Đẻ “dự phòng”!
- Cập nhật: Thứ sáu, 29/7/2011 | 3:00:59 PM
YBĐT - Năm 2010, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có 295 trường hợp sinh con thứ 3, chiếm tỷ lệ 22%, từ đầu năm 2011 đến nay có 121 trường hợp sinh con thứ 3, chiếm tỷ lệ 17,5%...
Đồng bào các dân tộc vùng cao cần được tiếp cận nhiều hơn các hoạt động tư vấn, truyền thông các biện pháp tránh thai hiện đại.
|
Ngỡ rằng, tư tưởng đẻ “dự phòng” chỉ là câu nói vui của những người làm công tác dân số, không ngờ đây lại đang là vấn đề, là thực trạng khó khăn và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3 đang gia tăng ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Năm 2010, huyện Mù Cang Chải có 295 trường hợp sinh con thứ 3, chiếm tỷ lệ 22%, từ đầu năm 2011 đến nay có 121 trường hợp sinh con thứ 3, chiếm tỷ lệ 17,5%, trong đó, xã Nậm Có 25 trường hợp, xã Mồ Dề 15 trường hợp, xã Lao Chải 25 trường hợp, xã Cao Phạ 11 trường hợp… và theo ước tính số phụ nữ đang mang thai con thứ 3 trên địa bàn sẽ còn tiếp tục tăng.
Từ chuyện đẻ “dự phòng”…
Đoàn công tác của huyện do đồng chí Sùng Thị Mây - Giám đốc Trung tâm Dân số –KHHGĐ huyện Mù Cang Chải cùng các ban, ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản, cộng tác viên phối hợp đã đến triển khai các hoạt động về dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ) tại các hộ gia đình xã Nậm Có. Khi đến gia đình nhà anh Sùng A Tằng ở bản Thào Xa Chải cũng là lúc gia đình đang làm ma khô cho đứa con không may mắn mất trước đó một thời gian (ma khô là đám tang của một người đã chết lâu, sau khi đi xem thầy mo về yêu cầu phải làm lễ, gia chủ sẽ làm một hình nộm tượng trưng để cho linh hồn người chết sớm được siêu thoát).
Tại đây, đoàn công tác đã được nghe ông Tằng chia sẻ: “Phải đẻ nhiều, đẻ để mà có người dự phòng chứ không nó chết đi là mất hết”. Đây là thực trạng đáng buồn trong đời sống sinh hoạt của đồng bào mông vùng cao, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh. Sinh từ 9 đến 10 người con thì cũng có gia đình chết 4 đến 5 như: đứa chăn trâu không may trượt chân rơi xuống núi, đứa mới sinh thì bị nhiễm trùng uốn ván, hay đau bụng rồi chết… Điều mà người dân vùng cao lo lắng nhất đó là không có nhiều con, nếu không may con bị chết, gia đình sẽ không có người để làm nương rẫy.
Khi có sự can thiệp của cán bộ làm công tác dân số đối với các trường hợp sinh con thứ 3, hoặc có ý định sinh thêm, mặc dù họ biết song vẫn năn nỉ xin đẻ tiếp và sẵn sàng nộp phạt để đẻ. Đó là trường hợp gia đình anh Khang A Ninh thôn Tà Chơ, xã Kim Nọi.
Vào những ngày hè oi bức năm 2010, khi chúng tôi đến Kim Nọi. Khi đến gia đình anh Khang A Ninh thì hay chuyện cậu con trai chưa đầy ba tháng tuổi mới mất. Bố của Ninh mới là Khang Sênh Chu nói: “Thằng Ninh thật không may mắn, đẻ đến đứa thứ 6 mới được con trai, nhưng thằng nhỏ lại vừa mất nên nó vẫn phải tiếp tục đẻ thêm. Sợ Đảng và Nhà nước lắm, nhưng dù có phải nộp phạt gia đình cũng sẵn sàng chứ không thằng Ninh sẽ không được thừa kế sau này!”…
… Đến chuyện “đẻ nhiều… rà soát hộ nghèo”
Chị Sùng Thị Mây cho biết: “Công tác dân số Mù Cang Chải những năm gần đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức các đợt truyền thông, tuyên truyền đến nhân dân các chính sách, Pháp lệnh Dân số.
Bên cạnh một số xã, thị trấn làm tốt công tác dân số như: Zế Su Phình, Chế Tạo, từ đầu năm đến nay không có trường hợp sinh con thứ 3, thì vẫn còn nhiều nơi vi phạm Pháp lệnh và tình trạng sinh con thứ 3 trở lên diễn ra khá phổ biến gây cản trở đến đời sống kinh tế, xã hội địa phương. Nguyên nhân vẫn là nhận thức của người dân thấp, phong tục tập quán lạc hậu, hay suy nghĩ nặng nề về con trai, con gái…
Nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản, khó khăn nhất hiện nay chính là việc rà soát hộ nghèo trong việc hưởng trợ cấp, công tác xoá đói giảm nghèo cũng chưa thật hiệu quả, khi hỗ trợ cứ người đẻ nhiều thì được hỗ trợ nhiều và ngược lại nên những hộ nghèo và cận nghèo được coi như nhau”.
Mù Cang Chải là một trong hai huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, tỷ lệ hộ nghèo gần 75% theo tiêu chí mới. Vì thế, những năm qua, Mù Cang Chải luôn nhận được nhiều nguồn hỗ trợ từ Nhà nước, tỉnh, huyện, các tổ chức khác trong việc giúp đỡ đồng bào nghèo như: chương trình 134, 135, 167, 30 a...
Theo tính toán, từ nguồn trợ cấp đó thì mỗi hộ nghèo hàng năm sẽ được hưởng hỗ trợ tương đối lớn, ngoài ra, các con em thuộc diện nghèo đi học sẽ được hỗ trợ thêm… Việc rà soát hộ nghèo từ cơ sở làm danh sách gửi lên cho xã rồi huyện đang là nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh con thứ 3 ở đây gia tăng. Bởi, nếu gia đình mà sinh hai con, kinh tế bình thường so sánh với gia đình đông con thu nhập tương đương thì khi bình xét hộ nghèo, gia đình sinh 2 con chia bình quân đầu người lại không phải hộ nghèo, trong khi đó, họ lại là những gia đình thực hiện tốt KHHGĐ.
Nghiễm nhiên, gia đình đông con, chia theo khẩu thì họ lại thành hộ nghèo và sẽ là đối tượng được ưu tiên hưởng trợ cấp. Cùng với đó, việc quản lý và đưa công tác dân số vào quy ước, hương ước làng bản nơi đây cũng rất khó khăn. Khi có các đợt hỗ trợ, huyện yêu cầu các xã phải làm danh sách hộ nghèo, xã lại yêu cầu các thôn, bản và thôn bản không qua bình xét theo hương ước, quy ước đề ra mà cứ gia đình nào đông con, nhiều khẩu là được xếp vào diện hộ nghèo, trình lên xã rồi gửi cho huyện, dẫn đến việc tỵ nạnh giữa các hộ và tư tưởng sinh con đông để hưởng trợ cấp đã sinh ra từ đó.
Ngoài ra, cũng phải nói đến một nguyên nhân nữa là do đội ngũ cộng tác viên dân số mới tuyển dụng có trình độ sơ cấp đã qua lồng ghép lại chủ yếu là nam giới, tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động ít, đôi khi còn ngại va chạm và chưa thực sự năng động, vào cuộc…
Cán bộ Trung tâm Dân số- KHHGĐ tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại đến đồng bào vùng cao Mù Cang Chải.
Giải pháp
“Không chỉ người dân sinh con thứ 3 mà có cả đội ngũ cán bộ, đảng viên do đó, cần phải có những chế tài xử phạt nghiêm đối với các đối tượng cố tình làm trái Pháp lệnh Dân số”. Đó là giải pháp mà Trung tâm DS-KHHGĐ Mù Cang Chải đề ra nhưng có lẽ giải pháp cơ bản nhất với công tác dân số hiện nay ở huyện vùng cao này chính là làm sao gỡ bỏ tư tưởng đẻ “dự phòng” và việc rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp người nghèo đúng theo quy định trong hương ước, quy ước thôn, bản.
Đối với việc tháo gỡ tư tưởng đẻ “dự phòng” thì làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho đồng bào vùng cao; tổ chức các sân chơi đối với trẻ em và làm tốt công tác quản lý địa bàn, theo dõi sổ hộ khẩu, nắm rõ số sinh của đội ngũ cán bộ chuyên trách xã và cộng tác viên theo dõi thôn, bản sẽ là biện pháp hữu hiệu.
Đối với công tác rà soát hộ nghèo cần có những chính sách phù hợp, các gia đình thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện tốt công tác KHHGĐ phải có chế độ khen thưởng đãi ngộ. Theo đó, nên xử lý nghiêm những hộ gia đình sinh con đông. Nên coi các quy định trong hương ước, quy ước đối với gia đình sinh con 3 là tiêu chí đánh giá bình xét các hộ được hưởng trợ cấp.
An Nguyên
Các tin khác
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến bão để kịp thời chỉ đạo và thông tin đến nhân dân.
YBĐT - Trong những năm qua, ngành y tế Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở Y tế thực hiện công tác quản lý nhà nước về dược tại 9 huyện, thị xã, thành phố đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
YBĐT - Với nhiều chương trình, hoạt động nhân đạo hướng đến đồng bào nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Yên Bái đã nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
YBĐT - Thành phố đã xây dựng và thông qua Đề án Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, những năm tới, thành phố Yên Bái tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bền vững về kinh tế - xã hội.