Gần 10.000 xã cùng xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ bảy, 16/7/2011 | 8:54:36 AM

Để đưa Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, hiện nay Chính phủ đang phát động cả nước thi đua thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.

Làm sao khắc phục khó khăn, thực hiện phong trào thành công, thực sự hiệu quả, ông Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới (ảnh) đã trao đổi với báo chí.

- Ông nhìn nhận như thế nào khi các địa phương cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân?

- Thứ trưởng HỒ XUÂN HÙNG: Khi soạn thảo các nội dung về nông thôn mới, cơ quan soạn thảo cũng biết rằng, chuyển dịch cơ cấu lao động là khó khăn nhưng không thể để tình trạng lao động trong ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao (59,1%) như hiện nay. Tính ra, sau 25 năm đổi mới, chúng ta mới giảm được 21% lao động trong nông nghiệp, nhiệm vụ trong 10 năm tới là phải giảm xuống chỉ còn 30%. Do đó, cần chuyển dịch cơ cấu lao động sang ngành nghề khác để tăng thu nhập, đưa cơ giới hóa và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, giá trị nông sản nông dân mới làm giàu được.

Để nông dân có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phải đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay, Chính phủ đang đầu tư mạnh cho đề án này, hỗ trợ nông dân toàn diện để họ học nghề, tạo việc làm. Đồng thời, Chính phủ cũng đang hoàn thiện cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Theo ông, chính sách nào là phù hợp nhất để thu hút doanh nghiệp về nông thôn?

*  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 và các bộ đã hướng dẫn cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn. Trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ đặc biệt về đất đai, chính sách thuế… cho doanh nghiệp.
 
- Sau khi thực hiện thí điểm tại 11 xã, sắp tới phong trào xây dựng nông thôn mới sẽ mở rộng như thế nào?

*  Hiện nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được Chính phủ phát động ra cả nước. Vì vậy, tất cả các tỉnh, các huyện, các xã đều phải thực hiện. Theo đó, 9.121 xã trong cả nước sẽ bắt tay vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương cũng sẽ chọn ra 5 tỉnh điểm và 5 huyện điểm để trực tiếp chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Ở mỗi tỉnh cũng tự chọn ra các xã điểm, huyện điểm để chỉ đạo làm thành công.

- Vậy vốn đầu tư từ đâu, người dân có phải đóng góp hay không?

*  Trong Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới trong cả nước đã xác định, vốn đầu tư được huy động từ 4 nguồn.

Thứ nhất, vốn từ ngân sách của Trung ương và địa phương, bên cạnh vốn của 13 chương trình mục tiêu quốc gia đang đầu tư cho nông thôn, Nhà nước còn bổ sung để thực hiện các nội dung của nông thôn mới, trong đó sẽ đầu tư 100% cho các công trình như quy hoạch, đường giao thông đến trung tâm xã, trường học đạt chuẩn, nhà văn hóa… (tất cả chiếm khoảng 40%).

Thứ hai, vốn tín dụng do dân và doanh nghiệp vay ưu đãi chỉ để đầu tư cho sản xuất, không được sử dụng để làm đường, xây nhà văn hóa (chiếm khoảng 30%).

Thứ ba, vốn huy động từ các doanh nghiệp (20%). Còn lại, phần dân đóng góp khoảng 10%, nhưng không phải là đóng góp bằng tiền mà có thể thông qua các hình thức góp sức vào phong trào nông thôn mới như người dân phải sửa sang lại nhà cửa, vườn tược, xây nhà vệ sinh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… hoặc có thể góp ngày công, hiến đất làm đường, làm trường…
 
- Theo ông, làm sao quản lý vốn đầu tư hiệu quả?

*  Khi xây dựng nông thôn mới, làm trường học, đường, trạm xá hay làm thủy lợi trước… đều phải do người dân bàn, lựa chọn những công trình, công việc có lợi trước và giám sát quá trình làm. Trong Thông tư 174 của Bộ Tài chính cũng quy định rõ, theo mô hình của 11 xã điểm, khi dự án đầu tư dưới 3 tỷ đồng sẽ do xã tự quyết định, còn từ 3 tỷ đồng trở lên do tỉnh quyết. Thực tế trên địa bàn nông thôn, công trình do xã làm thì bao giờ cũng rẻ và thiết thực hơn huyện, tỉnh làm. Khi triển khai ra cả nước cũng cho phép làm như vậy.
 
- Cảm ơn ông!

(Theo SGGP)

Các tin khác
Chấm thi môn Toán khối A.

Điểm sàn, điểm chuẩn khối A được dự báo cao hơn năm trước, dải điểm chính nằm ở khoảng 4,0 -7,0; điểm 9-10 ở mức vừa phải; thí sinh khó đạt điểm 10.

YBĐT - Ngày 15/7, Sở Y tế đã tổ chức Hội nghị vận động tham gia và phối hợp thực hiện Dự án “Cải thiện sức khoẻ bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khoẻ”.

YBĐT - Từ đầu năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 20 trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3, trong đó Văn Chấn có 3 trường hợp, Văn Yên 5, thành phố Yên Bái 1, Trạm Tấu 2 và Mù Cang Chải 9 trường hợp…

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.

Ngày 14/7, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Khai thác và tổ chức thực hiện các chương trình dự án do các tổ chức phi Chính phủ tài trợ”. Theo đó, trong 10 năm qua các dự án đã hỗ trợ hơn 222 tỷ đồng cho HS-SV và cư dân nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục