Nơi những phụ nữ biết vượt lên đói nghèo

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2011 | 3:30:02 PM

YBĐT -Trước đây gia đình chị Hoàng Thị Thư ở bản Xa, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là một trong những hộ nghèo nhất nhì của thôn, nhà đông nhân lực song lại thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Chị Thư (đứng giữa) đang giới thiệu mô hình nuôi lợn thịt của gia đình
Chị Thư (đứng giữa) đang giới thiệu mô hình nuôi lợn thịt của gia đình

Năm 2007, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ xã, chị đã được vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Với số tiền này chị mua 8 con lợn giống để phát triển kinh tế gia đình.

Chăm chỉ lao động, lấy công làm lãi, sau 4 tháng lứa lợn đầu tiên đã đã được xuất chuồng đem về cho gia đình chị hơn 10 triệu đồng. Với số tiền đó gia đình chị tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn và chăn nuôi thêm gia cầm để tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2008, thông qua tổ chức Hội phụ nữ chị tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để thực hiện ước mơ mở rộng quy mô phát triển kinh tế gia đình kết hợp với làm dịch vụ xay xát, nấu rượu và cho thuê bàn ghế, bát đĩa.

Nhờ biết cách tính toán và chăm chỉ làm ăn nên từ một hộ nghèo, gia đình chị đã có bát ăn bát để với một mô hình kinh tế dịch vụ tổng hợp, 5 lợn lái và hơn 30 lợn thịt, tổng thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng mỗi năm. Gia đình chị Lường Thị Lứn ở bản Sang Đốm cũng vậy. Nhà có nhân lực, đất đai ruộng vườn rộng song lại thiếu vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2006, thông qua tổ chức Hội phụ nữ xã chị được vay 6 triệu đồng, với số tiền này, chị cải tạo lại diện tích ao nuôi cá, sau nữa là mua đôi lợn giống để nuôi và cải tạo diện tích trồng rau của gia đình. Rau để cải thiện cuộc sống gia đình, cá bán tăng thu nhập, phụ phẩm dư thừa trong chăn nuôi chị dành nuôi cá. Bình quân mỗi năm gia đình chị xuất bán 2 lứa cá, ba lứa lợn mang về cho gia đình một khoản thu trên dưới 40 triệu đồng, rau màu ngoài cải thiện cuộc sống gia đình mỗi năm cũng cho thu nhập gần 10 triệu đồng.

Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình chị đã có bát ăn bát để mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, một mô hình kinh tế tổng hợp vườn ao chuồng với tổng thu nhập trên 60 triệu đồng mỗi năm. Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo tiêu biểu mà Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi đã giúp đỡ thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi.

Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi hiện có 860 hội viên sinh hoạt ở 10 chi hội cơ sở. Xác định mục tiêu phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo luôn được Hội Phụ nữ xã đặc biệt quan. Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp chỉ đạo các chi hội thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả.

Bà Hà Thị Vân - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, Hội Phụ nữ xã đã giúp hội viên thay đổi tập quán sản xuất, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất, vận động các hội viên khá giúp đỡ các hội viên nghèo.

Nhờ cách làm này, các hội viên nghèo trong xã đều được hỗ trợ giống, vốn, công lao động để phát triển kinh tế gia đình”. Để chị em có kiến thức phát triển kinh tế gia đình, hàng năm Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật thị xã mở 3 - 4 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chăn nuôi. Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thị xã Nghĩa Lộ mở các lớp dạy nghề trồng nấm, dệt thổ cẩm cho hội viên phụ nữ và con em hội viên.

Bên cạnh đó để tạo điều kiện cho chị em có vốn phát triển kinh tế gia đình, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp ủy thác cho các chị em là hội viên hội phụ nữ vay vốn, tùy theo khả năng kinh doanh của từng gia đình.

Đến nay, Hội Phụ nữ xã Nghĩa Lợi đang quản lý 18 tổ vay vốn với 647 lượt hội viên được vay, tổng dư nợ từ năm 2003 đến nay trên 11 tỷ đồng. Ngoài ra, những hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, từ tháng 7 năm 2010, Ban chấp hành hội phụ nữ xã đã vận động các hội viên có mức sống khá mỗi tháng đóng góp 50 ngàn đồng để thành lập quỹ hội, đến nay số vốn đã lên 350 triệu đồng, đồng thời tại các tổ vay vốn đều thành lập quỹ tiết kiệm riêng có thể bằng thóc hoặc tiền mặt để hỗ trợ giúp đỡ nhau khi hoạn nạn rủi ro.

Nhờ đồng vốn được vay, có kiến thức để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hội viên đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình với nhiều mô hình đa dạng như: sản xuất con rau giống, trồng rau sạch, kinh doanh hàng tạp hoá, dịch vụ máy xay xát, máy nông nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp...

Nhờ đó đời sống hội viên phụ nữ xã không ngừng được cải thiện, nhiều chị trước đây thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nay đã vươn lên. Ở xã đã xuất hiện những mô hình kinh tế tổng hợp có mức thu nhập từ 70 triệu đồng/năm trở lên xuất hiện ngày càng nhiều trong các gia đình phụ nữ, từ đó góp phần tăng tỷ lệ hội viên có mức sống khá giàu toàn xã lên 30%.

Kinh tế phát triển, phụ nữ Nghĩa Lợi  có điều kiện đầu tư, chăm lo cho gia đình, con cái học hành. Nhiều chị tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp cho các phong trào thi đua của xã. Liên tục từ nhiều năm nay, phong trào phụ nữ xã Nghĩa Lợi luôn được các cấp hội đánh giá là đơn vị xuất sắc.

Thanh Tân

Các tin khác

Thông qua việc xây dựng Kế hoạch hành động và quy trình hoạt động của các văn phòng BLO nhằm góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ PATROL - BLO tại Việt Nam.

YBĐT - Ở châu Âu, có rất nhiều thành phố hoặc các nhà hàng chỉ sôi động về đêm, còn ban ngày thật sự im ắng. Dân mình cứ sử dụng rượu, bia tùy tiện trong giờ hành chính nên khi ra nước ngoài, họ nhìn mình đầy lạ lẫm.

Cô và trò trường tiểu học Sơn Thịnh mổ lợn đất lấy tiền giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

YBĐT - Chi hội Khuyến học Trường Tiểu học Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn vừa tổ chức ngày hội Mổ lợn đất, nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong nhà trường.

Huyện có 15 dân tộc cùng sinh sống. Ảnh minh họa

YBĐT - Thực hiện chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, từ đầu năm đến nay, huyện Trấn Yên đã cấp 20.582 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại 15/22 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục