Huyện Trạm Tấu: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2011 | 2:44:38 PM

YBĐT - Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nghiệp giáo dục tại huyện vùng cao Trạm Tấu đã có những chuyển biến tích cực.

Trạm Tấu chú trọng phát triển giáo dục mầm non tại các thôn, bản.
Ảnh: Học sinh Trường Mầm non Họa Mi, xã Bản Mù trong giờ chơi.
Trạm Tấu chú trọng phát triển giáo dục mầm non tại các thôn, bản. Ảnh: Học sinh Trường Mầm non Họa Mi, xã Bản Mù trong giờ chơi.

Quy mô, mạng lưới trường, lớp tiếp tục ổn định và phát triển, trong đó chú trọng phát triển mạnh hệ thống giáo dục mầm non ngay tại các thôn, bản. Đây là điều kiện thuận lợi để Trạm Tấu thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, giúp các em bước vào lớp 1 với những điều kiện nền tảng, cơ bản nhất. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các nhà trường cũng được đầu tư xây dựng; các phòng học tạm, tranh tre, nứa lá được thay thế bằng những phòng học kiên cố.

Mô hình bán trú dân nuôi phát triển cả về quy mô, số lượng cũng như chất lượng đào tạo. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu về nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2007 - 2010 đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo niềm tin trong nhân dân. Mặt khác huy động được sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia vào công tác giáo dục.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cơ bản đáp ứng về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương. Ông Trần Văn Sa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết: "Đến nay, toàn huyện Trạm Tấu có 29 trường, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên với trên 8.000 học sinh, học viên; tỷ lệ thu hút trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt gần 90% và tiểu học đạt gần 100%. Đội ngũ giáo viên các ngành học, bậc học cũng tăng theo từng năm, bảo đảm công tác dạy học ở mọi cấp học, đặc biệt là giáo viên mầm non và trung học cơ sở. Địa phương đã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở từ năm 2007 đến nay".

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng giáo dục của huyện còn có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là nội dung, phương thức giảng dạy về cơ bản chưa phát huy được tư duy sáng tạo và tinh thần tự học của học sinh. Sách giáo khoa, phương thức giảng dạy của giáo viên chưa phù hợp với học sinh là người dân tộc thiểu số.

 

Phát triển mô hình trường bán trú dân nuôi đã tạo điều kiện cho các em học sinh nghèo trong huyện Trạm Tấu được đến trường.

Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, học sinh sau khi học hết tiểu học lên trung học cơ sở, trung học phổ thông thấp; tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra. Việc quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế; công tác phát triển Đảng tại một số trường học còn hạn chế, chưa thực sự gắn chặt giữa yêu cầu phát triển Đảng với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại đơn vị.

Để từng bước khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, huyện Trạm Tấu cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong các trường học; tăng cường phát triển đảng viên trong các nhà trường.

Ông Trần Văn Sa cho biết thêm: "Điều quan trọng nhất để thực hiện được mục tiêu này là cần phải nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác vận động học sinh trong độ tuổi đến trường đồng thời có các giải pháp cụ thể để vận động, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Phải làm cho từng gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội nhận rõ trách nhiệm của mình đối với công tác giáo dục, vận động toàn dân tham gia làm giáo dục".

Ngoài ra, Trạm Tấu cũng cần tập trung phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, nhất là đầu tư xây dựng, nâng cấp các điểm trường bán trú dân nuôi, bảo đảm về nhà ở cho học sinh các trường bán trú; mong muốn Nhà nước tiếp tục có các chính sách quan tâm, hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh bán trú; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào các chương trình phổ cập, huy động tối đa và duy trì tỷ lệ chuyên cần trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo, tạo nguồn cho các em vào lớp 1.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn để bảo đảm dạy đủ, nâng cao chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với các đơn vị xã, thị trấn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tối đa số học sinh trong độ tuổi đi học, giảm tỷ lệ lưu ban và bỏ học.

Các trường trung học cơ sở cần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, bảo đảm nội dung kiến thức của chương trình, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở. Đặc biệt, quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, cơ cấu, bảo đảm chất lượng, coi đây là khâu đột phá quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Hội đồng nhân dân tỉnh và nghị quyết của Tỉnh ủy Yên Bái về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2015.

P.V

Các tin khác

Với các tỉnh, TP trực thuộc TƯ, nguồn chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định của Chính phủ được lấy từ 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2011 của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp; nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2011.

Đợt gió mùa đông bắc khoảng gần giữa tuần này sẽ gây đợt mưa rào và làm giảm nóng nhiều nơi ở miền Bắc, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương.

Ảnh minh họa

Bộ GD-ĐT vừa ban hành hông tư về Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, áp dụng đối với hiệu trưởng trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 2/6/2011.

Từ ngày 4 đến 18-5, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ tổ chức Hành trình "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng" tại 63 tỉnh, TP trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục