Cạn kiệt cá sông Hồng
- Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2011 | 2:50:12 PM
YBĐT - Có tin cảnh sát môi trường vừa phát hiện nước mặt sông Hồng bị nhiễm kim loại nặng và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người cùng các loài sinh vật làm xôn xao xóm chài.
Bao nhiêu năm nay, dòng sông Mẹ đã cho họ con cá, con tôm để đổi lấy bát cơm, manh áo. Thế mà bây giờ nguồn sống của họ đang bị đe doạ, thành ra mọi câu chuyện đều xoay quanh vấn đề này. Lão Am tỏ ra là người giàu kinh nghiệm sông nước lên tiếng:
- Hèn nào tôi thấy mấy hôm nay nước không còn cái màu đỏ phù sa như thường khi, lại có mùi khăn khẳn khó chịu, chắc có kẻ thải độc vào sông.
- Ngoài mấy cái nhà máy giấy, máy sắn, tuyển quặng… ở đầu nguồn thì còn ai vào đấy nữa. Lại thêm mấy ông đào đãi vàng, biết đâu chẳng dùng cả hoá chất độc hại.
- Vậy thì nguy thật rồi, những cá chép, cá chiên, cá mịt, trạch chấu mà bấy lâu nay vốn là đặc sản khéo cũng tiệt chủng thôi.
- Nào chỉ có vậy, nếu tình trạng này kéo dài thì còn ảnh hưởng lớn tới hàng triệu ha của vựa lúa đồng bằng Bắc bộ. Lại còn hỏng cả chương trình khai thác nền văn minh sông Hồng để làm du lịch nữa chứ.
- Không chừng lại diễn ra vụ sông Thị Vải như ở tỉnh Đồng Nai đây. Cụ Thêm tỏ ra thông tường thời sự khẳng định.
- Tôi đọc báo thấy nói mấy hôm nay các nhà khoa học ngành tài nguyên - môi trường đã vào cuộc, chắc chắn họ sẽ tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý để trả lại sự trong lành cho dòng sông - Lão Am một lần nữa lên tiếng - Nhưng còn nguy cơ tiềm ẩn ở chính chúng ta đấy!
- Ông nói lạ, chẳng lẽ mình thả độc vào sông à? Mấy người nhao nhao phản đối.
Bình tĩnh rít hơi thuốc dài, nhấp một ngụm trà cho ngọt giọng, chờ cho mọi người bớt ồn ào, lão Am mới thủng thẳng:
- Không thả độc mà là dùng cách độc để huỷ diệt các loài thuỷ sản. Ai đời lưới thì mắt nhỏ tí ti đến nỗi cá cháu, cá chắt cũng bị bắt; rồi kích điện, ném mìn, thử hỏi còn loài nào sống nổi.
- Ôi dào, ông cứ lo xa. Trời sinh ra dòng sông khắc sinh ra cá tôm, ba ba, thuồng luồng… hết rồi lại có lo gì.
- Các ông thử ngẫm lại xem, mấy năm nay cá tôm có còn phong phú như trước không?
- Thì đánh bắt nhiều cũng phải cạn kiệt chứ!
- Vấn đề là ở đấy. Ăn hôm nay phải biết đến ngày mai, làm cho mình phải biết lo cho con cháu. Tài nguyên đâu phải là thứ vô hạn định nên cần giữ gìn và tạo điều kiện để nó phát triển. Ở tỉnh ta mỗi năm Nhà nước bỏ ra hàng tỷ đồng thả cá giống vào hồ Thác Bà cũng chính là nghĩ sâu xa tới vấn đề đó. Còn cá xỉnh ngòi Thia, cá bỗng sông Chảy, cá chiên sông Hồng… mà cứ đánh bắt như bây giờ thì chỉ còn đường tiệt chủng.
- Thế có nghĩa là bỏ nghề à?
- Không phải vậy mà cần chấm dứt đánh bắt theo kiểu tận diệt, làm được chính là tham gia bảo vệ môi trường đấy.
- Đúng… đúng…
Cả nhóm người cùng gật gù hưởng ứng. Và họ cùng xúm vào thảo quy ước về việc đánh bắt thuỷ sản, giữ gìn sự giàu có của con sông quê hương.
Nam Hà
Các tin khác
YBĐT - Tích cực giúp nhau phát triển kinh tế nâng cao đời sống hội viên giảm nghèo nhanh và bền vững, không để tái nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá giàu là chỉ tiêu mà Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lục Yên đã đề ra để các cơ sở hội phấn đấu thực hiện trong thời gian qua.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa yêu cầu các Sở LĐTBXH kiên quyết đình chỉ những cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn lao động (ATLĐ) trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa, nên cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt cho trẻ để phòng tránh nhiễm bệnh.
YBĐT - Văn Chấn đã nghiêm túc triển khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện.