Cán bộ phải biết chữ và tiếng dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/4/2011 | 9:14:47 AM

YBĐT - Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái chú trọng việc dạy chữ và tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ công tác ở các huyện vùng cao.

Biết tiềng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương sẽ trợ giúp đắc lực cán bộ công tác ở vùng cao nâng cao hiệu quả công việc.
Ảnh: Cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu hướng dẫn bà con người Thái, xã Hát Lừu kỹ thuật trồng rau vụ đông.
Biết tiềng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương sẽ trợ giúp đắc lực cán bộ công tác ở vùng cao nâng cao hiệu quả công việc. Ảnh: Cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu hướng dẫn bà con người Thái, xã Hát Lừu kỹ thuật trồng rau vụ đông.

Các tỉnh miền núi Tây Bắc có nhiều dân tộc anh em chung sống. Nhằm góp phần thức đẩy kinh tế - xã hội ở các vùng này phát triển, những năm qua, các tỉnh Tây Bắc đã tăng cường, luân chuyển cán bộ về cơ sở. Tuy nhiên, do nhiều cán bộ không biết chữ và tiếng dân tộc thiểu số nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả công việc khi được điều động tăng cường về các địa phương.

Anh Hoàng Đình Dậu là cán bộ ngành kiểm lâm Yên Bái, được tăng cường về công tác tại huyện Trạm Tấu từ năm 2008. Trạm Tấu là huyện vùng cao của tỉnh, gần như 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Với vai trò là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng theo chức năng được giao, anh và các cán bộ của Hạt phải thường xuyên xuống cơ sở tiếp xúc với đồng bào. Anh Dậu cho biết, hiện nhiều vùng ở Trạm Tấu bà con chưa biết nghe và nói tiếng phổ thông, vì vậy, việc trao đổi, tiếp xúc giữa anh và đồng bào là hết sức khó khăn. Để bà con hiểu rõ và làm đúng các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các anh phải thông qua đội ngũ trưởng, phó thôn bản; sau đó các cán bộ bản mới truyền đạt lại cho bà con.

Khó khăn không nhỏ trong việc duy trì công tác dạy tiếng dân tộc cho cán bộ ở miền núi, vùng sâu là kinh phí thấp, đội ngũ giảng dạy thiếu.
Theo anh Dậu, việc làm này vừa mất thời gian, hiệu quả cũng không đạt như mong muốn: “Tôi thấy khó khăn về thông tin 2 chiều. Tiếng nói của người dân, nguyện vọng của người dân thì mình không nắm bắt được. Điều mình truyền đạt thì không hết ý được. Nếu mình biết được tiếng của đồng bào thì việc gì mình cũng giải thích được ngay và mình hiểu được, nắm được nguyện vọng của dân thì tự mình sắp xếp được… Đằng này phải thông qua người khác thì truyền đạt có thể sẽ không được đúng ý”.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ là bệnh viện hạng II (tuyến tỉnh), có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở 4 huyện, thị thuộc khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái là: thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Đây là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bà Hà Thị Hồng Thúy- Phó giám đốc, phụ trách Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ cho biết, mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca bệnh, không chỉ từ các huyện, thị trong khu vực mà còn cả từ các huyện giáp ranh của các tỉnh lân cận như Sơn La, Lai Châu…

Các bệnh nhân đa số là đồng bào dân tộc ít người. Trong khi đó, số y bác sỹ của Bệnh viện biết tiếng dân tộc là rất ít. Việc bất đồng ngôn ngữ có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Bà Thúy nói: “Việc bất đồng ngôn ngữ rất khó khăn cho chúng tôi trong việc khám chữa bệnh cho người bệnh. Cụ thể là trong việc khai thác bệnh sử, các thông tin về người bệnh mà mình không biết được ngôn ngữ của người bệnh thì rất là khó, nhiều khi phải dùng ký hiệu chẳng hạn. Nhưng như vậy cũng rất là khó và hạn chế trong quá trình khám và chữa bệnh cho nhân dân”.

Khắc phục thực trạng này, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái chú trọng việc dạy chữ và tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ công tác ở các huyện vùng cao. Như năm 2007, tỉnh đã biên soạn thành công bộ giáo trình để dạy 2 thứ tiếng là Thái và Mông. Tuy nhiên, việc tổ chức giảng dạy chưa được thực hiện thường xuyên.

Qua 4 năm, tỉnh mới tổ chức được 4 lớp dạy tiếng Mông và 2 lớp dạy tiếng Thái cho gần 200 học viên ở các huyện, thị trong tỉnh. Thực tế cho thấy, các cán bộ sau khi được học tập, bồi dưỡng chữ và tiếng dân tộc thì hiệu quả công tác tại cơ sở đều nâng cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Cường - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái cho biết: “Qua việc triển khai dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi thấy đây là điều kiện tốt để anh em trực tiếp giao tiếp và chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc. Việc dạy tiếng dân tộc có tác dụng rất thiết thực đối với cán bộ công tác ở vùng dân tộc”.

Việc dạy chữ và tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ công tác ở các huyện vùng cao, miền núi là cần thiết. Trước đây phương châm trong công tác dân vận của chúng ta tại các vùng này là “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) thì nay là “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào.

Tuy nhiên, khó khăn không nhỏ trong việc duy trì công tác này là kinh phí thấp, đội ngũ giảng dạy thiếu. Vì vậy, để tổ chức tốt việc dạy chữ và tiếng dân tộc thiểu số, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện cho cán bộ có nhu cầu học chữ và tiếng dân tộc thiểu số.

(VOV)

Các tin khác

YBĐT - Sau hơn một tháng thực hiện, chủ trương "Cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc" đã nhận được sự quan tâm ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân.

YBĐT - Thành phố Yên Bái đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải cách các thủ tục hành chính theo tinh thần Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị.

YBĐT - Tính đến ngày 22/3/2011, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái thu được 50,457 tỷ đồng đạt 16,53% kế hoạch được giao.

Chỉ nên dùng potassium iodide khi có lời khuyên rõ ràng của giới chức y tế.

Theo các nhà chuyên môn, số liệu đo phóng xạ của Việt Nam ở mức rất thấp nên người dân không cần thiết phải sử dụng bất cứ hình thức phòng tránh nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục