Báo động nạo phá thai vị thành niên
- Cập nhật: Thứ hai, 17/10/2011 | 8:51:35 AM
YBĐT - Năm 2009 toàn tỉnh Yên Bái có 2.001 ca nạo phá thai, năm 2010 có 1.533 ca, tính riêng 9 tháng đầu năm 2011 đã có 1.649 ca. Những con số này đã cho thấy số ca nạo phá thai đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm”. Mà phần chìm ấy chính là những ca nạo phá thai được thực hiện tại các cơ sở y tế tư nhân.
Bác sỹ Trung tâm CSSKSS Yên Bái tư vấn cho các bạn trẻ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
|
Phá thai ở tuổi vị thành niên là hành động đình chỉ thai nghén ở phụ nữ nhỏ hơn hoặc bằng 19 tuổi. Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tại Yên Bái, tình trạng nạo phá thai tuổi vị thành niên đã và đang trở thành vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội.
Nỗi đau tuổi mới lớn
18 tuổi, Nguyễn Thị H vừa tốt nghiệp phổ thông trung học tại huyện vùng cao V,về thành phố học tại một trường trung cấp. Thành phố Yên Bái không xô bồ và tấp nập như những thành phố lớn nhưng cũng đủ mới lạ và hấp dẫn với một cô gái miền sơn cước như H. Cuộc sống xa nhà còn nhiều bỡ ngỡ, H đã gặp và yêu một bạn cùng trường. Hai bạn trẻ yêu thương và chăm sóc, động viên nhau học tập trong cảnh xa nhà, xa bố mẹ. Nhưng H và bạn trai đã vượt qua giới hạn của tình yêu trong sáng. Đáng nói hơn, do kiến thức về giới tính còn hạn chế cộng với không sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn khiến H có thai. Khi biết được thì cái thai trong bụng đã bước sang tuần tuổi thứ 10. Hoàn cảnh gia đình hai bên chẳng lấy gì làm dư dả, cả hai đều đang đi học nên em quyết định phá thai.
Mới đây, em Trần Thị L ở huyện Y cũng phải đến Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) Yên Bái để phá thai 9 tuần tuổi khi em vừa bước sang tuổi 16, cái tuổi đẹp nhất của độ tuổi trăng tròn. Mẹ em - một người phụ nữ quanh năm lam lũ với ruộng đồng không hiểu vì sao đứa con gái vẫn đang trong tuổi cắp sách đến trường lại có thai nhưng vì vẫn trong độ tuổi đi học và còn quá nhỏ để có thể tự mình nuôi con nên gia đình quyết định đưa em đi "giải quyết hậu quả". Sau chừng 5 - 10 phút làm thủ thuật, L được đưa đến phòng hậu phẫu. Trên gương mặt non nớt của cô bé đang tuổi trăng rằm ấy hiện rõ vẻ lo âu, sợ hãi và đau đớn. Và đâu phải chỉ mình em phải chịu đựng nỗi đau ấy.
Vừa giận lại vừa xót thương cô con gái nhỏ, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt người mẹ khắc khổ vì mưu sinh. Người phụ nữ ấy chia sẻ: “Cũng do chúng tôi mải lo làm ăn, cứ nghĩ chăm lo cái ăn, cái mặc cho con cái là đã đủ nên không có thời gian tâm sự nhiều với cháu nên mới có hậu quả ngày hôm nay”. Nỗi đau về thể xác có thể lành nhưng nỗi đau về tinh thần sẽ mãi là một vết sẹo tâm hồn, có thể làm cho người ta nhói đau khi nghĩ tới. Rồi đây, L sẽ lại trở về với cuộc sống hàng ngày nhưng em sẽ không còn vô tư và trong sáng được như xưa nữa.
Trong bệnh án của Trung tâm CSSKSS Yên Bái còn ghi lại trường hợp các em Nguyễn Thị T, 18 tuổi, Nguyễn Thị H, 19 tuổi, Nguyễn Thị H, 17 tuổi, Trần Hồng Nh, 17 tuổi....Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp đến cơ sở y tế Nhà nước để “giải quyết hậu quả”. Theo số liệu thống kê của ngành y tế, ngoài các cơ sở y tế công lập của Nhà nước, tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh có 12 phòng khám phụ sản - kế hoạch hoá gia đình và 7 cơ sở dịch vụ y tế chuyên khoa sản được cấp phép hoạt động.
Năm 2009 toàn tỉnh có 2.001 ca nạo phá thai, năm 2010 có 1.533 ca, tính riêng 9 tháng đầu năm 2011 đã có 1.649 ca. Những con số này đã cho thấy số ca nạo phá thai đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm”. Mà phần chìm ấy chính là những ca nạo phá thai được thực hiện tại các cơ sở y tế tư nhân.
Có mặt tại một số phòng phám phụ sản - kế hoạch hoá gia đình trên đường Yên Ninh, Đinh Tiên Hoàng, Cao Thắng (thành phố Yên Bái), chúng tôi bắt gặp những gương mặt non nớt, ngây thơ của các em tuổi trăng rằm đang chờ đợi đến lượt được làm thủ thuật. Đề cập đến vấn đề nạo phá thai trong độ tuổi vị thành niên, một bác sỹ làm việc tại đây cho biết: “Có những em trong độ tuổi đi học đến đây phá thai và không chỉ một lần. Lần đầu tiên các em còn e ngại nhưng những lần sau thì không có vẻ gì e dè, ngại ngùng nữa. Chúng tôi sẽ làm việc hết trách nhiệm của người bác sỹ nhưng nếu phá thai nhiều lần như thế sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của các em”.
Hậu quả khôn lường
Tình yêu tuổi mới lớn không phải là xấu, đó là động lực giúp các em vươn lên trong học tập nhưng ngược lại đó cũng là con dao hai lưỡi khi các em không thể làm chủ được bản thân. Chủ một nhà nghỉ tại thành phố Yên Bái cho biết: “Nhiều em tới đây còn mặc nguyên đồng phục học sinh, các em chỉ thuê phòng theo giờ và số lượng mỗi ngày một tăng”.
Cuộc sống hiện đại, sống thử trước hôn nhân đang dần trở nên phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt với những trường hợp các em xa nhà, xa bố mẹ, thiếu sự quản lý của gia đình. Ngược lại, hành trang về kiến thức CSSKSS còn hạn chế dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn, đã chọn lựa cách phá thai để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập trước mắt.
Qua trao đổi với các y, bác sỹ thuộc Trung tâm CSSKSS Yên Bái được biết: Khi phá thai, bệnh nhân có thể bị chảy máy, choáng do đau, sót rau, rách cổ tử cung...; dễ gặp những biến chứng xa như dính buồng tử cung, viêm nhiễm vòi trứng dẫn đến vô sinh, viêm dính gây vô kinh hoặc rau tiền đạo, rau cài răng lược, dễ gây sảy thai và đẻ non về sau…
Bên cạnh đó, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên là một dấu ấn suốt đời với trẻ do đau đớn và căng thẳng tâm lý, các em dễ bị stress, rối loạn tình dục và các di chứng khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng sinh đẻ trong tương lai”. Nhiều trường hợp dẫn tới vô sinh. Hiện nay, Trung tâm CSSKSS Yên Bái đang điều trị cho 95 trường hợp vô sinh 2 (tức là những trường hợp vô sinh nhưng đã từng có con hoặc nạo phá thai ít nhất một lần).
Giáo dục giới tính vẫn còn bỏ ngỏ
Thực tế hiện nay cho thấy, công tác chăm sóc sức khỏe và CSSKSS vị thành niên trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ sản khoa trong tỉnh chưa có phòng khám sức khỏe và tư vấn riêng cho lứa tuổi vị thành niên. Tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, công tác truyền thông về SKSS vị thành niên mới chỉ được làm lồng ghép vào các chương trình truyền thông khác, chưa đi vào chiều sâu. Các bậc cha mẹ, thầy cô và cộng đồng chưa nhận thức được sự đầy đủ và cần thiết cung cấp kiến thức CSSKSS cho lứa tuổi này.
Bên cạnh đó, các em trong tuổi vị thành niên còn e ngại khi đề cập đến vẫn đề sức khỏe của chính bản thân mình. Công tác giáo dục giới tính trong nhà trường phổ thông còn nhiều khó khăn. Vừa qua, Trường THPT Nguyễn Huệ đã phối hợp cùng Trung tâm CSSKSS Yên Bái tổ chức tuyên truyền về giới tính. Những cuộc trò chuyện với các bác sỹ thực sự đã đem lại hiệu quả rất lớn đối với các em đang trong độ tuổi muốn “khám phá”.
Tuổi vị thành niên, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời với nhiều lựa chọn, với nhiều xáo trộn trong cuộc sống do đó cần có sự quan tâm của gia đình và xã hội. Vì vậy, các chương trình CSSKSS cho lứa tuổi vị thành niên cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các trường phổ thông. Những vấn đề giáo dục giới tính cần được kết hợp trong giáo dục trong nhà trường hoặc đưa vào thành một môn học chính khóa. Lứa tuổi vị thanh niên là lứa tuổi chưa có tâm sinh lý ổn định, vì vậy, các em rất cần được sự quan tâm của gia đình và xã hội. Cha mẹ là người hiểu con cái cần gì nhất nên cần có những trao đổi thẳng thắn với con cái về những thắc mắc tâm sinh lý của các em, cần gạt bỏ tâm lý “vẽ đường cho hươu chạy” để tránh những hậu quả đáng tiếc. Song, thực tế “không ai có thể bảo vệ các em ngoài chính bản thân các em cả” - Thầy Nguyễn Vĩnh Truyền - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ khẳng định.
Bác sỹ Hà Minh Nguyệt - Phó giám đốc Trung tâm CSSKSS Yên Bái cho biết: “Ở tuổi vị thành niên, cơ thể chưa phát triển đầy đủ như một phụ nữ trưởng thành do đó việc có mang thai và phá thai là điều vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, nhiều trường hợp phải phá thai to do không nắm được các phương pháp tránh thai. Phá thai, đặc biệt là phá thai trong độ tuổi vị thành niên để lại những hậu quả nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tâm hồn”. Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Truyền - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ: “Giáo dục giới tính trong nhà trường phổ thông đang được lồng ghép trong các môn học, các hoạt động ngoài giờ. Tuy nhiên, giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay cũng gặp không ít khó khăn. Thầy cô chỉ giảng dạy về lý thuyết chứ chưa phải những chuyên gia tư vấn cho các em. Ngược lại, các em còn rất e dè với thầy cô khi trao đổi về vấn đề tế nhị này, ngay cả với bố mẹ các em cũng rất ít khi chia sẻ”. |
Duyên Khanh
Các tin khác
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại các tỉnh miền Trung đang có mưa to đến rất to khiến trên 16.000 ngôi nhà ngập, nhiều nơi có nguy cơ phải chạy lũ trong đêm.
Mặc dù dịch bệnh đã lan rộng khắp 63/63 tỉnh, thành trong cả nước và ngày nào cũng có người tử vong vì bệnh.
Hội nghị giao ban năm học 2011-2012 của 5 thành phố trực thuộc T.Ư diễn ra sáng qua 14.10 tại Hà Nội đã không “êm ái” khi Bộ GD-ĐT yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật để xử lý tình trạng lạm thu.
Cuộc vận động thực hiện quy tắc ứng xử của nhân viên y tế, còn được gọi là vận động “nói không với phong bì” mà Công đoàn y tế VN vừa thí điểm tại năm bệnh viện lớn đang làm dấy lên nhiều dư luận về chuyện có hay không cho phép “phong bì cảm ơn” ở bệnh viện.