên Bình) chú trọng quan tâm.