Yên Bái: Nâng cao hiệu quả Chiến lược quốc gia dinh dưỡng và Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/6/2011 | 10:49:04 AM

YBĐT - Hiện nay, Yên Bái vẫn là một trong 18 tỉnh có tỷ lệ SDD trẻ em cao nhất nước, nhất là ở 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỷ lệ SDD trẻ em còn cao.

Cán bộ Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh hướng dẫn chị em thực hành dinh dưỡng tại các thôn mục tiêu của chương trình phát triển vùng huyện Trấn Yên.
Cán bộ Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh hướng dẫn chị em thực hành dinh dưỡng tại các thôn mục tiêu của chương trình phát triển vùng huyện Trấn Yên.

Nhân Ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6/2011, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Lường Văn Hom - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo Chiến lược quốc gia dinh dưỡng (CLQGDD) của tỉnh về kết quả thực hiện CLQGDD và Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng (PCSDD) của tỉnh trong những năm qua.

P.V:  Xin bác sỹ cho biết CLQGDD và Chương trình PCSDD đã được thực hiện như thế nào trên địa bàn tỉnh trong những  năm qua?        

Bác sỹ Lường Văn Hom: Ngày 22 tháng 02 năm 2001 Chính phủ đã ra Quyết định số: 21/ 2001/ QĐ - TTg,  phê duyệt CLQGDD giai đoạn 2001 - 2010. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với thế hệ là chủ nhân tương lai của đất nước, từng bước làm cho con người Việt Nam phát triển cường tráng về thể chất, trí tuệ thông minh. Trong những năm qua chiến lược quốc gia đã được triển khai và hoạt động đạt được những thành tích đáng kể trên phạm vi toàn quốc. 

Đối với tỉnh Yên Bái, Chiến lược quốc gia và Chương trình CLQGDD trẻ em đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2001, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức hội nghị ký cam kết giữa các ngành thành viên trong ban chỉ đạo, phối hợp, lồng ghép giữa các chương trình, dự án mà các ngành đang thực hiện có liên quan đến dinh dưỡng và các Chương trình ngành y tế đang thực hiện như: PCSDD trẻ em, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tiêu chảy, phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp, phòng chống thiếu hụt I-ốt…

Đặc biệt đã triển khai hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng trong khuôn khổ CLQGDD, góp phần hoàn thành tốt Chương trình chăm sóc sức khoẻ nhân dân của tỉnh. Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, hàng năm các sở, ban, ngành, đoàn thể đã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của ngành mình chỉ đạo theo ngành dọc cùng phối hợp với ngành y tế thực hiện CLQGDD của tỉnh.

Các ngành đã tích cực tham gia các đợt truyền thông về dinh dưỡng được phát động như: Ngày vi chất dinh dưỡng; Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển; Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Ngày toàn dân dùng muối I-ốt; Ngày nuôi con bằng sữa mẹ; Tháng hành động vì trẻ em; Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10)... tổ chức cuộc thi cộng tác viên dinh dưỡng giỏi các cấp; cuộc thi kiến thức mẹ sức khỏe con tại cơ sở, góp phần quan trọng vào hoàn thành các chỉ tiêu dinh dưỡng trong khuôn khổ CLQGDD giai đoạn 2001-2010 của tỉnh.

Nhờ vậy mà tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em giảm qua từng năm. Năm 2006, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi phân loại theo thể cân nặng là 38,1%, chiều cao là 41,4%, đến năm 2010 tỷ lệ SDD theo cân nặng đã giảm xuống còn 22%, theo chiều cao còn 33,5%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng mạn tính phụ nữ (15-49 tuổi) giảm còn 31,6% năm 2005.

Tỷ lệ nữ thanh niên được huấn luyện về dinh dưỡng và kiến thức làm mẹ đạt 25% năm  2000 lên 45% năm 2009. Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức, thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ ốm tăng từ 20% năm  2000 lên 55% năm 2009. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vitamin A, thiếu I-ốt và giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng: tỷ lệ trẻ 6-60 tháng tuổi được uống vitamin A luôn duy trì > 99%; thanh toán cơ bản các rối loạn do thiếu hụt I-ốt; ổn định cung cấp muối I-ốt trên 90% số hộ gia đình, mức I-ốt niệu đạt từ 10-20mcg/dl, tỷ lệ bướu cổ trẻ em  8-10 tuổi < 5%.

Năm 2010, tỷ lệ trẻ 6-60 tháng tuổi được uống vitamin A đạt 100%; bà mẹ sau sinh uống vitamin A dự phòng đạt 85,4%, tăng 0,4% so với năm 2009. Duy trì độ bao phủ muối i-ốt trên 95% dân số; mức i-ốt niệu trung vị 10-20mcg/dl; tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi < 5 %. Có được kết quả như vậy là nhờ có sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo thực hiện CLQGDD và Chương trình PCSDD của tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh trong việc triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp của các Chương trình dự án: Phát triển Y tế dựa vào cộng đồng, dự án dinh dưỡng Hà Lan, Tổ chức Unicef, tổ chức cứu trợ trẻ em (SC)...

- Thực tế, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các huyện vùng cao của tỉnh còn khá cao, bác sỹ cho biết phương hướng và mục tiêu thực hiện CLQGDD cũng như Chương trình PCSDD của tỉnh trong năm 2011 và những năm tiếp theo?

Hiện nay, Yên Bái vẫn là một trong 18 tỉnh có tỷ lệ SDD trẻ em cao nhất nước, nhất là ở 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỷ lệ SDD trẻ em còn cao.

Để từng bước  hạ thấp tỷ lệ SDD trẻ em chúng ta cần triển khai một số giải pháp như: làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động của Chương trình trên địa bàn.

Tiếp tục duy trì các hoạt động phối hợp liên ngành; thực hiện tốt các cam kết đã ký giữa các ngành thành viên, nhằm lồng ghép các hoạt động có liên quan của các ngành thành viên trong PCSDD.

Tăng cường công tác truyền thông PCSDD dưới nhiều hình thức, nhằm thay đổi hành vi cho các bà mẹ và người chăm sóc trẻ. Đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng.

Chỉ đạo triển khai các hoạt động: cân, đo, theo dõi tăng trưởng cho trẻ dưới 5 tuổi, phòng chống thiếu vi chất. Tăng cường công tác điều tra, giám sát, đánh giá. Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động của  Chương trình.

Về mục tiêu chung của CLQGDD năm 2011 và những năm tiếp theo là nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em về cân nặng và chiều cao, giảm tỷ lệ tử vong do SDD cấp, kiểm soát và phòng chống thừa cân béo phì, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em và phụ nữ mang thai, góp phần nâng cao tầm vóc người Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể là: giảm tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh từ 22,8% năm 2010 xuống dưới 18% năm 2015 (trên 0,8%/ năm); giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi từ 33,2% năm 2010 xuống dưới 30% năm 2015 ( trên 0,6%/ năm).

Giảm tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng cho trẻ < 5 tuổi có hàm lượng VTM A huyết thanh thấp (VTM A huyết thanh < 0,7µmol/L) xuống <10% vào năm 2015. Trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống VTM A đủ 2 lần/năm đạt trên 95%; bà mẹ sau đẻ được uống VTM A dự phòng đạt trên 85%. Giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai trên 1,5%/ năm.

Duy trì tỷ lệ hộ gia đình dùng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (>20ppm) đạt > 90%, mức trung vị iốt niệu của bà mẹ có con < 5 tuổi đạt từ 10-20µg/dl. Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào trung bình đầu người dưới 1800 Kcal xuống dưới 10% vào năm 2015.

Tăng tỷ lệ hộ gia đình có khẩu phần ăn cân đối (Tỷ lệ các chất sinh nhiệt P: L: G = 14 : 18 : 68) lên 35% năm 2015. Khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ < 5 tuổi ở mức < 5% vào năm 2015. Kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì ở người trưởng thành < 20% vào năm 2015. Kiểm soát tỷ lệ năng lượng khẩu phần ăn do chất béo cung cấp ở người trưởng thành  < 20% năm 2015. Cải thiện tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm...

Các hoạt động chính của CLQGDD năm 2011: tại tỉnh: UBND tỉnh có quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện CLQGDD cấp tỉnh giai đoạn 2011-2015. Sở Y tế với vai trò tham mưu và điều phối các hoạt động PCSDD tại địa phương, huy động sự tham gia của mạng lưới y tế và sự phối hợp của các sở, ban ngành, tổ chức xã hội trong tỉnh.

Các huyện, thị, thành phố: củng cố ban chăm sóc sức khoẻ nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ triển khai CLQGDD và Chương trình mục tiêu PCSDDTE của huyện trong giai đoạn 2011-2015.

Các xã, phường, thị trấn: rà soát và củng cố ban chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại xã, để thực hiện tốt nhiệm vụ triển khai các hoạt động CLQGDD và mục tiêu PCSDDTE trên địa bàn của mình trong giai đoạn tới. Làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng (1-2/6/2011) và chiến dịch uống vitamin A đợt II (tháng 12/2011). Bổ sung viên sắt-axít folic/viên đa vi chất cho phụ nữ có thai nhằm giảm tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng, tăng cân nặng và chiều dài trẻ sơ sinh; theo dõi tăng trưởng  trẻ em; điều tra dinh dưỡng năm 2011.

Tăng cường sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

- Xin cảm ơn bác sỹ.

Nguyễn Giang

Các tin khác

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, áp thấp nhiệt đới đang mạnh dần trên biển Đông. Trong ngày hôm nay (1 - 6), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km.

YBĐT - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Đức Hoan tặng quà cho trẻ em ở Báo Đáp/ Trung tâm Bảo trợ xã hội tổ chức vui tết thiếu nhi 1/6.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình ông Vũ Đình Tới cho thu nhập cao.

YBĐT - Với những nỗ lực của mình, Hội NCT xã Yên Hưng đã, đang trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và góp sức cùng nhân dân xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp.

Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm nay là "Thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục