Khơi dậy ý thức tự giác và sự đồng thuận
- Cập nhật: Thứ tư, 21/9/2011 | 9:18:21 AM
YBĐT - Với tập quán, nếp sinh hoạt ít chú trọng tới vệ sinh môi trường đang là tác nhân phát sinh, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn thị xã Nghĩa Lộ.
Để cải thiện môi trường nông thôn, một trong những yếu tố quan trọng chính là nâng cao nhận thức, ý thức tự giác và sự đồng thuận của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình.
Những con số đáng ngại
Qua điều tra, khảo sát của UBND thị xã Nghĩa Lộ tháng 12.2008 về kinh tế - xã hội tại 52 tổ, thôn, bản khu vực nông nghiệp trên địa bàn cho thấy, thực trạng vệ sinh môi trường rất đáng ngại. Thời điểm này, thị xã có 1.479 hộ nuôi trâu thì tới 82% số hộ không có chuồng, chủ yếu buộc dưới gầm nhà sàn hoặc có chuồng trại nhưng không hợp vệ sinh. Tổng số có 2.257 hộ nuôi lợn thì chiếm 65% số chuồng trại không bảo đảm vệ sinh. Số hộ nông nghiệp không có nhà tiêu là 1.153 hộ, chiếm tỷ lệ 33,5% và 2.281 hộ có nhà tiêu nhưng chỉ 36% hợp vệ sinh.
Tại khu vực nông thôn, thị xã có 2.458 hộ sử dụng nước máy, nước giếng, chiếm 71% nhưng trong đó có tới 474 hộ dùng nước không bảo đảm vệ sinh, còn lại 29% số hộ đi ăn nhờ hoặc dùng nước suối, khe. Do số hộ có công trình, chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu không hợp vệ sinh nhiều bên cạnh tình trạng để phân rác bừa bãi, không có hố thu gom rác, nước thải… hoặc có nhà tiêu nhưng che chắn tạm bợ cùng với hố phân lợn nên môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ bị ô nhiễm nặng. Môi trường sống không bảo đảm gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống đồng thời là tác nhân lây lan dịch bệnh trên người và gia súc trên địa bàn.
Nguyên nhân
Nắm bắt thực tế tại khu vực nông nghiệp, nông thôn thị xã Nghĩa Lộ cho thấy, mặc dù đã được đầu tư nhiều trong các năm qua nhưng vẫn còn những tồn tại chưa được cải thiện. Đời sống kinh tế của các hộ sản xuất nông nghiệp còn khó khăn và tỷ lệ đói nghèo cao. Sản xuất mang tính độc canh, giá trị thu nhập không cao. Một số chương trình, dự án hiệu quả hạn chế và thiếu bền vững
. Cơ sở hạ tầng ở nhiều thôn, bản vẫn còn khó khăn. Vệ sinh môi trường chưa tốt làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của làng văn hóa cũng như sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Người dân ở khu vực nông thôn đang mắc các bệnh về mắt, đường ruột, phụ khoa, ngoài da… chiếm tỷ lệ cao.
Trong những năm qua, ở khu vực nông thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay ưu đãi, các chương trình kích cầu của tỉnh, chương trình hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp đã được đầu tư nhưng nguồn vốn quá ít so với nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó vẫn tồn tại tư tưởng, nhận thức và tập quán lạc hậu trong cuộc sống; tính cam chịu và tự bằng lòng, không có ý thức phấn đấu vươn lên; nhiều gia đình không chú trọng quan tâm đến chất lượng môi trường sống. Đặc biệt là vẫn còn một bộ phận không nhỏ nông dân nặng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Cải thiện môi trường sống
Thị xã Nghĩa Lộ xác định, giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường tại các hộ khu vực nông nghiệp, nông thôn là hết sức cần thiết nhằm nâng cao sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống. Giữa năm 2009, địa phương đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông thôn - nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2009 - 2012”.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tất cả các hộ dân ở khu vực này đối với việc bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý chất thải và rác thải theo qui định cũng như khắc phục tâm lý, tập quán, thói quen lạc hậu.
Thị xã cũng tích cực vận động, tuyên truyền cho các hộ không thuộc diện nghèo hiện không có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi nhưng chưa hợp vệ sinh trong ba năm bằng các nguồn vốn tự có của gia đình và vay ngân hàng để đầu tư xây dựng công trình. Phấn đấu đến hết năm 2011, thị xã có 100% số hộ có nhà tiêu, hố rác hợp vệ sinh; có 80% chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn, nông nghiệp xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi, hố rác để hết năm 2011, các hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh và 70% số hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; vận động các gia đình tự đào hố rác để thu gom rác thải.
Đề án có tổng kinh phí thực hiện trên 16,670 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ của Đề án chỉ hơn 686 triệu đồng, còn lại gần 16 tỷ đồng là kinh phí của các hộ tự đầu tư bằng tiền tự có và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phủ lãi suốt trong vòng hai năm.
Đối với mỗi nhà tiêu, mỗi hộ được vay 1,7 triệu đồng/công trình, chuồng trại chăn nuôi được vay 2 triệu đồng/công trình và các công trình đều làm theo mẫu thiết kế của Đề án. Các hộ tham gia xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi được tư vấn kỹ thuật; hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ về vốn. Hộ gia đình phải tự túc nhân công và nguyên vật liệu để hoàn thành các phần còn lại. Do phần tự túc đối với hộ nghèo, cận nghèo là rất lớn nên thị xã đã huy động các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể giúp đỡ bằng tiền, vật liệu, công lao động… để thực hiện Đề án đạt hiệu quả.
Ông Đỗ Quang Minh - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Dù thị xã chưa có đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện nhưng hơn hai năm qua, Đề án đã tạo những chuyển biến quan trọng. Nhiều gia đình đã đồng tình đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh. Các hộ dân đã có ý thức đào hố rác để thu gom rác thải. Để thực hiện Đề án một cách hiệu quả, tới đây, Nghĩa Lộ sẽ có đánh giá cụ thể đồng thời tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác, đồng thuận đầu tư xây dựng nhà tiêu, chuồng trại, có hố thu gom rác thải nhằm phòng chống dịch bệnh, cải thiện môi trường sống cho mỗi người, mỗi gia đình ở nông thôn”.
Đào Minh
Các tin khác
Đến 31/12 sẽ dừng tinh giản biên chế Nhà nước. Tổng số người được tinh giản hơn 54 nghìn người.
YBĐT - Bộ này cũng có văn bản gửi các cơ quan chức năng để đề nghị cung cấp thông tin, bằng chứng liên quan tới việc vay nợ, bằng cấp và trù dập cán bộ của ông Cao Minh Quang như thông tin một số tờ báo phản ánh.
YBĐT - Ngày 19 và 20/9, Hội Y dược học tỉnh Yên Bái tổ chức Đại hội khóa III nhiệm kỳ 2011 – 2016. Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch Tổng Hội Y dược học Việt Nam dự Đại hội.
YBĐT - ông Hoàng Trọng Huy - Chánh Thanh tra huyện Văn Chấn cho biết: năm 2010, Thanh tra huyện đã tiếp 38 lượt công dân, tiếp nhận 50 đơn khiếu tố của công dân, giảm 65% so năm 2009.