Hiệu quả sau 5 năm thực hiện Dự án Khí sinh học tại Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 31/3/2011 | 3:33:17 PM
YBĐT - Dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam" do Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện.
Thanh niên tình nguyện xã Nậm Búng (Văn Chấn) lao động giúp người dân tại bản Nậm Chậu làm công trình vệ sinh.
|
Nguồn vốn của Dự án bao gồm viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan, vốn ngân sách của Chính phủ Việt Nam, vốn đối ứng của các tỉnh và đóng góp của các hộ dân tham gia dự án. Yên Bái là tỉnh miền núi tham gia Dự án Khí sinh học từ năm 2006 - 2010, trong 5 năm qua, các hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 1.934 công trình khí sinh học.
Hiện nay, tất cả những công trình này đều được đưa vào sử dụng, vận hành đạt hiệu quả cao. Được Trung ương, tỉnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ghi nhận. Đây là nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến huyện, xã. Những lợi ích chính và dễ nhận thấy đều được các hộ dân đã sử dụng công trình công nhận. Đó là những lợi ích về sử dụng công trình dưới dạng khí, mỗi hộ gia đình sử dụng công trình khí sinh học sẽ tiết kiệm được từ 300 đến 400 nghìn đồng/tháng tương đương với 4 triệu đồng/năm do không phải mua khí gas hóa lỏng hoặc than, củi, điện. Nếu đem số tiền này nhân với gần 1.934 công trình trên địa bàn toàn tỉnh thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 6 - 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều hộ dân còn nối công trình vệ sinh của gia đình vào công trình khí sinh học nên tiết kiệm được khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng do không phải xây bể phốt. Số tiền này nếu nhân với khoảng 1.000 công trình của các hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh thì cũng sẽ tiết kiệm được 3- 4 tỷ đồng. Lợi ích thứ hai mà khí sinh học mang lại chính là phụ phẩm để bón cho cây trồng, đồng thời có thể dùng làm thức ăn bổ sung cho cá, nuôi giun…
Để đến được với các hộ dân, Dự án đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể và các cơ quan của địa phương như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Đây là những tổ chức đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ với Dự án trong việc tuyên truyền, vận động các hộ dân xây dựng công trình khí sinh học. Hầu hết, những người sử dụng khí sinh học hiện nay hoặc những người đã đăng ký xây dựng công trình khí sinh học trong tương lai đều cho biết, họ được biết về công nghệ này là từ hàng xóm hoặc họ hàng, người thân và thông qua các tổ chức đoàn thể, chính quyền.
Được thăm quan công trình khí sinh học đang vận hành và học hỏi về những nguyên tắc cơ bản của công nghệ này, chứng kiến tận mắt hiệu quả của công trình thực sự rất cần thiết với những người sử dụng tiềm năng. Mặc dù công nghệ khí sinh học là một công nghệ đa lợi ích nhưng những lợi ích về môi trường và xã hội khó có thể tính thành tiền nên việc thuyết phục người dân tham gia dự án, nhất là các hộ dân sống ở vùng nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn. Đối với họ các yếu tố môi trường chưa phải là vấn đề cấp thiết như các lợi ích về kinh tế.
Mặt khác, do địa bàn triển khai rộng, phân tán và không tập trung, việc đi lại khó khăn, giá cả nguyên vật liệu, giá nhân công liên tục biến động theo hướng tăng (bình quân tổng chi phí đầu tư để xây dựng một công trình khí sinh học cỡ 10 m3 khoảng 10 triệu đồng nên nhiều hộ gia đình có nhu cầu xây dựng nhưng khả năng tài chính không đủ).
Quá trình tham gia vào Dự án giai đoạn từ năm 2006 - 2010 đã đặt ra một yêu cầu đối với Trung tâm Khuyến nông Yên Bái là làm thế nào để triển khai một cách có hiệu quả các hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng mục tiêu dài hạn của Dự án là: cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn thông qua khai thác các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển một ngành khí sinh học bền vững mang tính thị trường.
Đồng thời đáp ứng mục tiêu ngắn hạn là: ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tạo ra nguồn năng lượng sạch và rẻ tiền cho người dân nông thôn, góp phần giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng để làm chất đốt và giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch; cung cấp phụ phẩm khí sinh học cho trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra thực phẩm sạch và hình thành các tổ chức kinh tế - xã hội và các cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp về khí sinh học.
Với sự nỗ lực đó, tỉnh Yên Bái đã góp phần không nhỏ tới sự thành công của Dự án khí sinh học Việt Nam - Hà Lan. Năm 2007, Dự án đã được trao giải nhất năng lượng toàn cầu về lĩnh vực khí tại thủ đô Brussel (Bỉ), đây là giải thưởng danh giá của thế giới trao cho các dự án được ghi nhận là có đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu và nóng lên của trái đất. Tháng 7 năm 2010, Dự án tiếp tục được trao giải thưởng năng lượng bền vững Ashden tại London (Anh). Giải thưởng này công nhận quan hệ thành công giữa hai nước Việt Nam - Hà Lan.
KS. Phạm Thế Ánh - (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
Chương trình tiêm vaccine miễn phí này sẽ áp dụng cho trẻ 18 tháng tuổi thay vì 6 tuổi như trước đây
YBĐT - Với tỉnh Yên Bái, năm 2011 mới là năm thứ 4 thực hiện việc HMTN và năm 2010, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới chỉ thu gom được trên 130 đơn vị máu, đáp ứng khoảng 1/10 nhu cầu điều trị tại bệnh viện.
YBĐT - từ đầu năm, Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Trạm Tấu đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung phong trào đến toàn thể cán bộ, hội viên.
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05/2008/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực.