Tháng ba về với cội nguồn
- Cập nhật: Thứ ba, 12/4/2011 | 7:43:06 AM
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca ấy đã in sâu trong tiềm thức mỗi người dân đất Việt từ ngàn đời nay.
Hàng triệu người hành hương về với cội nguồn trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương
|
Trong dòng người tưởng chừng như bất tận hành hương về Nghĩa Lĩnh, gạt những giọt mồ hôi trên gương mặt nhăn nheo vì mưa nắng, nhưng ánh mắt của cụ ông Nguyễn Trung Ngọc (88 tuổi) và cụ bà Phạm Thị Ninh (76 tuổi) ở Quận Gò Vấp - TP Hồ Chí Minh vẫn rạng niềm vui: “Chim có tổ, người có tông”, chúng tôi đã ở tuổi biết mệnh trời, nhưng hàng ngày vợ chồng tôi vẫn luôn đau đáu trong lòng được một lần về đất Tổ.
Hôm nay, được về Đền Hùng đúng vào dịp lễ hội, cảm xúc trong tôi thật là khó tả! Ước mơ của vợ chồng tôi nay đã thành sự thực, hình ảnh quê cha, đất Tổ sẽ không bao giờ phai trong tôi. Hai cụ đi đến đâu cũng bảo cô con gái chụp cho một kiểu ảnh để giữ làm kỷ niệm mang về phương Nam nắng gió.
Phải nhờ những người đồng đội dìu lên từng bậc đá, nhưng CCB Dương Đình Quý ở xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên vẫn gắng lên tới đền Thượng.
Quên đi sự nhọc nhằn, lau vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Quý chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi được về đất Tổ. Lần đầu tiên cách đây đã 20 năm, khi tôi đóng quân ở Yên Bái. Hôm nay trở lại, tôi vô cùng xúc động trước những đổi thay của vùng quê đất Tổ và Khu di tích. Thăm Đền Hùng tôi như nhìn thấy được những ký ức hào hùng của dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ mỗi người đều phải cố gắng gìn giữ truyền thống kiên cường bất khuất ấy của dân tộc mình”.
Trong hành trang về với cội nguồn, các thầy cô giáo và học sinh Trường THCS Trần Phú, phường Lĩnh Nam, Hà Nội mang theo một chiếc loa cơ động. Thầy Nguyễn Văn Hải cho biết: Về Đền Hùng, ngoài việc dâng hương tưởng nhớ tổ tiên, chúng tôi còn có buổi học ngoại khóa về thời đại Hùng Vương cho các em học sinh.
Trong niềm vui khi được về Đền Hùng, em Thùy Trang cho biết: Trường cháu không phải bạn nào cũng được đi, mà chỉ những ai chăm ngoan, có thành tích cao trong học tập mới được đi trong dịp giỗ Tổ. Về đây, cháu càng hiểu thêm về truyền thuyết các Vua Hùng, về Nhà nước Văn Lang, về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Không chỉ đối với người Việt mà bạn bè quốc tế khi đến đây cũng có một tình cảm sâu sắc. Ngài Habib - Ur – Rahman, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Hồi giáo Pakistan, bày tỏ: Hôm nay chúng tôi rất may mắn được đến thăm Đền Hùng. Đây thực sự là thời khắc lịch sử đối với tôi khi được đến thăm khu di tích này. Chính phủ Việt Nam đã gìn giữ khu di tích rất tốt.
Còn anh Xổm Xặt ở Viêng Chăn, Lào, có vợ là người Việt, xúc động cho biết: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi cùng vợ con đến nơi đây. Tôi, đặc biệt là các con tôi có một cơ hội tốt để hiểu hơn về nguồn gốc con người, văn hóa Việt Nam qua những hiện vật, hình ảnh quý giá trong Bảo tàng Hùng Vương”.
Không chỉ những giá trị về tinh thần, tâm linh với tấm lòng thành kính và ước nguyện xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn, xứng đáng là di tích đặc biệt của quốc gia, nhiều tập thể, cá nhân đã không tiếc công, tiếc của dâng hiến công của để trùng tu, tôn tạo các di tích và làm phong phú thêm các hiện vật trưng bày.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, một doanh nhân ở Hà Nội, cung tiến một bộ vòng ngọc cho biết: “Về giá trị kinh tế, thì đây chưa hẳn là đồ vật có giá trị cao nhất, nhưng về tâm linh, đây là vật mà tôi quý nhất”.
Trong cả trăm hiện vật cung tiến như: Đỉnh đồng, hạc đồng, mũ niệm đồng, biểu tượng Văn Miếu, biểu tượng Cố Đô Huế, Đàn đá Khánh Sơn, dấu ấn "Tổ Vương tích phúc"… đều chứa đựng tình cảm của người, mỗi miền quê. Còn người dân Quảng Ninh với tình cảm của mình, đã cung tiến một cặp sư tử được tạc bằng than đá-một khoáng sản mang đặc trưng của quê hương.
Những người bạn Lào đã đem đến đây biểu tượng của đất nước triệu voi là chùa ThatLuang. Tất cả các hiện vật thể hiện tình cảm của đồng bào và bạn bè quốc tế đã được tỉnh Phú Thọ nâng niu, trân trọng giữ gìn và đem trưng bày vào mỗi dịp lễ hội.
Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong tiến trình lịch sử luôn là yếu tố nội lực của văn hóa dân tộc, góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi của người Việt Nam.
Bằng chứng sinh động để khẳng định hệ tín ngưỡng thờ Hùng Vương là hơn 80 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên đất nước Việt Nam đã lập hơn 1.400 di tích thờ các Vua Hùng, rồi tổ chức lễ hội hàng năm để bày tỏ tấm lòng tri ân tiên tổ.
Các hoạt động của lễ hội sẽ trải dài từ trung tâm là thành phố Việt Trì – trung tâm lễ hội đến 13 huyện, thị và các thị xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đặc biệt, nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2011, sẽ diễn ra một cuộc hội thảo quốc tế “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương".
Đây là một bước quan trọng nhằm hoàn thiện Hồ sơ khoa học đề nghị tổ chức UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
(Theo cpv.org.vn)
Các tin khác
YBĐT - Để công tác phòng và chống lao đạt hiệu quả các cán bộ chuyên trách phòng chống lao huyện Yên Bình đã tiến hành lập kế hoạch quản lý giám sát bệnh nhân để điều trị dứt điểm mầm bệnh.
YBĐT - Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, động viên tinh thần của cán bộ, chiến sĩ khắc phục mọi khó khăn, tích cực chủ động trong triển khai thực hiện kế hoạch huấn luyện.
YBĐT - Chủ trương của tỉnh về việc vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc là rất đúng đắn, thiết thực, nhất là khi chúng ta đang thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
YBĐT - Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) năm 2010 vừa qua, Yên Bái có 45 trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên, tăng 6 người so với năm 2009.