Tuổi thơ em cần được đến trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/12/2010 | 8:58:57 AM

YBĐT - Trẻ em bị nhiễm HIV cũng như bất kỳ đứa trẻ khỏe mạnh nào khác, các em đều được nhận tình yêu thương, sự tôn trọng và chăm sóc đặc biệt.

Giờ đây, khát khao lớn nhất của bé C là được đi học như các bạn cùng trang lứa.
Giờ đây, khát khao lớn nhất của bé C là được đi học như các bạn cùng trang lứa.

Thực tế, việc tách riêng trẻ bị nhiễm HIV không giúp phòng được lây nhiễm HIV, vì HIV không lây qua đường tiếp xúc thông thường, mà còn khiến cho trẻ bị nhiễm HIV bị tổn thương về mặt tinh thần, tình cảm, đó là một tội ác với những đứa trẻ vốn đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi khi phải mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nỗi đau về sự kỳ thị có thể giết chết các em trước khi chết vì căn bệnh HIV.

Bà ơi, cháu muốn đến trường!

Đó là mong ước thiết tha của bé N.K.C trú tại thôn T.L, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Nhưng đáp lại nguyện vọng cháy bỏng ấy của bé C chỉ là những tiếng thở dài não nề của bà cụ Chiến - bà nội của bé.

Đến thăm nhà bà Chiến trong một chiều mùa đông, chỉ có bà với hai chị em bé C ở nhà. Ngồi trước mặt tôi là một người đàn bà nhỏ bé với những nỗi đau như in hằn sâu trên gương mặt. Bé C ngồi nép vào bà rụt rè, nhút nhát khi thấy người lạ đến nhà.

Với giọng nói run run và khóe mắt ầng ậc nước như chực khóc, bà Chiến kể: Ông bà có anh N.Đ.T là con trai duy nhất, nhưng hiện nay vợ chồng anh T đều bị nhiễm HIV do sử dụng ma túy. Anh T sinh được 2 cô con gái, cháu lớn may mắn vẫn khỏe mạnh, bình thường. Còn cháu C bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Mẹ cháu là chị Đ.T.H đang thụ án tù 20 năm do buôn bán ma túy, còn bố cháu, anh N.Đ.T thì thụ án tù 2,5 năm cũng vì tội buôn bán ma túy và mới được ân xá nhân dịp Quốc khánh 2.9 vừa rồi. Hiện nay, bệnh tình của cả anh T và chị H đang diễn biến ngày một nặng hơn.

Mặc dù mới ra trại, nhưng anh T không chịu chí thú làm ăn hay giúp bố mẹ chăm sóc các con mà thường bỏ nhà đi lang thang, đàn đúm với bạn bè. Bé C chỉ còn chỗ dựa duy nhất là ông bà nội cũng đang ở cái tuổi gần đất xa trời.

Giọng bà Chiến trở lên nghẹn ngào khi kể về việc xin học cho cháu: Năm học mới bắt đầu, bà dắt cháu đến trường mầm non của xã để xin cho cháu được đến trường, tuy nhiên nguyện vọng được đi học của cháu bà tưởng như đơn giản ấy lại bị nhà trường từ chối với một lý do "vô cùng nghiêm trọng", đó là cháu C bị nhiễm HIV.

Cô giáo bảo: do điều kiện nhà trường chật chội, trường chưa có phòng riêng cho trẻ bị nhiễm HIV, nên nhà trường chưa thể nhận cháu bà vào học được, vì không thể để cho cháu học tập, vui chơi cùng các bé khác khỏe mạnh, lỡ ra lại lây nhiễm cho các em khác.

Nghe cô giải thích như thế, bà chỉ biết lủi thủi dắt cháu về. Khổ thân con bé, những ngày đầu nhìn các bạn cùng trang lứa ríu rít tay trong tay bố mẹ đưa đến trường, nó lại gào khóc đòi bà đưa đi học, nó chưa thể cảm nhận được nỗi đau mà bà nó đang gánh chịu từng ngày. Có những hôm đòi đi học không được, C lại quay ra gào thét giận dữ.

Những lúc ấy, C như con thú nhỏ bị thương, lồng lộn giữa nỗi đau chưa có tên gọi. Được một thời gian, qua cảm nhận từ trong sâu thẳm tâm hồn non nớt của mình, hình như C cũng hiểu nên không dám vòi vĩnh bà nữa mà chỉ biết thập thò trong cửa nhà nhìn các bạn tung tăng đến trường.

Thương cháu đến quặn lòng, nhưng bà Chiến cũng chẳng biết làm sao để có thể xin cho cháu được đi học, bà chỉ biết ngậm ngùi ôm cháu vào lòng vỗ về mỗi khi bọn trẻ trong làng ríu rít tới trường.

Khi được hỏi: “Cháu có thích đi học không?”, bé C rụt rè bảo: Cô ơi, con thích đi học lắm, nhưng mà bà bảo con bị ốm không thể đi học được, hôm nọ cô giáo xuống cho con hai quyển sách, con thích lắm, con tô màu sắp hết rồi đấy. Nói rồi, bé C hớn hở chạy đi lấy hai quyển vở tập tô màu cho chúng tôi xem, vẻ háo hức hiện rõ trên nét mặt con trẻ khiến tôi khó có thể cầm lòng.

Bà Chiến kể: C hay nói rằng: Con mơ ước sau này con sẽ học thật giỏi, được đi du học ở Mỹ, con sẽ kiếm thật nhiều tiền về nuôi bà và chữa bệnh cho bố mẹ nữa. Nhưng C có biết đâu rằng, ước mơ đẹp đẽ ấy của em sẽ mãi xa vời khi sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng vẫn còn tồn tại.

Bà Chiến cho biết, cả cô hiệu trưởng và hiệu phó trường mầm non xã đã 2 lần xuống nhà bà, lần thì mua cho cháu gói bánh, lần thì 2 quyển vở nhưng lần nào các cô cũng đều bảo bà hãy cho cháu C ở nhà, có gì sang năm sẽ tính. Thế là bà lại nén nỗi đau vào lòng để rồi tiếp tục chờ đợi.

Vai trò của cộng đồng đối với trẻ em bị nhiễm HIV

Có một thực tế hiện nay là rất nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra e ngại khi cho con cái mình tiếp xúc với trẻ bị nhiễm HIV, C cũng chỉ là một trong số những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ phải chịu sự xa lánh, kỳ thị của mọi người.

Nhiều người cho rằng: "Thà cho con nghỉ học ở nhà còn hơn là đi học cùng lớp với đứa bị HIV". Chính vì người lớn còn nhận thức mang nặng tính kỳ thị, phân biệt đối xử lệch lạc như thế nên con cái họ cũng vô tư chế giễu, khinh rẻ các bạn bị nhiễm HIV. Không biết bao nhiêu lần, bé C đã khóc và ôm chặt lấy bà mà thổn thức: "Bà ơi, con “ết” là gì, tại sao các bạn lại ghét cháu như thế, cháu sợ lắm"...

Tuy nhiên, không thể không đặt ra câu hỏi là: Nếu gặp phải sự phản đối của các bậc phụ huynh khác khi có thái độ kỳ thị với những em bé chẳng may bị nhiễm HIV, các thầy cô giáo sẽ nói gì, sẽ giải thích ra sao để phụ huynh hiểu tường tận về HIV và việc phân biệt, kỳ thị đối xử với người bị nhiễm HIV, đặc biệt đối với trẻ em bị nhiễm HIV là một hành động bị nghiêm cấm đã được quy định trong Luật.

Chẳng lẽ, chỉ vì một số phụ huynh không đồng ý, phản đối mà nhà trường đành chịu bó tay, làm ngơ trước quyền lợi chính đáng của các em nhỏ bất hạnh và vô tội hay sao?

Thực tế đã cho thấy: Hiện nay, không ít các giáo viên chưa được trang bị kiến thức cũng như kỹ năng tuyên truyền, giáo dục cho mọi người về các quy định pháp luật nói chung và phòng, chống HIV nói riêng, thế nên các cô mới đồng tình với các bậc phụ huynh trong việc vô tình loại những đứa trẻ bị nhiễm HIV ra khỏi môi trường vui chơi, học tập hòa đồng với các bạn cùng trang lứa, đẩy các em ra khỏi quyền được quan tâm, chăm sóc mà các em đáng được hưởng.

Sự phân biệt, kỳ thị của không ít người với những trẻ em có số phận bất hạnh không may bị nhiễm HIV chính là đang vi phạm pháp luật, vi phạm công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc; vi phạm Luật Bảo vệ, chăm có trẻ em, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV và chính sự kỳ thị, phân biệt đối xử ấy là thứ thuốc độc giết chết các em trước khi các em chết vì căn bệnh thế kỷ HIV.

