Kinh nghiệm phổ cập giáo dục ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ tư, 16/3/2011 | 3:16:02 PM
YBĐT - Trong suốt 10 năm thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục ở Mù Cang Chải, có thể thấy vai trò điều hành, chỉ đạo hiệu quả của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện.
Cô và trò ở điểm trường bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải).
|
Làm thế nào để vào thời điểm này, huyện Mù Cang Chải hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở cùng các địa phương khác, trong điều kiện của một huyện nghèo và lạc hậu?
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hồ Bốn nằm ngay trên quốc lộ 32. Thế nhưng số học sinh nhà ở cách trường dưới 3 cây số chỉ có vài chục em, hàng trăm học sinh khác phải trèo đèo lội vực, vượt qua hàng chục ki lô mét để đến trường. Vì vậy, khó khăn nhất trong quá trình thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ở đây chính là công tác vận động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần. 10 năm thực hiện mục tiêu phổ cập là 10 năm các thầy cô ở đây bám bản để vận động phụ huynh và học sinh.
Đồng bào Mông đi làm có khi 9, 10 giờ đêm mới trở về nhà, không có cách nào khác là ngồi chờ tới nửa đêm. Thường thì xong đâu đấy, các thầy cô sẽ ngủ lại nhưng đôi khi vẫn phải vượt rừng lúc nửa đêm để rạng sáng về tới trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Hồ Bốn là xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần một nửa, đa số các hộ gia đình quá khó khăn nên không có điều kiện cho con em đến trường. Hơn nữa, thanh thiếu niên ở độ tuổi 13 đến 18 lại là lao động chính của nhiều gia đình nên thường phải bỏ học ở nhà làm việc. Các thầy cô giáo bảo rằng, nếu không được người dân coi như con cái trong nhà thì công tác vận động coi như thất bại.
Bên cạnh khó khăn khi vận động học sinh ra lớp, trong quá trình thực hiện phổ cập tiểu học và trung học cơ sở ở Mù Cang Chải còn có những khó khăn về nhân lực. Đội ngũ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở trong những năm đầu thực hiện phổ cập giáo dục thiếu rất nhiều, cơ cấu bộ môn không đồng đều, giáo viên lại phải dạy chéo ban, chéo môn. Đó là chưa kể trình độ của các giáo viên còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy. Cộng vào đó là thiếu cơ sở vật chất. Các điểm trường chính được đầu tư và dần hoàn thiện qua từng năm nhưng cũng qua 10 năm, hầu hết các điểm trường lẻ vẫn là nhà tranh tre, nứa lá, cheo leo trên các bản... Trong khó khăn và thiếu thốn, ngành giáo dục Mù Cang Chải đã bắt đầu quá trình phổ cập với việc làm tốt công tác tuyên truyền vận động.
Ngoài tuyên truyền, vận động người học, huyện cũng đẩy mạnh vận động thầy cô tận tâm bám bản, vận động nhân dân đóng góp sức người sức của để xây dựng trường lớp sao cho có được một môi trường học tập hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế. Những khó khăn dần qua đi. Đến nay, toàn huyện Mù Cang Chải đã có 8 trường tiểu học với 89 điểm trường, 8 trường trung học cơ sở; 7 trường tiểu học kết hợp trung học cơ sở và 11 trường mầm non. Cơ sở vật chất được tăng cường, điều kiện sinh hoạt của giáo viên và học sinh được nâng lên…
Vừa đào tạo nhân lực người địa phương vừa kêu gọi tinh thần tình nguyện lên vùng cao công tác của các giáo sinh mới ra trường, đến nay Mù Cang Chải có trên 800 giáo viên đứng lớp ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, số đạt chuẩn trên 98%.
Nhìn lại những kết quả qua 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, ông Hoàng Văn Đồng - Phó trưởng ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, kết quả đó có được chính nhờ sự chủ động và quyết tâm vượt khó trong việc xây dựng và triển khai công tác này: "Trước hết, phải duy trì ổn định mạng lưới trường lớp học. Các em học sinh dù ở đâu, ở chỗ nào cũng có điều kiện thuận lợi để đến học từ lớp mầm non đến tiểu học. Thứ hai là bố trí đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu để thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục. Đồng thời phải tăng cường quán triệt các địa phương trong công tác tuyên truyền để huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đi học".
Trong suốt 10 năm thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục ở Mù Cang Chải, có thể thấy vai trò điều hành, chỉ đạo hiệu quả của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện. Từng thành viên Ban chỉ đạo đã bám sát và nắm vững cơ sở, từ đó chỉ đạo quyết liệt, ký cam kết trách nhiệm với chính quyền các xã, thị trấn để triển khai kế hoạch.
Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các xã, thị trấn với việc cử trực tiếp tham gia công tác điều tra cơ bản, nắm vững đối tượng phổ cập trên địa bàn, phối hợp với nhà trường tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp; tận dụng và tìm mọi hướng để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập.
Với vai trò của cơ quan thường trực, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mù Cang Chải đã tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra thường xuyên việc dạy và học tại các điểm trường, đặc biệt là các điểm trường lẻ nhằm hướng tới các kết quả thực chất.
Như vậy là dù còn nhiều việc phải làm nhưng huyện Mù Cang Chải vẫn đã theo kịp các địa phương vùng thấp trong quá trình thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục giai đoạn 2001 - 2010. Trong 5 năm tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục phấn đấu duy trì, giữ vững kết quả về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ở các xã đã đạt chuẩn. Đồng thời, phấn đấu để 6 xã còn lại đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2012; phấn đấu xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở 14/14 xã, thị trấn đảm bảo đủ các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị...
Trong khi chờ đợi những sự đầu tư của Nhà nước, ngành giáo dục Mù Cang Chải sẽ tiếp tục triển khai chương trình bằng chính nội lực của mình.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Những việc làm thiết thực với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành sẽ là điều kiện tốt nhất để trẻ em Vũ Linh có điều kiện học tập, vui chơi trong môi trường an toàn lành mạnh để phát triển toàn diện về cả thể chất và trí tuệ.
YBĐT - Ngày 16/3, thầy và trò trường Tiểu học Kim Đồng đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận "Trường chuẩn quốc gia mức độ 2” và Giấy chứng nhận đạt "Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3”.
YBĐT - Năm học 2010 - 2011, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia tiến hành sớm hơn mọi năm, diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng 1 năm 2011.
YBĐT - Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp tổ chức cấp phát gạo cứu đói giáp hạt cho người dân tại 7 xã, phường với tổng số lượng gạo cấp phát đợt này là 43,355 tấn được chuyển lên từ Cục Dự trữ quốc gia cho gần 3.000 khẩu.