Cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt cho cán bộ nữ
- Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2011 | 10:02:27 AM
YBĐT - Những năm qua, công tác cán bộ, nhất là việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ đã được tỉnh quan tâm, chú trọng. Nhiều chủ trương, chính sách đào tạo sử dụng cán bộ nữ đã được ban hành.
Các cán bộ hội phụ nữ dân tộc thiểu số trao đổi nghiệp vụ công tác Hội.
|
Năm 1999, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 257 về việc trợ cấp đối với cán bộ được điều động, luân chuyển và đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, trong đó mức phụ cấp cho cán bộ nữ được quy định cao hơn so với cán bộ nam. Trong chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng đều đảm bảo tỷ lệ nữ nhất định, trường hợp chỉ tiêu hạn chế thì ưu tiên cử cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng trước cán bộ nam.
Năm 2006, UBND tỉnh có Quyết định số 494 về việc phê duyệt Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững tỉnh Yên Bái, trong đó có đưa ra mục tiêu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy năm 2010 chiếm từ 15% trở lên, tỷ lệ tham gia HĐND cấp tỉnh từ 33% trở lên, cấp huyện từ 30% trở lên, cấp xã từ 25% trở lên.
Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Tỉnh ủy Yên Bái năm 2007 về việc thực hiện Nghị quyết số 11-NĐ-TƯ của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể nhằm phấn đấu tăng tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND và UBND các cấp.
Trong đó, đến năm 2015 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 20% trở lên, đến năm 2020 đạt 25% trở lên, nhiệm kỳ 2011-2015, tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp đạt 35% trở lên, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ nữ tham gia UBND cấp tỉnh, huyện đến năm 2015 đạt 35% trở lên, đến năm 2010, đạt 35% trở lên, cấp huyện có chủ tịch hoặc phó Chủ tịch HĐND, UBND là nữ.
Trên thực tế, đội ngũ cán bộ nữ cũng được tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Từ đó từng bước nâng cao về trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước cũng như chuyên môn nghiệp vụ, góp phần thay thế, bổ sung, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ theo tiêu chuẩn, chức danh trong bộ máy chính quyền cơ sở.
Chất lượng cán bộ nữ trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội được nâng cao. Nhiều phụ nữ đã được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành. Quốc hội khóa XII, Yên Bái có 2/6 đại biểu là nữ, đạt 33,33%, được xếp vào nhóm 27 tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt mức quy định.
Nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 15,68%, cấp huyện, thị, thành phố đạt 19,65% và cấp ủy cơ sở đạt 19,42%. Hiện Yên Bái cũng có 40 nữ ứng cử viên (chiếm 43,95%) tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và 6 nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XIII.
Thực tế cho thấy, đa số cán bộ nữ có tinh thần vươn lên những hạn chế về giới, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới. Song cũng phải thấy rằng, tỷ lệ cán bộ nữ ở các vị trí trong các ngành, các cấp chưa đồng đều, chủ yếu là cấp phó và khối văn hóa - xã hội. Đặc biệt, số lượng cán bộ nữ tham gia ban lãnh đạo ở cấp cơ sở và ngành, đơn vị có tỷ lệ lao động nữ chiếm 30% còn hạn chế.
Mặt khác, với trên 51% dân số là dân tộc ít người, trình độ dân trí thấp, số cán bộ người dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao. Đáng chú ý, còn một số cán bộ ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nói thông, viết thạo tiếng phổ thông nên hạn chế trong việc tiếp thu và triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Hơn nữa, chị em còn chịu nhiều ảnh hưởng các hủ tục tập quán lạc hậu, tư tưởng phong kiến ràng buộc dẫn đến trong quá trình hoạt động hiệu quả công việc chưa cao.
Để đáp ứng nhu cầu đổi mới trong công tác sử dụng cán bộ, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt cho cán bộ nữ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần kết hợp nhiều hình thức đào tạo, từ đào tạo tập trung, dài hạn, tại chức, cho đến đào tạo ở trung ương, tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và cơ sở để cán bộ nữ lựa chọn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Có chính sách chọn cán bộ dự nguồn là phụ nữ để đào tạo, bồi dưỡng. Đối với nữ đại biểu, nữ cán bộ là người dân tộc thiểu số đang hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần có chính sách đãi ngộ phù hợp...
Huyền My
Các tin khác
YBĐT - Khi bắt đầu thực hiện cuộc vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc, đã có nhiều ý kiến băn khoăn về việc giám sát và người giám sát thực hiện.
YBĐT - Tôi hiểu rằng, trong cuộc sống còn nhiều những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có những số phận khó khăn hơn tôi rất nhiều đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Báo chí đã và đang là một chiếc cầu nối sự quan tâm của xã hội tới những số phận ấy, như gió đã mang những tấm lòng vàng đến với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống này.
Bão SongDa đang mạnh lên ngoài biển Đồng, đang ở địa phận Philippin. Vùng biển phía Nam của Việt Nam có mưa dông mạnh.
Ngày 24-5, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, đã có 11 ca tử vong (trong khi năm 2010 chỉ có 1 ca tử vong), đối tượng phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi.