Hồng Bàng cần lắm một con đường!
- Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2011 | 3:24:10 PM
YBĐT - Thôn Hồng Bàng và thôn Đồng Đát có trên 120 hộ, chủ yếu là dân di cư từ năm 1965 về để nhường đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, đời sống người dân trong thôn chủ yếu trông vào rừng và chăn nuôi nhưng vì con đường vào thôn khó đi nên sản phẩm người dân làm ra bị mất giá so với giá thị trường.
Thỉnh thoảng người dân đổ ít gạch, đá vụn vào những chỗ thụt lầy nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
|
“Nếu chị muốn vào thôn Hồng Bàng thì nhớ chuẩn bị một đôi ủng nhé!” Sau lời cảnh báo ấy, mấy chị ở văn phòng UBND xã còn đọc cho tôi nghe câu ca nói về con đường vào thôn “Nếu ai chưa đến Hồng Bàng/Có đi mới biết đường làng khó đi”. Mặc dù đã được cảnh báo trước về một chuyến đi vất vả nhưng tôi không tin vì Đại Đồng là xã vùng thấp của huyện Yên Bình lại nằm ngay trên Quốc lộ 70, diện tích không lớn, dân số cũng không đông, các thôn nằm rải rác trên trục đường Quốc lộ 70... mà lại có một con đường “khó đi” đến vậy nên quyết định “mục sở thị” con đường này.
Mặc dù trời nắng đến cả tuần nay nhưng vẫn không thể vào thôn bằng xe máy vì đường quá lầy thụt, tôi quyết định gửi xe ở một hộ dân ven đường để bắt đầu cuộc “hành trình”. Con đường dài 5 km bắt đầu từ Quốc lộ 70 đi qua thôn Cây Thọ vào thôn Hồng Bàng và thôn Đồng Đát là con đường lâm sinh do công ty Cầu đường lâm nghiệp san tạo để trồng rừng và khai thác gỗ từ mấy chục năm về trước, mặt đường rộng 3- 4 m nhưng chỉ là đường đất và không có cống rãnh thoát nước những ngày trời mưa nước từ trên đồi chảy xuống xói mòn mặt đường cộng với đó do là con đường duy nhất vào các thôn nên việc vận chuyển hàng hoá, nhất là lâm sản và vật liệu xây dựng các loại xe lớn nhỏ đều đi qua con đường này, vậy nên hàng chục năm qua con đường chưa bao giờ hết lầy thụt, khấp khểnh, nhiều chỗ lún sâu hàng mét, người đi bộ còn khó, chưa nói gì đến xe máy, xe đạp.
Phó chủ tịch xã Đại Đồng - Phạm Quốc Thắng phân trần: “Đường xá quá khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong thôn, đoạn đường 5 km nếu êm thuận chắc đi xe máy không quá 10 phút, thế nhưng giờ đi bộ mất gần 1 tiếng đồng hồ”.
Do đường khó đi nên giá gỗ của người dân trong thôn thấp hơn giá thị trường từ 200.000 - 250.000 đồng/m3.
Thôn Hồng Bàng và thôn Đồng Đát có trên 120 hộ, chủ yếu là dân di cư từ năm 1965 về để nhường đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, đời sống người dân trong thôn chủ yếu trông vào rừng và chăn nuôi nhưng vì con đường vào thôn khó đi nên sản phẩm người dân làm ra bị mất giá so với giá thị trường.
Anh Bùi Xuân Ứng, Trưởng thôn Hồng Bàng cho biết: “Bà con trong thôn vất vả, kinh tế chủ yếu trông vào vài con lợn, con gà, ít gỗ… nhưng đến kỳ thu hoạch thì bị thương lái ép giá với lý do đường khó đi, con đường dài có 5km nếu đi bình thường chỉ 10, 15 phút là đến nhưng giờ đi gấp đôi, gấp 3 thời gian, xe máy còn không thể đi được. Giá gỗ chúng tôi bán bao giờ cũng thấp hơn những thôn khác từ 200-250.000/m3 , giá thịt lợn hơi thấp hơn 5-10.000/kg…”. Không những ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà y tế, giáo dục cũng bị ảnh hưởng.
Hai thôn có trên 100 cháu ở các cấp học, các cháu học cấp 2,3 thì có thể tự đi bộ bằng cách vượt qua những quả đồi nhưng vào những ngày trời mưa, đường trơn nhiều cháu đi đường bị ngã bẩn hết lại đành quay về và nghỉ học luôn vì nếu có đi tiếp thì cũng đến giờ tan học. Nhiều phụ huynh thấy con đi học thường xuyên phải quay về do bị ngã nên khi con đi học đã cho thêm bộ quần áo vào cặp sách để nhỡ có bị ngã thì đến trường thay cho khỏi muộn học. Các cháu học cấp 2,3 đã vậy còn các cháu học cấp 1, nhà trẻ, mẫu giáo thì bố mẹ phải đưa đi đón về.
Chị Hà Thị Mỹ bức xúc: “Đường xá chán lắm chị ạ, 6 năm nay rồi tôi thường xuyên phải cõng con đi học. Không biết đến bao giờ dân chúng tôi mới hết cảnh nhà có xe máy mà vẫn phải đi bộ”. “Xe máy nhà chúng tôi để gỉ hết rồi, giờ xe “căng hải” là phương tiện duy nhất ở đây đấy nhà báo ạ”-Mấy thanh niên đang bốc gỗ nói vui với chúng tôi.
Đặc biệt chị Phạm Thị Vân Giang - Trạm trưởng trạm y tế xã Đại Đồng cho biết: “Gần đây có 2 sản phụ là chị Bùi Thị Hà thôn Đồng Đát và chị Chu Thị Kim Anh thôn Hồng Bàng đến ngày sinh nở nhưng vì gia đình không có người ở nhà nên tự đi bộ ra trạm xá khi đến cổng trạm xã thì đã kiệt sức, vỡ ối, thai nhi đã ra một nửa đầu cũng may được cấp cứu kịp thời nên cả hai chị đều sinh con khoẻ mạnh”.
Qua trao đổi với ông Lương Bá Tâm - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng được biết, hàng năm địa phương vẫn vận động bà con đóng góp cải tạo đường nhưng cũng không đáng kể vì đường xuống cấp nghiêm trọng bà con không đủ tiền của và sức lực để làm cùng lắm thì cũng chỉ phát dọn, và thi thoảng cũng có vài xe đá đổ xuống những chỗ rãnh đọng nước nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Người dân trong thôn mong mỏi có một con đường để cuộc sống vơi bớt khó khăn, họ cũng tình nguyện đóng góp để làm đường nhưng vì con đường xuống cấp nghiêm trọng, hộ dân ít trong khi kinh tế còn khó khăn nên không đủ sức lực và tiền của để làm.
Bao giờ Hồng Bàng và Đồng Đát có được một con đường đi lại thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội? Câu hỏi đó của tất cả hơn 120 hộ dân của hai thôn đang mong đợi từng ngày từng giờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền tỉnh và địa phương.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Nhờ đổi mới phương pháp dạy và học nên trong năm học 2010 - 2011, Trường Mầm non Hoa Sen xã Báo Đáp (Trấn Yên) có 6 sáng kiến kinh nghiệm của các giáo viên và cán bộ quản lý đều được áp dụng vào quá trình giảng dạy.
YBĐT - Ngày 5/9, Trường Tiểu học Hoàng Thắng, huyện Văn Yên (Yên Bái) tổ chức khai giảng năm học mới 2011 - 2012 và đón bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.
Năm học 2011-2012, toàn tỉnh Yên Bái có 168.155 cháu mầm non, học sinh phổ thông, học viên bổ túc THPT đến trường. Trong sáng 5/9, nhiều trường học đã tưng bừng khai giảng năm học mới.
YBĐT - Sáng 5/9, Trường Mầm non Thực hành tưng bừng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới, năm học 2011 - 2012.