Tô Mậu: Từng bước chuyển mình

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/5/2011 | 3:21:14 PM

YBĐT - Là địa bàn sinh sống của 2.783 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao, những năm trước đây đời sống của người dân xã Tô Mậu (Lục Yên) gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo trong xã rất cao.

Đến nay, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã mà cuộc sống người dân nơi đây từng bước có sự đổi thay. 

Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Bùi cho biết: “Địa hình chia cắt, đất đai canh tác không thuận lợi, 10 thôn, bản thì có 3 thôn là: Nà Hoả, Cửa Ngòi, Làng Chang thuộc diện đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, trong nhận thức của người dân vẫn tồn tại nếp làm ăn lạc hậu, sự trông chờ, ỷ lại vẫn còn cao”.

Cũng do nhận thức mà 3 - 4 năm về trước ở Tô Mậu không có cháu gái nào là con em dân tộc Dao được đến trường theo học, những lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật (KHKT) hầu như không chuyển giao xuống được đến với đồng bào... là những nguyên nhân dân đến đói nghèo của người dân trong xã.

Để giải quyết bài toán về nhận thức, thay đổi nếp nghĩ của người dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã có những giải pháp cụ thể như áp dụng phương châm “mùa nào làm vụ đấy”, cán bộ xã phải “cầm tay chỉ việc” chứ không phải chỉ nói trên hội nghị. Việc trồng lúa, làm màu đã có sự thay đổi về phương pháp. Xã tiến hành cung ứng giống ngô có năng suất cao đưa đến tận thôn, bản để phát tận tay bà con, không để xảy ra tình trạng như mấy năm trước đây khi cán bộ phát giống xong cho bà con mang về, nhưng không trồng mà lại mang đi bán.

 Bên cạnh đó việc Đảng ủy, chính quyền phân công nhiệm vụ mỗi cán bộ trong thường vụ, trong cấp ủy phải chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra  trực tiếp việc sản xuất của bà con, từ đó đã khắc phục được tình trạng không sản xuất của nhân dân.

Những lớp khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi - thú y và chế biến nông sản... cũng được tổ chức với hiệu quả cao hơn do không mở tại trung tâm xã mà đưa xuống tận thôn, bản. Bà con đi học được huyện, xã lo cho giấy bút, thậm chí mỗi lần đi học bà con còn được hỗ trợ kinh phí, vì vậy, đã có tác dụng để bà con đi học lấy kiến thức về vận dụng vào mô hình gia đình mình.

Bên cạnh đó, các chương trình xoá đói giảm nghèo như. Chương trình 135, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư hỗ trợ nhân dân được triển khai có hiệu quả đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất.

Qua những việc làm cụ thể, người dân Tô Mậu từng bước nâng cao về nhận thức, họ đã hiểu và thay đổi tập quán canh tác lạc hậu. Thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn đầu tư tâm canh sản xuất nên năng suất cây trồng đã tăng  theo hàng năm, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trong xã đến năm 2010 đã đạt 5.000.000 đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 30%, trong xã có 80% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 84% số hộ đạt “gia đình văn hoá”.

Nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo có thu nhập khá như gia đình Trương Văn Báo, thôn Nà Hỏa, Đào Thị Dương ở Mường Hạ, Hoàng Văn Thoại, thôn Đầu Cầu, Nguyễn Văn Bạn, thôn Nặm Bó... Đặc biệt, từ phá rừng làm nương, đến nay 100% các hộ trong xã đều tham gia trồng rừng, góp phần phủ kín toàn bộ diện tích đất rừng.

Tiếp tục thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, ngay từ những tháng đầu của năm 2011, Đảng bộ, chính quyền xã  Tô Mậu đã tập chung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục đầu tư thâm canh cấy hết diện tích  lúa nước, tăng vụ 3 trên đất 2 lúa nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác bằng đầu tư phân bón, làm tốt công tác thuỷ lợi, đồng thời cung ứng cho nhân dân những giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, giảm chi phí sản xuất, đưa những giống lúa có chất lượng cao như: HT1, Chiêm Hương...

Trong đó, duy trì sản xuất cây màu tập trung, vận động giao chỉ tiêu cho nhân dân trồng ngô đạt từ 70 ha trở lên (trong đó: ngô trên đất hai lúa chiếm 30 ha). Đẩy mạnh trồng ngô, lạc, đậu tương cả 3 vụ đông xuân, hè thu, vụ đông trên đất soi bãi và vận động nhân dân chăm sóc diện tích chè hiện có.

Đẩy mạnh chăn nuôi bò theo hướng bán công nghiệp, tăng nhanh đàn lợn, đàn dê đạt chỉ tiêu đề ra, vận động nhân dân trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Trồng mới 180 ha rừng tập trung, cây keo lai, cây lâm nghiệp xã hội, cây ăn quả. Khai thác có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.

Chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập trung học cơ sở. Bên cạnh đó, Đảng bộ xã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền, các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát động phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, nâng cao chất lượng hoạt động của các làng văn hoá dân tộc, xóa bỏ tập tục lạc hậu và mê tín dị đoan trong xã hội... Từ những giải pháp và những việc làm cụ thể, chắc chắn Tô Mậu sẽ nhanh chóng thoát khỏi xã nghèo, đời sống nhân dân từng bước cải thiện.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Đồng chí Ngô Thị Chinh tặng quà chúc mừng tăng ni, phật tử chùa Tháp Hắc Y.

YBĐT - Ngày 9/5, nhân dịp Đại lễ Phật đản - Phật lịch 2555 (8/4 Âm lịch) , đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái và huyện Lục Yên đã đến thăm và tặng quà, chúc mừng các tăng ni, phật tử huyện Lục Yên.

Bộ GDĐT đang hoàn thiện dự thảo về Một số chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến 2020 trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, chính sách cho giáo viên mầm non được đặc biệt quan tâm.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, ngoài đợt nắng nóng đang diễn ra, miền Bắc và Bắc Trung Bộ còn đón nhận thêm 6-7 đợt nữa trong mùa hè năm nay. Riêng tháng 5 sẽ có thêm 2 đợt.

AERE là cơn bão mạnh, đang ở ngoài khơi Philippines, diễn biến bão phức tạp, các địa phương và nhân dân cần có biện pháp đề phòng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục