Quyết tâm xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ năm, 13/10/2011 | 9:13:10 AM
YBĐT - Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, các cấp hội, hội viên, nông dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nêu cao tinh thần đoàn kết, vững bước đi lên, quyết tâm thực hiện tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
|
Cách đây 81 năm, ngày 14/10/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam được thành lập, là một tổ chức chính trị của giai cấp nông dân. Chặng đường lịch sử 81 năm qua của Hội Nông dân Việt Nam gắn liền với lịch sử của Đảng và của dân tộc. Từ tổ chức Nông hội đỏ đầu tiên, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay, đã tập hợp rộng rãi giai cấp nông dân đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh cho độc lập - tự do của Tổ quốc, cho công cuộc xây dựng đất nước ngày một phồn thịnh.
Nông dân Yên Bái hiện nay chiếm tỷ lệ 80,5% dân số toàn tỉnh. Nông dân Yên Bái vốn giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng, chịu đựng gian khổ, hy sinh và hăng say lao động, cần cù, sáng tạo. Các thế hệ nông dân đã kiên trì khắc phục thiên tai, giữ vững và phát triển sản xuất, góp phần bảo đảm lương thực cho cả cộng đồng dân tộc đồng thời đấu tranh kiên cường chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, cùng nông dân cả nước giành độc lập - tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như giải phóng bản thân mình. Từ khi thành lập đến nay, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã trải qua 7 kỳ đại hội.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, thiết thực. Các phong trào hành động cách mạng qua từng thời kỳ đã thu hút đông đảo nông dân tham gia. Với những chương trình, chính sách hợp lòng dân, nông dân Yên Bái vươn lên khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, tài nguyên… đồng thời tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp và kinh tế nông thôn.
Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã vận động, đoàn kết, tập hợp lực lượng đẩy mạnh sản xuất, cung cấp cả về sức người và sức của, vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tiếp tục vận động nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp. Mặc dù phải thường xuyên đối phó với thiên tai, dịch bệnh, chịu ảnh hưởng của những diễn biến phức tạp do điều kiện khách quan đem lại nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và từng bước vững chắc. Nhiều phong trào điển hình, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị, thành phố.
Trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung thâm canh như: vùng lúa chất lượng cao, vùng chè, vùng quế, vùng tre măng Bát Độ, vùng cây ăn quả… Chăn nuôi thủy sản đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ở các mô hình gia trại, trang trại, mô hình hợp tác xã và hướng đầu tư vào những loài đặc sản như cá tầm, cá hồi, cá nheo…
Với những thành tựu đạt được trên lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp cùng với nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã giúp bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đến nay, có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 156/159 xã có điện lưới quốc gia, mật độ điện thoại là 23 máy/100 dân; hệ thống mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa phát triển khá đồng bộ… Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân cải thiện rõ rệt. Chính trị nông thôn ổn định, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Yên Bái vẫn là tỉnh nghèo, chậm phát triển, ngoài số hộ nghèo còn trên 8% hộ cận nghèo. Muốn xóa nghèo bền vững, phải xác định được nguyên nhân để có kế hoạch giúp đỡ cụ thể, thiết thực. Ở Yên Bái, nông dân nghèo là do thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu kế hoạch sản xuất, thiếu thông tin về khoa học kỹ thuật, thiếu đất sản xuất và chưa có kế hoạch chi tiêu, tổ chức cuộc sống gia đình, gặp rủi ro, bệnh tật, thiên tai… Giúp nông dân có các nguồn lực để sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã tổ chức tốt 3 phong trào thi đua lớn của Hội, trọng tâm và xuyên suốt là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Phong trào này đã phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả cao: đã có hàng chục ngàn hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; hàng chục ngàn hộ nông dân đã được giúp đỡ và vươn lên thoát cảnh đói nghèo. Năm 2010, có 51.788 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương có 45 hộ, cấp tỉnh có trên 1.000 hộ. Năm 2011, có hơn 70.000 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chuẩn năm 2011 của Trung ương Hội quy định.
Để có kết quả đó, tổ chức hội đã phối hợp với các ngành chức năng để hỗ trợ, tư vấn dịch vụ, thông tin thị trường… cho nông dân về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng trả chậm phân bón, giống cây - con, khai thác thông tin giá cả thị trường từ mạng Internet. Hội phân công các chi hội và các hộ khá, giàu giúp đỡ những hộ nghèo hàng ngàn ngày công lao động, kinh nghiệm sản xuất, cách tổ chức chi tiêu hợp lý trong gia đình; mở rộng hình thức dạy nghề cho nông dân như: dạy nghề trực tiếp, dạy nghề ngắn hạn, trung hạn; xây dựng 43 mô hình khuyến nông, khuyến lâm và hướng dẫn người nghèo cách làm ăn bằng phương pháp cầm tay chỉ việc ở các xã đặc biệt khó khăn…
Đến nay, kết quả 9 tháng năm 2011, Hội đã nhận ủy thác bán phần cho 27.402 hộ vay 336,321 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội; tín chấp cho 8.987 hộ vay 112 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn; cho 25 hộ vay 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn 120, quỹ hỗ trợ nông dân; tập huấn về khoa học kỹ thuật cho 41.000 lượt hội viên, nông dân; đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.100 hội viên, nông dân; tham gia đóng góp xóa 2.500 nhà dột nát.
Phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới đã được các cấp hội hưởng ứng bằng nhiều hình thức, cách làm khác nhau để hưởng ứng tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đã tổ chức cho 87.000 hội viên nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường”; tổ chức các hội thi “Nông dân với kiến thức và pháp luật bảo vệ môi trường”, “Nông dân với an toàn giao thông”, “Chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình”…; phát động nông dân thu gom rác thải, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Bên cạnh đó, vận động nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tham gia đóng góp 3.950 ngày công lao động và vật liệu xây dựng trị giá trên 20 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, làm mới 1.876 km đường giao thông nông thôn; tu sửa, nạo vét 1.200 km kênh mương nội đồng, 225 cầu cống, 505 phòng học, trạm xá, nhà văn hóa xã…
Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động, nêu cao tinh thần cảnh giác, chống các âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; thực hiện tốt công tác hòa giải các vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, giảm tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nông dân, nông thôn, nông nghiệp Yên Bái đang đối diện với những thách thức lớn. Đó là nông nghiệp cơ bản vẫn là sản xuất nhỏ, kém phát triển; tỷ suất hàng hóa, kỹ thuật sản xuất, sức cạnh tranh và thương hiệu hàng hóa thấp hơn nhiều so với các tỉnh khác; đời sống nông dân còn nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Chính phủ đề ra.
Song giai cấp nông dân, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã nhận thức rõ và quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội Hội Nông dân tỉnh Việt Nam lần thứ V, Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, nắm chắc thời cơ, tích cực tham gia sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững để cải thiện từng bước đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.
Phát huy truyền thống lịch sử 81 năm qua, giai cấp nông dân và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng lực lượng và tổ chức hội vững mạnh về chính trị - tư tưởng - tổ chức và hành động; nâng cao vai trò đại diện tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và lao động sáng tạo của người dân: cần, kiệm, tự lực, tự cường, đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng thông qua các phong trào thi đua yêu nước do Hội phát động nhằm tạo nên sức mạnh tổng lực trong chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, trong chăm lo, bồi dưỡng sức dân và vận động nông dân xây dựng nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, góp phần xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và thắt chặt thêm mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Trong thời gian tới, cán bộ, hội viên, nông dân cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
Một là: Tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Hội; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến năm 2015, có 15% - 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Chính phủ ban hành; đẩy mạnh phát triển hàng hóa cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn với nhịp độ nhanh; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.
Hai là: Phát huy nội lực, tính cần cù, sáng tạo của nông dân; đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa nông sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm và tăng thu nhập; đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người sản xuất.
Ba là: Tiếp tục tổ chức tốt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn như: giao thông, thủy lợi, điện…; tham gia xây dựng gia đình, bản, làng, xã văn hóa và tích cực tham gia giữ vững quốc phòng - an ninh.
Các cấp hội có hình thức thích hợp để bồi dưỡng, đào tạo nghề, hướng dẫn khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất tại chỗ cho nông dân, phù hợp với tập quán và trình độ sản xuất ở từng nơi; tổ chức học tập kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến, điểm trình diễn kỹ thuật, vận động nông dân sản xuất giỏi có tay nghề và kinh nghiệm sản xuất hướng dẫn nông dân tại chỗ biết cách làm ăn.
Tổ chức vận động nông dân xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức tốt việc khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân; thực hiện mối liên kết 4 nhà: nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà quản lý; tăng cường ký kết chương trình phối hợp với các ngành, các cấp để tạo các nguồn lực cho nông dân đủ điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bốn là: Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh theo các tiêu chuẩn của Đảng và Nhà nước quy định cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ các cấp hội cả về chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ, khả năng và phương pháp vận động quần chúng cũng như sự tâm huyết với hội; xây dựng đội ngũ cán bộ hội có phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Năm là: Tiếp tục tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và cơ sở chính trị ở nông thôn vững mạnh; thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “Yên Bái học tập và làm theo lời Bác”.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, các cấp hội, hội viên, nông dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nêu cao tinh thần đoàn kết, vững bước đi lên, quyết tâm thực hiện tốt công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Phạm Thị Tuyết Nga - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái
Các tin khác
Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, các trường sẽ được kiểm định chất lượng giáo dục định kỳ 5 năm, tính từ thời gian ký quyết định cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.
Khu vực miền Trung quần đảo Philippin đang xuất hiện cơn bão mới có tên quốc tế là BANYAN. Theo cơ quan khí tượng, cơn bão này đang tiến nhanh vào biển Đông. Trong khi đó, hoàn lưu vùng áp thấp tác động đến miền Trung còn đang gây mưa to.
YBĐT - Nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp của LLVT, đáp ứng yêu cầu phát triển của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển KT - XH , những năm qua, phong trào thi đua quyết thắng luôn được xã Nam Cường đặc biệt quan tâm và coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị then chốt.
Hiện nay, việc mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động, với tỷ lệ 111 trai/100 gái (vượt so với mức sinh học chuẩn là 104-106/100). Đặc biệt, ở một số địa phương con số này đã lên đến 130/100.