Nét đẹp trong văn hóa giáo dục

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2011 | 3:16:21 PM

YBĐT - 40 năm, từ mái trường quê hương, họ như những cánh chim bay đi mọi nẻo đường đất nước. Dù trải qua bao bể dâu của cuộc đời, tóc đã nhiều sợi bạc nhưng mái đầu vẫn chụm mái đầu như một thời bạn trò.

Hội Đồng học niên khóa 1968 - 1971 Trường cấp 3B Yên Bái tổ chức đám cưới bạc cho 31 cặp vợ chồng.
Hội Đồng học niên khóa 1968 - 1971 Trường cấp 3B Yên Bái tổ chức đám cưới bạc cho 31 cặp vợ chồng.

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều các hội đồng học. Tuy chỉ là một tổ chức tự nguyện, tự phát do nhu cầu giao lưu, gặp gỡ của những bạn trò chung mái trường một thuở, song hoạt động của nhiều hội đồng học mà hiệu quả của nó vượt ra ngoài khuôn khổ gặp gỡ bạn bè, mang ý nghĩa nhân văn tích cực, trở thành một nét đẹp trong văn hóa giáo dục. Một trong những hội đồng học ấy là Hội Đồng học niên khóa 1968 - 1971, Trường cấp 3B Yên Bái, nay là Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái.

Trò chuyện với tôi, anh Nguyễn Tuấn Nghĩa - Trưởng ban Liên lạc Hội Đồng học niên khóa 1968 - 1971, Trường cấp IIIB Yên Bái vẫn chưa hết xúc động về cuộc họp mặt của Hội vừa diễn ra, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ra trường. 40 năm so với lịch sử không đáng kể gì nhưng đối với cuộc đời một con người thì đã là dài lắm.

Ngày chia tay nhau, giữa thời đạn bom, bên vạt đồi của ngôi trường sơ tán trên đất Bảo Hưng, họ còn trẻ lắm! Nhiều bạn còn hồn nhiên vô tư cười nói, nhưng cũng có bạn đỏ hoe nơi khoé mắt, ngập ngừng, bối rối... Bây giờ gặp lại đã lên ông, lên bà, tay bắt, mặt mừng cùng nhau ôn lại kỷ niệm của một thời không thể nào quên.

40 năm, từ mái trường quê hương, họ như những cánh chim bay đi mọi nẻo đường đất nước. Người ra chiến trường, người vào đại học... Bây giờ có người là bác sỹ, kỹ sư, thầy giáo, sỹ quan, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, nghệ sỹ, cũng có người sau bao thăng trầm của cuộc đời lại trở về với cánh đồng, mảnh vườn nhưng cũng có những người đã không bao giờ trở về. Dù trải qua bao bể dâu của cuộc đời, tóc đã nhiều sợi bạc nhưng mái đầu vẫn chụm mái đầu như một thời bạn trò.

Nhìn tấm ảnh các anh chị chụp lưu niệm, tôi biết có nhiều người thành đạt, giữ các trọng trách xã hội như: anh Khang - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, anh Giang - Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, chị Thiệp - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Mai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân thành phố Yên Bái, anh Thiên Tân - sĩ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, anh Tuấn Nghĩa -  nghệ sỹ nhiếp ảnh...

Những người ở xa quê cũng làm rạng danh cho quê hương như anh Ngọc - Phó bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, anh Lập – Thượng tá Học viện Kỹ thuật quân sự, anh Hồ Vinh - Cục phó Cục Cảnh sát Bộ Nội vụ, anh Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Lào Cai, anh Đình Long - Thanh tra tỉnh Đồng Nai... Thành đạt nhưng không quên trường, quên thầy, quên bạn, vẫn đau đáu với cội nguồn thì chả là đáng quý, đáng trọng lắm sao!

Anh Tuấn Nghĩa cho biết, từ một nhóm bạn ở Yên Bái thường tổ chức gặp mặt nhau, năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập trường, thể theo nguyện vọng của nhiều bạn cùng khóa xa, gần, các anh chị thành lập Hội Đồng khóa, bầu ban liên lạc, đề ra mục đích, quy chế hoạt động. Năm ấy cũng là năm các anh chị kỷ niệm 25 năm ngày ra trường. Từ đấy đến nay đã tròn 15 năm hoạt động, Hội Đồng khóa đã làm được nhiều việc.

Ví như việc tham dự lễ đón hài cốt và truy điệu liệt sỹ Nguyễn Văn Toàn - một người bạn đồng khóa đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và từ đó đến nay các bạn trong Hội thường đến thắp hương chăm sóc phần mộ của người bạn học thân yêu; tổ chức thăm hỏi, tặng quà và làm lễ mừng thọ cho các thầy cô giáo cũ; tổ chức hành hương về cội nguồn, thăm lại vạt đồi cây năm xưa nơi trường sơ tán trong chiến tranh tại xã Bảo Hưng và tặng quà cho lãnh đạo xã, cho bà con nhân dân đã che chở cho các anh, các chị trong những năm đạn bom.

Đối với các bạn trong Hội, các anh chị luôn quan tâm chia sẻ. Bạn bị bệnh trọng hoặc có hoàn cảnh khó khăn, Hội đến thăm hỏi, giúp đỡ, động viên. Bạn có cha mẹ qua đời, Hội đến phúng viếng, chia buồn. Bạn mừng thọ cha mẹ, tổ chức đám cưới cho con cái, Hội đến chia vui... Không trường hợp nào lại thiếu vắng bạn bè một thuở “3B”. Những việc làm như thế chẳng phải đã vượt ra ngoài khuôn khổ gặp gỡ bạn bè để mang một ý nghĩa xã hội đầy tính nhân văn đó sao!

