Việc làm - thu nhập: Người lao động nói gì…?

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/9/2011 | 9:02:18 AM

YBĐT - Tình trạng thiếu việc làm của người lao động thuộc các doanh nghiệp xây dựng cơ bản của tỉnh, chính là các doanh nghiệp chưa có phương án tạo việc làm để ứng phí với cơ chế thị trường, còn tư tưởng “bao cấp” của Nhà nước về tạo việc làm.

Dây chuyền sản xuất gạch chất lượng cao của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Yên Bái. (Ảnh: Hà Linh)
Dây chuyền sản xuất gạch chất lượng cao của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Yên Bái. (Ảnh: Hà Linh)

Theo số liệu của ngành lao động - thương binh và xã hội Yên Bái, đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 1.049 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng số lao động các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng gần 27.000 người.

Sự tăng nhanh về số lượng các loại hình doanh nghiệp đã góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời kỳ tiền công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đồng thời đã tác động không nhỏ đến quan hệ cung cầu trên thị trường lao động trong và ngoài doanh nghiệp. Do đó, vấn đề việc làm và thu nhập luôn là sự quan tâm lớn đối với người lao động và toàn xã hội.

Những ý kiến khác nhau:

Chị Lê Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ dỡ số 1, Xí nghiệp gạch Xuân Lan thuộc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái cho hay: “Tôi được Công ty giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Việc làm luôn ổn định, thu nhập ngày một tăng thêm. Năm 2010, tiền công bình quân 2,5 triệu đồng/tháng, nay tăng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn được tiền thưởng do tăng năng suất lao động. Mọi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động thực hiện đầy đủ. Cuộc sống gia đình được cải thiện”.

Anh Hoàng Tiến Quân, công nhân bộ phận sửa chữa, bảo dưỡng xe máy được Công ty TNHH Hòa Bình (thuộc Tổng Công ty TNHH Hòa Bình Minh) ký hợp đồng lao động có thời hạn 36 tháng cho biết: “Việc làm luôn được đảm bảo với mức thu nhập bình quân 2,750 triệu đồng/tháng. Là đoàn viên công đoàn nên được tổ chức công đoàn thăm hỏi kịp thời khi ốm đau, và tham gia các hoạt động văn nghệ. Thời gian tới tôi sẽ giao kết hợp đồng không xác định thời hạn, làm việc lâu dài với Công ty”. Song hành với người lao động thuộc các doanh nghiệp “ăn nên - làm ra” thì việc làm và thu nhập đang là sức ép đối với các công ty xây dựng cơ bản. Trong tổng số gần 3.000 lao động có tới 50% lao động đang nghỉ tự túc và nghỉ luân phiên.

Một số hộ công nhân thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Yên Bái, Công ty xây dựng số 3 Yên Bái, thường trú ở phường Hồng Hà và phường Nguyễn Phúc - thành phố Yên Bái đều có ý kiến chung: “Từ tháng 2 năm 2011 đến nay, nghỉ luân phiên và nghỉ tự túc, người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội. Một số người có tay nghề cao làm ngoài được còn lại đa phần chạy chợ, thắt lưng buộc bụng, lo tiền cho con học hành”.

Anh Lưu Việt Hải, thường trú tại tổ 15 - phường Yên Thịnh - thành phố Yên Bái là công nhân Phân xưởng phân vi sinh NPK thuộc Công ty vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin, bức xúc: “Từ năm 2007 đến năm 2009 không có việc làm thường xuyên, thu nhập bấp bênh. Từ tháng 6 năm 2010 đến nay ở nhà tự lo cuộc sống. Tôi phải mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Hiện tại vợ tôi chạy chợ, tôi ở nhà chăm sóc hai cháu nhỏ, cuộc sống gia đình lao đao”. Anh Hải còn cho biết: “Ở Công ty còn không ít người lao động cũng lâm vào hoàn cảnh như tôi”. Việc “thả nổi” người lao động như Anh Hải nếu không may xảy ra sự cố rủi ro, có lẽ thua thiệt vẫn là người lao động.

 

Công nhân Công ty công trình và Môi trường đô thị thành phố Yên Bái xử lý
nước thải.

Luận bàn và hành động:

Những ý kiến khác nhau về việc làm - thu nhập của những người trong cuộc cho thấy: trước tác động kinh tế thị trường, doanh nghiệp nào năng động, sáng tạo, biết kết hợp đồng bộ đổi mới công nghệ, mở rộng thị phần và chăm lo đến lợi ích hợp pháp cho người lao động thì ở đó môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngược lại mặt trái kinh tế thị trường luôn tạo sức ép về việc làm, thu nhập đối với người lao động trong các doanh nghiệp.

Những ý kiến bức xúc về việc làm, thu nhập của người lao động, các doanh nghiệp và các nhà quản lý không thể vô cảm khi chúng ta đã và đang triển khai Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Chương trình hành động số 47 của Tỉnh ủy Yên Bái về: “Xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Do vậy, những ý kiến của người lao động cần được quan tâm, luận bàn tháo gỡ.

Trước hết, cần nhận thức đúng, đầy đủ cơ chế ba bên tạo việc làm “Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động”. Nhà nước có cơ chế “mở” cho doanh nghiệp và người lao động tìm và tạo việc làm: “Mọi hoạt động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm” (Điều 13, Luật Lao động).

 Ngoài ra do nguyên nhân bất khả kháng, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, Nhà nước đã tiến hành tách nhập, chuyển đổi hoặc giải thể doanh nghiệp và thực hiện chính sách trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động…

Tình trạng thiếu việc làm của người lao động thuộc các doanh nghiệp xây dựng cơ bản của tỉnh, chính là các doanh nghiệp chưa có phương án tạo việc làm để ứng phí với cơ chế thị trường, còn tư tưởng “bao cấp” của Nhà nước về tạo việc làm. Do vậy, khi Nhà nước kiềm chế lạm phát, cắt giảm một số hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng thì ở đó các doanh nghiệp “rơi” vào khó khăn.

Một khi doanh nghiệp không lo đủ việc làm cho người lao động thì ở đó người sử dụng lao động phải phối hợp với công đoàn cơ sở làm tốt công tác tư tưởng và phát huy quyền làm chủ của tập thể người lao động để bàn xây dựng, triển khai phương án tìm và tạo việc làm theo cơ chế “ba bên”.

Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương quản lý lao động nghỉ tự túc an toàn chu đáo, không thể “thả nổi” người lao động như đã xảy ra. Việc thiếu trách nhiệm đối với người lao động nghỉ tự túc, không những vi phạm pháp luật mà còn tạo nên dư luận bức xúc trong xã hội.

Đối với người lao động muốn bảo đảm việc làm, luôn phải rèn luyện tác phong sản xuất công nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ bậc thợ, tay nghề theo hướng: “Giỏi một nghề và biết làm một số nghề có liên quan” thích ứng công việc trong và ngoài doanh nghiệp. Đồng thời phải am hiểu Luật Lao động, biết cách dùng “vũ khí” pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Những ý kiến của người lao động về việc làm, thu nhập thời bão giá vẫn đang chờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các doanh nghiệp, các nhà quản lý để tháo gỡ, chăm lo đến nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và tạo động lực cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Phí Quang Thái 

Các tin khác
Giờ học kể chuyện theo tranh của cô và trò Trường Mầm non Phúc Lộc (thành phố Yên Bái).
(Ảnh: Kim Tiến)

YBĐT - Thành phố Yên Bái xác định, công tác khuyến học, khuyến tài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao dân trí, từng bước xây dựng xã hội học tập.

Ngày 5.9, Bộ Y tế cho biết, trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 2 – 4.9.2011), cả nước ghi nhận thêm 815 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 28 địa phương, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Tiền Giang.

Dự kiến trong tháng 9 này, cán bộ, công chức sẽ được truy lĩnh 40% lương, theo Quyết định của Chính phủ.

Trong 2 ngày (5 và 6-9), Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Nguy hiểm động đất, sóng thần và các hệ thống cảnh báo sớm khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học đến từ các nước Nga, New Zealand, Indonesia, Italia...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục