Sẽ có 4 nhóm tiêu chí để tuyển chọn
* Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng thì từ tháng 4.2011 đến hết tháng 12.2012 sẽ phải hoàn tất việc bố trí 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo của 20 tỉnh, thành trong cả nước. Đến thời điểm này, công việc chuẩn bị đã tiến hành đến đâu, thưa ông?
- Ông Vũ Đăng Minh: Chúng tôi vẫn đang tiến hành tiếp nhận hồ sơ dự tuyển của các ứng viên. Cho đến thời điểm này, theo báo cáo đã có gần 650 hồ sơ của các bạn tốt nghiệp đại học, đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị, có cả sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, loại giỏi, cũng nộp đơn xin dự tuyển.
Từ nay đến hết tháng 8, Ban quản lý dự án sẽ tập trung kiểm tra ở các địa phương xem công tác chuẩn bị triển khai thực hiện đến đâu, làm rõ trách nhiệm Chủ tịch các xã nằm trong diện triển khai dự án trong việc bố trí nơi ăn chốn ở và kế hoạch phân công công việc, giúp đỡ cho các Đội viên Dự án thực thi nhiệm vụ. Đồng thời với đó, chúng tôi cũng sẽ tiến hành kiểm tra tình hình tiếp nhận hồ sơ và việc thành lập hội đồng tuyển chọn ở các Sở Nội vụ, công tác chuẩn bị tuyển chọn, xét chọn Đội viên của cơ sở.
|
* Việc tuyển chọn các Đội viên Dự án sẽ được tiến hành dựa trên tiêu chí nào, cách thức tuyển chọn ra sao và bao giờ bắt đầu tuyển?
- Ông Vũ Đăng Minh: Thời gian tuyển chọn, tổ chức sơ tuyển cũng như tiến hành phỏng vấn sẽ do hội đồng tuyển chọn ở các địa phương chủ động đề xuất trên cơ sở số hồ sơ dự tuyển ở từng địa phương. Toàn bộ khâu thi tuyển sẽ do Sở Nội vụ các tỉnh đảm nhiệm. Tuy nhiên, để đảm bảo việc thi tuyển chọn trúng người, trúng việc, tránh tình trạng tiêu cực trong thi tuyển, Ban quản lý Dự án sẽ cử người giám sát quá trình thi tuyển trực tiếp và phỏng vấn.
Chúng tôi dự kiến sẽ tuyển các Đội viên Dự án theo bộ tiêu chí chuẩn với thang điểm tối đa 100 (có tham khảo chuyên gia Chương trình phát triển LHQ (UNDP) cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có kinh nghiệm điều hành thực tiễn về bộ tiêu chí này).
Trong thang điểm tối đa, dự kiến sẽ có 4 nhóm tiêu chí để tuyển chọn, gồm nhận thức về các vấn đề kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; sự hiểu biết (kiến thức nền tảng về mọi vấn đề); kỹ năng xử lý tình huống, đặt ra các tình huống cụ thể để thử khả năng phản ứng, xử lý của các ứng viên; và tiêu chí về tác phong, diện mạo, lời ăn tiếng nói, khả năng diễn đạt…
Ngoài các câu hỏi cứng còn có các câu hỏi mở để kiểm tra các kiến thức, kỹ năng của ứng viên, mục tiêu đặt ra là làm sao chọn được trúng người trúng việc.
Tháng 9.2011 sẽ mở lớp bồi dưỡng đầu tiên của Dự án
Theo thống kê của Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, Bộ Nội vụ tính đến ngày 15.7 đã có gần 650 hồ sơ của trí thức trẻ ở 20 tỉnh tình nguyện đăng ký tham gia. Trong đó có duy nhất 1 người có trình độ thạc sĩ bảo vệ ở nước ngoài; 4 người có bằng thạc sĩ tại các cơ sở đào tạo trong nước. Đa phần người đăng ký đều có bằng đại học chính quy ở các chuyên ngành đáp ứng yêu cầu dự án. Sau khi chốt thời hạn nộp hồ sơ, các tỉnh tiến hành quy trình tuyển chọn rồi gửi kết quả về Bộ Nội vụ để tiếp tục thẩm định, đảm bảo chọn được người xứng đáng nhất. Tuyển được đến đâu Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn, mở lớp bồi dưỡng đến đó. Theo dự kiến, trong tháng 9, lớp bồi dưỡng đầu tiên của dự án được khai giảng tại tỉnh Quảng Ngãi. |
Từ nay đến tháng 8 chúng tôi sẽ hoàn tất các khâu chuẩn bị, sau ngày 15.8 bắt đầu tổ chức thi tuyển và dự kiến địa phương đầu tiên tổ chức tuyển là Bắc Giang. Quy trình thi tuyển ở các địa phương sẽ kết thúc vào ngày 30.9. Sau khi hoàn thành thi tuyển, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho các Đội viên tại từng tỉnh trong vài tháng để khi được tăng cường về các xã là có thể bắt tay vào việc luôn.
* Để đảm bảo việc thi tuyển khách quan, trúng người trúng việc như ông nói, các trường hợp con em lãnh đạo xã đang cần tăng cường cũng như con cháu, thân thích những người chủ trì tuyển chọn Đội viên Dự án có được nộp hồ sơ dự tuyển?
- Ông Vũ Đăng Minh: Bất kỳ ai đáp ứng được tiêu chí mà Dự án đặt ra đều có cơ hội ngang nhau, không phân biệt con em lãnh đạo hay những người khác. Thậm chí, con em các Chủ tịch xã đang tại vị nếu giỏi, đáp ứng được các tiêu chí, lọt qua các vòng sơ tuyển và thi tuyển, phỏng vấn chính thức vẫn có thể làm Phó Chủ tịch ở xã mà bố mình đang làm Chủ tịch.
Vừa được trợ cấp lương, vừa được hỗ trợ chuyển vùng
* Các Đội viên khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch các xã nghèo được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt gì không so với các chức danh tương đương không thuộc diện Dự án?
- Ông Vũ Đăng Minh: Những người được tuyển chọn, sau khi đưa về xã sẽ có quyết định bổ nhiệm ngay. Mức lương cơ bản được hưởng ban đầu áp dụng đúng như các trường hợp vừa tốt nghiệp ĐH (hệ số 2,34 x lương tối thiểu theo quy định), được hưởng các khoản trợ cấp như trợ cấp chức vụ, trợ cấp thu hút (theo Quyết định 170 của Thủ tướng)… Đặc biệt, các đội viên sẽ được hỗ trợ ngay 10 tháng lương sau khi về xã, hỗ trợ 12 tháng lương chuyển vùng (người ở địa phương nơi này đến làm Phó Chủ tịch xã ở địa phương khác), được trợ cấp hằng tháng thêm 70% lương cơ bản. Kết thúc nhiệm vụ 5 năm sẽ được hưởng thêm 6 tháng lương cơ bản với hệ số thâm niên làm việc trong 5 năm.
* Với những trường hợp đã nhận rất nhiều chính sách ưu đãi nói trên nhưng không thực hiện đúng nhiệm vụ theo cam kết, bỏ dở công việc giữa chừng thì sẽ có chế tài ràng buộc như thế nào, thưa ông?
- Ông Vũ Đăng Minh: Các đội viên nếu vi phạm cam kết của Dự án sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ chi phí đào tạo tính theo chi phí thực tế đào tạo đã thực chi cho đội viên đó. Ngoài ra, sẽ áp dụng chế tài xử lý theo luật cán bộ công chức hiện hành đối với trường hợp CBCC bỏ việc.
* Vậy chúng ta có tiêu chí cụ thể gì để đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các đội viên để biết rõ mức độ đóng góp của từng người và ai không đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ trong thực tiễn?
- Ông Vũ Đăng Minh: Chúng tôi cũng đang tham vấn ý kiến các chuyên gia UNDP và các nhà khoa học để soạn ra bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc của các Đội viên. Định kỳ 6 tháng một lần, Chủ tịch xã và cấp ủy chính quyền nơi Đội viên được tăng cường làm Phó Chủ tịch sẽ có đánh giá về hoạt động và cống hiến của Đội viên đó. Ngoài ra, Phòng Nội vụ huyện, Sở Nội vụ, Ban quản lý dự án cũng có trách nhiệm theo dõi, đánh giá quá trình hoạt động của Đội viên đó. Các đối tượng đánh giá Đội viên sẽ thực hiện đánh giá theo từng nhóm tiêu chí khác nhau. Từ cách đánh giá đồng bộ này, sẽ biết được các Đội viên đáp ứng được yêu cầu công việc trong thực tiễn đến đâu. Thời gian đầu sẽ chủ yếu uốn nắn, chấn chỉnh khi Đội viên chưa có kinh nghiệm điều hành, cũng để kiểm tra các Chủ tịch xã tạo điều kiện cho Đội viên thực thi nhiệm vụ ra sao.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai Dự án, chúng tôi cũng sẽ lập trang web để giúp 600 Đội viên của Dự án cập nhật thông tin, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong quá trình điều hành, thực thi nhiệm vụ.
* Cảm ơn ông!
(Theo TNO)