Thiết nghĩ, việc để cho trẻ em bị nhiễm HIV được đến trường đi học như những đứa trẻ bình thường khác cần phải có sự nhìn nhận khách quan và đồng thuận của cả cộng đồng. Trong đó vai trò của các giáo viên, ban giám hiệu nhà trường là đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho các bậc phụ huynh và các em học sinh hiểu một cách cặn kẽ về HIV.

Để giảm thiểu sự phân biệt, đối xử, kỳ thị của xã hội về căn bệnh HIV, không ai hết mà chính các thầy cô giáo cần phải là cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa trẻ bị nhiễm HIV với các trẻ em khác, giúp các em có được sự tự tin, mạnh dạn trong việc học tập, vui chơi hòa đồng với các bạn, giảm thiểu nỗi đau tinh thần mà các em - những nạn nhân vô tội đang phải gánh chịu hiện nay.

Quyết định số 84/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó đã đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2010, điển hình như: ít nhất 50% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chính sách xã hội theo quy định hiện hành; 100% trẻ em nhiễm HIV trong diện quản lý được chăm sóc, điều trị, tư vấn thích hợp; ít nhất 30% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ chăm sóc tâm lý - xã hội; chăm sóc tại gia đình và cộng đồng; tư vấn và xét nghiệm HIV; hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất; tiếp cận và chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập cho trẻ em lứa tuổi mầm non; 50% cơ sở giáo dục có bố trí nhân viên y tế có khả năng tư vấn cho trẻ em nhiễm HIV; ít nhất 50% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc thay thế dựa vào gia đình, cộng đồng; 50% cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cơ sở chăm sóc và điều trị trẻ em nhiễm HIV được cung cấp kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho trẻ em; ít nhất 70% nhà quản lý làm việc với trẻ em trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội có kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; ít nhất 50% phụ huynh, học sinh, giáo viên của các cơ sở giáo dục được cung cấp thông tin về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, kiến thức cơ bản về quyền của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; ít nhất 50% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác...

* Theo cuốn tài liệu "Sự thật về trẻ em và HIV/AIDS", thì có tới 9 sự thật về trẻ em và HIV/AIDS được Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố gồm: không phải tất cả các bà mẹ nhiễm HIV đều sinh con nhiễm HIV; sự thật tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khoảng 25 - 30% nếu không được sử dụng thuốc kháng HIV (ARV) và nuôi dưỡng bằng phương pháp thích hợp; được chăm sóc và điều trị thích hợp, trẻ em nhiễm HIV có khả năng học tập, phát triển và sống cuộc sống bình thường như mọi trẻ em khác; tiếp xúc thông thường với trẻ nhiễm HIV không bị lây nhiễm HIV; phòng lây nhiễm HIV không phải là lý do để tách biệt trẻ em nhiễm HIV với những trẻ em khác tại trường học, nơi vui chơi và nơi ở...; yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV là vi phạm quyền của trẻ; trẻ em cần được giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, HIV và kỹ năng sống; trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần được chăm sóc giống như những trẻ em khác; trẻ em có khả năng nhận thức và hiểu về HIV/AIDS và những vấn đề có liên quan; cộng đồng đóng vai trò quan trọng giúp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Tân Nhân

Các tin khác
Đại diện Hội hữu nghị thành phố Chevilly Larue - Cộng hòa Pháp giao lưu với bà con nhân dân khu dân cư Thống Nhất (phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái).

YBĐT - Tiếp ngay sau chương trình làm việc của đoàn công tác đại diện chính quyền thành phố Sơ-vi La-rua (Chevilly Larue) - Cộng hòa Pháp, Hội hữu nghị thành phố bạn tiếp tục có chuyến thăm, trao đổi hợp tác trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Bộ GDĐT đang đề xuất: Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non (gọi chung là giáo viên mầm non), công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các điều kiện theo quy định thì được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định trong tương lai, sinh viên chỉ chi dưới 100.000 đồng/tháng cho tiền thuê nhà ở

YBĐT - Sáng 29/11, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược quốc gia VSTBCPN. Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà - Trưởng ban VSTBCPN tỉnh chỉ đạo Hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục