Náo nức đêm rằm
- Cập nhật: Thứ hai, 12/9/2011 | 9:11:15 AM
YBĐT - Thế là bao trẻ nhỏ lại náo nức, hồi hộp đón chào một cái tết của riêng mình: tết Trung thu - Rằm tháng Tám với trăng tròn vành vạnh, dịu nhẹ hơi sương, náo nức tiếng cười vui trong rộn ràng tiếng trống múa sư tử và “Thơm hương trái chín ngọt lành, dẻo thơm hương cốm với nhành lá sen...”.
Cứ đến Rằm tháng Tám, chúng ta lại được đón một cái tết Trung thu thật vui vẻ, thanh bình trong niềm vui và hạnh phúc của tuổi thơ.
|
Tết Trung thu, tết của trẻ em có từ bao giờ nhỉ? Đó là câu hỏi không chỉ có một cách trả lời. Bởi mỗi dân tộc, quốc gia... thậm chí mỗi người lại có thể tự có câu trả lời của riêng mình.
Chỉ biết rằng từ ngàn xưa, trăng với người vừa gắn bó, gần gũi, thân thuộc lại vừa xa vời, huyền bí với biết bao truyền thuyết.
Người Trung Hoa có truyền thuyết về chàng Hậu Nghệ tài giỏi với cây cung “Huyền Thiên Bát Tiễn” đã bắn rụng 9 mặt trời và nàng Hằng Nga xinh đẹp đã uống thuốc bất tử thành tiên và bay lên cung trăng... Rồi trong cung quế, làm bạn cùng Hằng Nga còn có chú thỏ ngọc với bộ chày cối luyện giã thuốc tiên.
Người Việt có truyền thuyết về chú Cuội, chú bé chăn trâu thông minh, lanh lợi nhưng cũng rất tinh quái, nghịch ngợm với cây đa thần “Trường sinh bất lão” trên cung trăng và chị Hằng Nga xinh đẹp. Như vậy, dù là người Việt hay người Hoa, đều gặp nhau ở quan niệm về vầng thái âm - mặt trăng với những truyền thuyết đã đi vào tiềm thức tuổi thơ nói riêng và con người nói chung, mặt trăng trở thành biểu tượng của sự viên mãn, tròn đầy, của ước mơ, hoài bão, khát khao ấm no, hạnh phúc, bình yên, vĩnh hằng, bất tử...
Chỉ biết rằng, cứ đến Rằm tháng Tám, chúng ta lại được đón một cái tết Trung thu thật vui vẻ, thanh bình trong niềm vui và hạnh phúc của tuổi thơ. Có niềm vui của những đêm hội trăng rằm, rồng rắn cùng nhau đi rước các loại đèn lồng. Từ đèn ông sao năm cánh tươi màu đến đèn cá chép vàng rực rỡ, đèn kéo quân xoay tròn quyến rũ...
Được đeo những chiếc mặt nạ hóa trang ngộ nghĩnh, vui nhộn để náo nức trong tiếng trống múa lân, sư, rồng... tứ linh huyền thoại. Có ông Địa bụng phệ, mặt tròn, khệnh khạng, vui nhộn, hài hước,... Có bà Mụ chít khăn mỏ quạ vừa bí hiểm vừa hỉ hả,... Có chú khỉ vàng - con cháu của “Lão Tôn” tinh quái, nghịch ngợm...
Và đặc biệt là chàng tráng sĩ lẫm liệt, oai phong đầy chất thượng võ với khát vọng chinh phục thiên nhiên, bảo vệ loài người... Dù là kỳ lân, sư tử hay rồng vàng huyền thoại, đều là khát vọng hóa thân thành những con vật thiêng đem lại niềm vui, sự may mắn, bình yên, hạnh phúc cho con người.
Chỉ biết rằng, đến Rằm tháng Tám, chúng ta lại được đón một cái tết Trung thu thật ngọt ngào. Đó là vị ngọt chín lựng, thơm lừng của biết bao loại trái cây. Từ hồng, na, táo, ổi đến chuối, mía, thanh long... Vị ngọt được chắt chiu từ nắng gió đất trời quê hương để rồi kết tinh, lắng đọng đến tận cùng trong dịu nhẹ hơi may giữa mùa thu. Đó là vị ngọt bùi, dẻo thơm của biết bao loại bánh trái mùa thu quê hương. Từ bánh dẻo, bánh nướng đến bánh cốm, bánh vừng, kẹo lạc, kẹo dừa, sô cô la và sữa... Đó là vị ngọt của sản vật quê hương qua bàn tay lao động của con người để trở thành niềm vui, hạnh phúc ngọt ngào của lứa tuổi thần tiên.
Trần Quốc Hùng
Các tin khác
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đang triển khai Đề án xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2011 - 2015.
YBĐT - Không ít người không hiểu, hoặc "cố tình hiểu" xã hội hóa giáo dục (XHHGD) chỉ đơn thuần là huy động sự đóng góp bằng tiền của người dân vào sự nghiệp giáo dục; là tăng học phí ở các cấp học, bậc học.
Khắp các địa phương miền Bắc còn diễn ra mưa, có nơi mưa to. Tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập ứng ở vùng trũng.
Dự án “Khắc phục trở ngại nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Các khu bảo tồn ở Việt Nam” với khoản tài trợ 3,5 triệu USD được triển khai nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học dồi dào tại Việt Nam.