Anh Nghĩa cũng cho biết dịp đầu xuân, năm mới, hoặc các kỳ nghỉ lễ dài ngày, Hội còn tổ chức các chuyến thăm quan, du lịch trong và ngoài tỉnh; tổ chức thi “Hoa hậu biển”, “Hoa hậu áo dài”.. Cũng trong dịp gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường, có cả dâu, rể tham dự, vậy là các anh chị tổ chức đám cưới bạc tập thể cho 31 cặp vợ chồng. Trong 31 cặp vợ chồng ấy có 9 cặp là bạn học cùng khóa. Xem ra tiêu chuẩn để được tham dự đám cưới bạc cũng chặt chẽ lắm. Những đôi nào cưới nhau chưa đủ 25 năm, những người nào đã cưới lần 2, lần 3 là không được tham dự.

Mục đích của đám cưới bạc tập thể không chỉ để cho vui mà phải thật trang trọng và thật có ý nghĩa. Các anh chị tâm sự, ngày xưa trong hoàn cảnh chiến tranh, các đám cưới giản dị lắm. Đám cưới không có xe hoa, cô dâu không có áo dài, váy cưới, chú rể không có com-lê, cà-vạt, thậm chí có đôi không có hoa tươi, không có ảnh cô dâu, chú rể, vợ chồng trẻ không có tuần trăng mật. Nay có điều kiện thì tổ chức để bù đắp phần nào những thiệt thòi đã qua, cũng là dịp để bạn bè một thời nữa được chúc mừng nhau trong ngày vui hạnh phúc. Và còn vì trong cuộc sống vợ chồng không sao tránh khỏi những va vấp, giận hờn, đám cưới bạc này còn để các cặp đôi thông cảm cho nhau, cùng nhau giữ mãi ngọn lửa tình yêu để hạnh phúc gia đình trọn vẹn đến đầu bạc, răng long..

Thầy giáo Nguyễn Văn Chiêu, một cựu giáo viên của trường tâm sự: “Đến dự những cuộc gặp mặt như thế này tôi xúc động lắm. Được thấy học sinh của mình trưởng thành nhưng vẫn sống tình nghĩa với nhau, tình nghĩa với thầy cô, tình nghĩa với mái trường, không quên những người đã hy sinh, tôi mới thấy hết hạnh phúc của nghề dạy học, Cái nghĩa, cái tình này còn quý hơn cả bạc vàng. Vì vậy nhà trường bên cạnh việc dạy chữ thì đừng bao giờ quên dạy đạo lý làm người”.

Trong điều kiện này, các cuộc gặp mặt bạn đồng học các hội đồng ngũ, đồng nghiệp, đồng hương... cũng ngày được thành lập nhiều hơn. Đây đều là tổ chức tự nguyện, tự phát nhưng nhìn chung hoạt động rất tốt, vừa tạo ra sự gần gũi gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, vừa tạo nét sinh hoạt lành mạnh lại có tác dụng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo lý cho các lớp con cháu. Nhưng không phải hội nào cũng hoạt động tốt cả. Có hội mỗi lần gặp mặt chỉ để ăn uống, hát hò, du hý, nhậu nhẹt tùm lum. Hoạt động được như Hội Đồng học niên khóa 1968 – 1971 của Trường cấp 3B thật là có ý nghĩa.

Thiết nghĩ ngành giáo dục - đào tạo, nhất là các nhà trường cũng nên quan tâm tới hiện tượng xã hội này, khuyến khích những mặt tích cực và hạn chế đi những mặt tiêu cực của nó. Ví dụ như nhà trường nên tạo điều kiện cho các hội đồng học các khóa về thăm lại trường cũ, thầy xưa, giao lưu giữa các cựu học sinh với học sinh các lớp, qua đó góp phần giáo dục truyền thống của trường, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” cho các thế hệ học sinh. Các hội đồng học nếu có điều kiện cũng nên giúp đỡ cả về mặt vật chất cho nhà trường, ví dụ như tặng sách vở, cặp sách, tặng học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó, cũng là góp phần xã hội hóa giáo dục ở chính ngôi trường mà từ đó mình đã trưởng thành.

Thực hiện được như thế sẽ làm cho hoạt động của các hội đồng học càng mang tính nhân văn sâu sắc và trở thành một nét đẹp trong văn hóa giáo dục.

Hiền Lương

Các tin khác

YBĐT - Những ngày này, không khí vui tươi, phấn khởi lan tỏa khắp các khu tái định cư của xã Y Can. 34 hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch của dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang khẩn trương di chuyển nhà cửa, xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cuộc sống.

Ngày 9-6, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ Nguyễn Trần Hiển cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 6.112 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 30 địa phương, trong đó có 17 trường hợp tử vong.

Một cặp vợ chồng 17 tuổi ở thôn Tập Lăng I, xã Suối Giàng (Văn Chấn) cùng đứa con gần 1 tuổi. (Ảnh: H.N)

YBĐT - Trong sáu tháng đầu năm 2011, huyện Trạm Tấu đã có 61 trường hợp sinh con thứ ba trở lên.

YBĐT - 6 tháng đầu năm 2011, đã có 264 lượt tập thể, cá nhân là cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái được các cấp khen thưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục