Bão đổ bộ Quảng Ninh, Hải Phòng
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/9/2011 | 2:12:52 PM
Sau khoảng 40 phút lặng gió, đến 13h40 chiều nay, Quảng Ninh, Hải Phòng gió giật cấp 11 và liên tục đổi hướng. Hàng trăm nhà bị tốc mái, cây cối đổ ngổn ngang. Hà Nội không nằm trong tâm bão, nhưng gió rít liên hồi.
Sau hơn một giờ hoành hành, đến 13h chiều nay, tại Hải Phòng, Quảng Ninh, nơi tâm bão đi qua, gió bỗng lặng, trời quang mây, mưa nhỏ. Nhiều người chủ quan cho rằng bão đã tan, một số nhao ra đường.
Tuy nhiên, theo chuyên gia khí tượng Lưu Minh Hải, đây không phải là dấu hiệu bão tan. "Thông thường tâm bão đi qua vùng nào thì mất khoảng 30 phút trời quang, lặng gió, không mưa hoặc mưa rất nhỏ. Sau đó gió bão sẽ trở lại và đổi hướng", ông Hải nói và cho rằng bão kết hợp với không khí lạnh sẽ rất nguy hiểm vì dông lốc nhiều hơn.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, bão đã đi chếch lên phía bắc, khoảng trưa nay đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Tối nay bão trên khu vực Việt Bắc, sức gió giảm dưới cấp 6.
Như vậy so với dự báo trước đó, tâm bão sẽ không đi vào Hà Nội. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp với gió bão mạnh cấp 4-5. Lượng mưa tối đa được dự báo giảm 50 mm so với trước đó, còn khoảng 150 mm.
Trước khi vào bờ, bão Nesat đã gây mưa to, gió mạnh cấp 9-10 tại Cửa Ông (Quảng Ninh), Cô Tô, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Các tỉnh Đông Bắc Bộ mưa phổ biến 20-50 mm, một số nơi mưa to hơn như Cô Tô 120 mm; Cửa Ông (Quảng Ninh) 110 mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 100 mm… Tại Quảng Ninh, nơi tâm bão đi qua, từ 9h sáng nay Sở Giao thông Vận tải bắt đầu cấm người đi bộ, phương tiện thô sơ và xe môtô qua cầu Bãi Cháy. Sở bố trí phương tiện để chuyên chở những người dân có nhu cầu đi lại qua cầu trong thời gian cấm. Tỉnh cho toàn bộ học sinh nghỉ học.
"Gió thổi rất mạnh, cảm giác có thể bay cả người nếu đi ngoài đường", một người dân ở thành phố Hạ Long cho biết.
Gió bão đã giật đổ nhiều cây xanh, làm nhiều nhà tốc mái. Thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 10h sáng, địa bàn có 8 tàu bị chìm, trong đó 2 sà lan chở than, 4 lồng bè ở Vân Đồn bị vỡ. 30 nhà ở huyện Cô Tô, 14 nhà ở huyện Hải Hà bị tốc mái.
Tại khu 4 phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, một hầm than trái phép bị sụt sâu hàng chục mét, chu vi 15 m, nhưng không có thiệt hại về người. UBND thành phố Hạ Long đang di dân tại các khu vực gần đó. Ti Mỹ Viên (vịnh Hạ Long) 120 hộ dân không di dời đã bị cưỡng chế và cho tàu ra đón.
Quảng Ninh đã cấm biển từ sáng qua. Người già trẻ em trên các lồng bè, làng chài đã được đưa vào đất liền, tuy nhiên vẫn còn người ở lại. Đoàn công tác Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị tỉnh cưỡng chế di dời.
Trung tâm thành phố Hải Phòng 8h sáng nay gió bắt đầu xoáy mạnh, cây nghiêng ngả. Tại bãi biển Đồ Sơn, tất cả nhà nghỉ, khách sạn đã đóng cửa và được chèn chắn bằng rất nhiều thanh gỗ bên ngoài. Toàn bộ học sinh thành phố được nghỉ học.
Tại huyện đảo Cát Hải, nơi được xác định là xung yếu nhất của Hải Phòng, từ 3h sáng gió xoáy liên hồi. Điện lưới toàn huyện đã bị cắt. Do cấm biển nên giao thông từ đất liền ra đảo Cát Hải tạm thời gián đoạn. Trước đó gần 5.000 người dân ở sát biển, vùng nguy hiểm đã được sơ tán khẩn cấp. Theo lãnh đạo huyện, lo nhất là 4 km đê xung yếu, có khả năng vỡ khi bão đổ bộ kết hợp với triều cường.
Đêm qua, khi vượt qua đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), gió bão đã làm nhiều nhà bị tốc mái, một tàu ở khu 2 Tuần Châu (Quảng Ninh) bị đắm, không có thiệt hại về người.
Nam Định không phải là vùng bão đổ bộ, nhưng cũng chịu ảnh hưởng. 11h trưa, tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, nơi cách biển hơn 10 km, gió bão giật mạnh khiến cây cối xác xơ. Các cửa hàng, nhà dân đều đóng kín mít.
"Đường xá vắng tanh, chỉ có ít ôtô và xe máy, tất cả đều phải đi chậm vì gió mưa quất thẳng vào kính xe, vào mặt. Nhiều lúc tôi suýt bị gió đẩy vào gầm ôtô", anh Hà, người đang đi xe máy về huyện ven biển Giao Thủy cho biết.
Từ đêm qua đến sáng nay, Thanh Hóa có mưa trên diện rộng, gió bão mạnh dần lên cấp 5-6. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động toàn bộ lực lượng thu hoạch lúa màu khi ruộng lúa chín 80-85%, thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đặc biệt là vùng trũng thấp.
Giám đốc Sở GD&ĐT thông báo cho tất cả trường THPT (trừ TP Thanh Hóa) cho học sinh nghỉ học 2 ngày (29-30/9) để giúp gia đình thu hoạch lúa mùa. Ngày 29/9, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã điều động 900 chiến sĩ xuống Triệu Sơn, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá để giúp dân gặt lúa.
Ngày 29/9, tàu vận tải Đức Minh 18 của ông Phan Đức Minh ở Ninh Bình (trên tàu có 39 lao động) vận chuyển xi măng đang trên đường vào bờ tránh bão đã bị mắc cạn, gãy bánh lái cách bờ biển xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hoá khoảng 4 hải lý.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đưa 2 tàu trọng tải lớn để hỗ trợ. Lúc 24h ngày 29/9, hai tàu cứu hộ đã tiếp cận được tàu Đức Minh, nhưng do nước cạn không kéo ra được, đành để tàu này neo đậu tại vị trí bị nạn và đưa 39 thuyền viên vào bờ an toàn lúc 3h sáng nay.
Tại Hà Nội, do hoàn lưu trước bão kết hợp ảnh hưởng của không khí lạnh, suốt đêm qua thủ đô có mưa rả rích. Mưa đúng vào giờ đi làm buổi sáng khiến nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn, giao thông hỗn loạn tại các ngã tư.
Đến 10h sáng, gió xoáy đạt khoảng cấp 5. Các hàng cây bên đường nghiêng ngả, lật lá. Đứng trên các tòa nhà cao tầng có thể nghe tiếng gió rít liên hồi. Dự báo, lượng mưa sau bão không lớn, trong cả đợt từ 50 đến 150 mm.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo 9h sáng việc di dời người dân ở vùng nguy hiểm phải được hoàn thành, bởi sau khi bão vào sẽ không thể can thiệp.
"Đầu giờ chiều bão vào đến đất liền, 3 giờ sau vào đến Hà Nội. Tâm bão tiến thẳng vào thủ đô nên có thể mạnh cấp 7-8. Cần nhắc nhở người dân hạn chế ra đường, tránh những nguy hiểm rình rập", Phó thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo, các ngành chức năng của Hà Nội cần kiểm tra chặt những cây có nguy cơ đổ, tháo dỡ, giằng néo biển quảng cáo, cần ăng ten... để tránh gây tai nạn trong bão.
Được hình thành từ ngày 24/9 ở ngoài khơi phía đông Philippines, 3 ngày sau bão Nesat quét qua quốc gia này làm 18 người thiệt mạng, hơn 100.000 người dân phải đi sơ tán. Ngày 29/9, bão tấn công đảo Hải Nam, Macau và Hong Kong làm nhiều cây xanh bật gốc, giao thông ngưng trệ.
Hiện ngoài khơi phía đông Philippines có một cơn bão tên quốc tế là Nalgae, dự báo sẽ đi theo hướng Tây, quét qua đảo Luzon của Philippines, vào biển Đông và hướng đến miền Trung Việt Nam.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế địa phương chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm trên địa bàn có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc men cho nhu cầu phòng, chống thiên tai và bệnh tay, chân, miệng.
YBĐT - Là đơn vị giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Yên Bái đã bám sát mục đích, nhiệm vụ, thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo.
YBĐT - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều bước chuyển rõ nét và những kết quả đáng mừng.
YBĐT - Bão số 5 chưa về mà thiệt hại vô cùng đáng tiếc đã xảy ra! Vụ sập đất ở thôn Văn Phú, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái ngày 28/9 cướp đi 2 sinh mạng, làm sập 4 ngôi nhà đã một lần nữa gióng lên hồi chuông về tai nạn do mưa lũ nếu chúng ta chủ quan. >> Yên Bái: Sập đất chết 2 người tại xã Văn Phú >> Công điện của UBND tỉnh Yên Bái về phòng chống cơn bão số 5