Nan giải dịch sốt phát ban tại Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/3/2011 | 11:06:39 AM

YBĐT - Từ tháng 1 năm 2011 đến nay, nhiều người dân ở thành phố Yên Bái, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên... đã bị mắc bệnh sốt phát ban (bệnh Rubella). Và từ ngày 1- 8/3 trên địa bàn tỉnh đã có 5 ổ dịch sốt phát ban.

Y, bác sỹ Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái điều trị bệnh sốt phát ban cho bệnh nhân.
Y, bác sỹ Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái điều trị bệnh sốt phát ban cho bệnh nhân.

Đối tượng bị mắc bệnh chủ yếu là học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp. Bệnh sốt phát ban không nguy cấp nhưng lại khá nghiêm trọng nếu như người mắc bệnh không được điều trị kịp thời để xảy ra biến chứng nặng.

Bác sỹ Nguyễn Văn Dậu- Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vac xin sinh phẩm, Trung Tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết:“ Đầu tháng 1/2011 bệnh sốt phát ban đã xảy ra rải rác ở một số huyện thị, thành phố vùng thấp trong tỉnh. Ngày 1/3, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thành phố Yên Bái với 32 ca mắc bệnh; ngày 4/3 có thêm ổ dịch mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình với 36 ca mắc bệnh; từ ngày 6- 8/3, có thêm 3 ổ dịch sốt phát ban mới tại Trường THPT thị trấn Thác Bà (28 ca); Trường THPT Động Quan, huyện Lục Yên (37 ca); thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên ( 12 ca)...

Tổng số bệnh nhân trên địa bàn tỉnh bị sốt phát ban từ tháng 1 đến ngày 10/3 là trên 506 người. Khi có dịch sốt phát ban xảy ra, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh điều tra, giám sát ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức tuyên truyền nhân dân vệ sinh phòng bệnh, mặc đủ ấm, giữ ấm cổ, ăn uống đủ chất nâng cao thể lực, nhỏ thuốc sát khuẩn mũi, họng và tốt nhất là tiêm vac xin phòng bệnh.

Yêu cầu cán bộ y tế cơ sở viết bài tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, phường, thị trấn, trường học tuyên truyền phòng dịch sốt phát ban và phối hợp với các trường học có ổ dịch cho học sinh nghỉ học để điều trị bệnh...”. Trong những ngày đầu tháng 3/2011 bệnh nhân đến điều trị sốt phát ban tại  Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Đa khoa tỉnh khá đông.

Chị Nguyễn Thị Huệ, cư trú tại tổ 40, phường Yên Ninh, T.P Yên Bái có con gái là cháu Đỗ Huyền Trang (5 tuổi) đang điều trị tại đây cho biết, ngày 7/3 cháu Trang bị sốt đến hôm sau bị phát ban lên mặt, rồi toàn thân tôi lo quá đưa cháu vào bệnh viện.

Các y, bác sỹ Khoa Truyền nhiễm đã khám, điều trị truyền dịch và cho cháu uống thuốc cháu đã hết sốt và mụn ban cũng đang lặn dần sắp khỏi rồi. Được biết, từ tháng 1 đến 10/3/2011, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đón tiếp, điều trị cho 31 bệnh nhân bị sốt phát ban vào nhập viện (riêng 10 ngày đầu tháng 3 là 22 bệnh nhân), trong đó đã có 15 bệnh nhân khỏi bệnh ra viện.

 Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dậu - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vac xin sinh phẩm Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh: Bệnh Rubella (hay còn gọi là Ru-bê-on, bệnh sởi Đức) là một bệnh truyền nhiễm, do vi rút Rubella gây nên. Bệnh lưu hành trên toàn thế giới, thường xuất hiện vào mùa đông xuân, có thể xảy ra thành dịch.

Tuy bệnh Rubella là một bệnh lây nhiễm không nguy cấp, nhưng lại khá nghiêm trọng do có khả năng gây nên những dị tật bẩm sinh nặng nề ở bào thai đối với những phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc trẻ em dưới 10 tuổi có thể bị viêm màng não nếu xảy ra biến chứng nặng. Bệnh Rubella diễn tiến qua 3 giai đoạn (thời kỳ ủ bệnh; thời gian phát bệnh và thời kỳ lui bệnh).

Thời kỳ ủ bệnh từ 12- 23 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Thời gian này người bệnh đã bị nhiễm vi rút, nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Thời gian phát bệnh, người bệnh sẽ có những biểu hiện: sốt nhẹ trên 37 độ C kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, chảy mũi trong, đau họng, đôi khi có đỏ mắt, phát ban: ban đỏ, từng đốm lan toả, ban dát sần.

 Đặc biệt, ban mọc đầu tiên ở mặt, sau đó lan ra lan ra toàn thân (trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân); đau khớp, nổi hạch. Thời kỳ lui bệnh: các triệu chứng kéo dài 3- 4 ngày rồi tự hết. Riêng triệu chứng đau khớp có thể kéo dài lâu hơn. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời với bệnh (nghĩa là sẽ không bị mắc bệnh trở lại).

Hiện nay, dịch sốt phát ban vẫn có nguy cơ lan rộng trong cộng đồng do lây nhiễm, nhất là ở các trường học. Các địa phương, các ngành chức năng cần phải tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để người dân biết cách phòng bệnh. Mặt khác, ngành Y tế cần có những biện pháp mạnh hơn để kiểm soát, khống chế, ngăn chặn không để dịch lan rộng trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Giang  

Các tin khác

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm lắp đặt các trạm cảnh báo sóng thần và dự kiến sẽ hoàn thành xong trong tháng 3/2011

Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 157/2007QĐ-TTg về Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) đã diễn ra ngày 10-3 với hình thức trực tuyến.

Phiên xét xử  vụ đi săn bắn nhầm người tại xã Nậm Mười (Văn Chấn). (Ảnh: Huy Văn)

YBĐT - Với những kết quả đã đạt được, trong những năm qua, TAND thị xã Nghĩa Lộ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng "Cờ thi đua xuất sắc".

Các hội viên nông dân xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) giúp nhau làm đất chuyển đổi từ một vụ lên hai vụ.

YBĐT - Với những việc làm thiết thực, hướng về cơ sở, Hội Nông dân xã Lâm Giang đã góp phần hướng dẫn các hội viên nông dân biết nắm bắt các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, biết khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương nên đời sống của bà con nông dân không ngừng được cải thiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục