Lỗ hổng trong phòng chống bạo lực gia đình
- Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2011 | 9:05:16 AM
YBĐT - Từ ngày 1- 8- 2008 và trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập được hàng trăm mô hình, câu lạc bộ phòng chống BLGĐ, song đến nay, tại một số các xã, phường, thị trấn… tình trạng BLGĐ vẫn chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Vậy đâu là căn nguyên?
Tư vấn phòng, chống BLGĐ theo nhóm tại xã Tân Thịnh (TP Yên Bái).
|
Mặc dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1- 8- 2008 và trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập được hàng trăm mô hình, câu lạc bộ phòng chống BLGĐ, song đến nay, tại một số các xã, phường, thị trấn… tình trạng BLGĐ vẫn chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm. Vậy đâu là căn nguyên?
Thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương trong tỉnh, khâu giải quyết vấn đề BLGĐ vẫn còn gặp phải rất nhiều lúng túng, bế tắc. Sự thiếu hiểu biết về Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới và kiến thức về bạo lực giới… ở các cấp lãnh đạo và cán bộ tuyến huyện, tuyến cơ sở là lỗ hổng rõ nhất gây nên trở ngại, làm hạn chế công tác đấu tranh phòng chống BLGĐ.
Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về BLGĐ do Chính phủ Việt Nam và Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 25/11/2010 cho thấy, có khoảng 30% cán bộ ở các cấp chính quyền địa phương không nắm được Luật Phòng chống BLGĐ và nhiều người quan niệm “BLGĐ là vấn đề riêng của gia đình” nên thường khuyên người bị bạo lực chịu đựng. Do đó nhiều nạn nhân của BLGĐ cảm thấy không được hỗ trợ khi đã lên tiếng nên cũng không thông báo về tình trạng bị bạo lực của họ sau đó.
Chị N.T.M - một nạn nhân của BLGĐ ở huyện Văn Yên nói: “Đã không ít lần chồng tôi đi uống rượu say về, cứ nhìn thấy tôi là anh ấy lại xông vào đánh túi bụi. Nhiều lần không chịu đựng nổi, tôi đã đến nhờ trưởng thôn can thiệp giúp đỡ thì ông ấy bảo: “Đấy là chuyện nhà chị, chị tự lo mà giải quyết”.
Tương tự như trường hợp của chị M, có không ít nạn nhân của BLGĐ khi đến kêu cứu với cán bộ địa phương, nhưng thay vì nhận được sự giúp đỡ, họ lại nhận được những lời bao biện cho hành vi của kẻ gây BLGĐ, kiểu như: “Bình thường tôi thấy anh ấy cũng yêu vợ thương con đấy chứ, chắc chỉ do nóng nảy thôi”, và “Anh ấy nóng thế thì mình nhịn đi, ông bà ta đã dạy “cơm sôi bớt lửa”…” và đổ tội cho nạn nhân “làm gì mới bị đánh, phải có lỗi gì, nhà cửa thế nào, đã biết làm đẹp chưa, đã biết chiều chồng chưa?…”. Đây chính là cách giải quyết vấn đề BLGĐ theo lối mòn xuê xoa hoà giải mà nhiều cán bộ địa phương vẫn thường áp dụng, khiến cho các nạn nhân của BLGĐ ngày càng chìm sâu vào vòng xoáy bạo lực.
Trước thực trạng trên, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải nâng cao nhận thức, cung cấp các thông tin về thực trạng BLGĐ, chính sách và khung pháp lý có liên quan tới bạo lực trên cơ sở giới cho lãnh đạo và cán bộ địa phương. Thông qua đó sẽ giúp cho những người trực tiếp đảm nhiệm công việc phòng, chống BLGĐ có cách nhìn nhận mâu thuẫn, mức độ bạo hành trong các gia đình có BLGĐ ở độ chuẩn sát hơn. Nếu bạo hành ở mức nghiêm trọng mà lại cho rằng “chỉ đánh một chút thôi” là vô hình chung đã tạo cơ hội cho kẻ gây ra bạo lực tiếp tục hành vi bạo lực của mình.
Chị Nguyễn Thị Đào - cán bộ Phòng tư vấn Trung tâm (Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi) Sudecom và hỗ trợ chăm sóc nạn nhân của BLGĐ cho biết: “Khi tiến hành công tác hoà giải, mục đích không chỉ là làm giảm bớt các mâu thuẫn mà còn cần phải quan tâm tới việc hỗ trợ cho người phụ nữ. Tức là cần trò chuyện với người bị bạo lực, tư vấn tâm lý cho họ, cùng họ đánh giá tình huống và nếu trong tình huống không chuyển biến thì cần đưa ra những biện pháp an toàn cho nạn nhân. Ví dụ như hướng dẫn cho nạn nhân các kỹ năng: quan sát thấy chồng nổi nóng là chạy ngay; không khiêu khích, không gây căng thẳng khi bạo lực xảy ra; không chui vào góc khuất, góc nhà, gần bếp có dao, nên đứng ở cửa ra vào để dễ chạy…”.
Công tác phòng chống BLGĐ không phải là công việc một sớm một chiều, hy vọng rằng với những kiến thức và kỹ năng như chị Đào đã đưa ra trên sẽ được nhiều cán bộ ở các địa phương tiếp nhận để cung cấp cho các nạn nhân bị bạo lực, giúp họ sử dụng như là công cụ hỗ trợ hữu hiệu, vừa đảm bảo an toàn vừa có thể giúp họ tự giải thoát ra được tình trạng bạo lực của mình.
H.O
Các tin khác
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định tổ chức lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tính mạng, của cải của nhân dân.
YBĐT - Ngày 18/10, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ một số khó khăn về đội ngũ biên chế, giáo viên hợp đồng và thực hiện chính sách trường phổ thông dân tộc bán trú.
YBĐT - Sáng 18/10, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới khóa III (nhiệm kỳ 2010 - 2015) của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái đã bế mạc.
Sáng nay, 18-10, mặc dù mưa lớn nhưng tại khu vực phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đã diễn ra cuộc tổng diễn tập ứng phó với sóng thần và tìm kiếm cứu nạn trên biển có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.