Y tế trường học: Thiếu và yếu

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/10/2011 | 9:35:31 AM

YBĐT - Hầu hết các trường đang phải “tự bơi” bằng cách bố trí cán bộ không có chuyên môn về y tế từ các bộ phận khác sang kiêm nhiệm công tác y tế nhà trường, do vậy hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh rất yếu và hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho học sinh.

Cô giáo Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Yên Bái) hướng dẫn các bé vệ sinh răng miệng.
Cô giáo Trường Mầm non Hoa Hồng (TP Yên Bái) hướng dẫn các bé vệ sinh răng miệng.

Thực hiện Chỉ thị 23/2006/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác y tế trong các trường học (YTTH), trong những năm gần đây, mạng lưới YTTH trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư hơn trước, song do hoạt động này chưa thường xuyên, liên tục nên đến nay phần lớn các trường vẫn trong tình trạng không phòng chăm sóc y tế và không cán bộ chuyên trách YTTH.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, kết thúc năm học 2010- 2011, trong tổng số 579 trường toàn tỉnh từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên đến chuyên nghiệp - dạy nghề thì chỉ  210 trường có phòng chăm sóc y tế (chiếm 36,3%), 189 trường có cán bộ chuyên trách y tế (chiếm  32,6%). Còn lại hơn 60% số trường không có cán bộ y tế và phòng y tế nên việc sơ cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu và phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các trường ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Hiện tại, để đảm bảo công tác YTTH,  hầu hết các trường đều phải “tự bơi” bằng cách bố trí cán bộ từ các bộ phận khác như: văn thư, kế toán, giáo viên, thủ quỹ, nấu ăn, cán bộ Đoàn - Đội… sang kiêm nhiệm. Tuy nhiên, cũng chính vì kiêm nhiệm và không có chuyên môn về y tế nên hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh rất yếu và hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho học sinh.

Bởi, Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã quy định về hoạt động y tế trong các trường học, bao gồm: tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và phân loại sức khoẻ cho học sinh; có sổ khám bệnh, hồ sơ quản lý, theo dõi tình hình sức khỏe cho học sinh cả cấp học; có trách nhiệm thông báo cho cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ về tình hình sức khoẻ con em mình và có cơ chế phối hợp với cơ sở y tế để chăm sóc, điều trị tốt nhất cho học sinh có vấn đề sức khoẻ; có kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho học sinh; truyền thông - giáo dục sức khoẻ và bảo đảm an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh; kiểm tra bàn ghế, đo ánh sáng trong phòng học...

Chị Lê Thị Kim Tuyền - giáo viên Địa lý kiêm nhân viên y tế Trường THCS xã Bảo Hưng (huyện Trấn Yên) tâm sự: “Do hiểu biết về lĩnh vực y tế có hạn nên tôi chỉ có thể làm những việc sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh chứ không thể khám và phân loại sức khoẻ cho các em. Tôi hy vọng nhà trường sẽ sớm có cán bộ y tế chuyên trách được đào tạo bài bản, có trình độ từ trung cấp y trở lên như Thông tư 35/2006 của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định để công tác chăm sóc sức khoẻ cho học sinh được tốt và thuận lợi hơn”.

Bên cạnh thiếu cán bộ y tế chuyên trách, tình trạng không có phòng dành riêng cho công tác y tế cũng đang là thực tế ở rất nhiều trường. Phần đa phòng y tế ở các trường chỉ là một góc nhỏ với một tủ thuốc sơ sài, không bàn ghế, không giường khám bệnh, không trang thiết bị y tế, được đặt chung với các phòng: hành chính, văn thư, kế toán, thư viện hay phòng họp hội đồng của nhà trường.

Một giáo viên mầm non ở thành phố Yên Bái cho biết: “Mặc dù trường tôi đã có cán bộ y tế chuyên trách nhưng lại không có phòng dành riêng cho công tác y tế nên hiện tại phòng y tế vẫn bố trí chung với phòng chức năng khác”.

Các cháu Trường Mầm non Minh Huệ (thành phố Yên Bái) trong giờ học nhạc.

Từ những bất cập, yếu kém trong hệ thống YTTH trên đã dẫn đến thực trạng học sinh đang ngày càng phải đối mặt với nhiều căn bệnh học đường có xu hướng gia tăng hiện nay như: bệnh về răng miệng, tật khúc xạ, béo phì, cong vẹo cột sống, giun sán, xơ hoá cơ Den -ta, tay chân miệng…

Cũng theo kết quả kiểm tra sức khoẻ  định kỳ của trung tâm y tế dự phòng các cấp, năm học 2010- 2011 vừa qua, trong tổng số 29.975 học sinh ở 533/579 trường được kiểm tra sức khoẻ thì đã phát hiện có: 2.438 em bị cận thị (chiếm 8,1%), 894 em bị bệnh ngoài da (chiếm 3%), 6.283 em mắc bệnh tai- mũi- họng (chiếm 20,9%) và 18.035 em mắc bệnh răng miệng (chiếm  60,2%)...

Chị Nguyễn Thị Hiền- một phụ huynh học sinh ở thị xã Nghĩa Lộ lo lắng nói: “Cháu nhà tôi năm nay mới đang học lớp mẫu giáo 3 tuổi, vậy mà từ lúc đi học đến giờ đã bị lây đến mấy loại bệnh từ lớp mang về như tay chân miệng, quai bị, sốt phát ban, thuỷ đậu. Trước tình hình dịch bệnh nhiều như hiện nay, tôi thực sự thấy hoang mang không biết có nên tiếp tục gửi con ở trường học hiện tại không vì đến giờ nhà trường vẫn chưa có cán bộ chăm sóc y tế chuyên biệt”.

Thiết nghĩ, để giải quyết được bài toán khó khăn về YTTH, ngành y tế và ngành giáo dục -đào tạo cần phải có sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa. Nhất là ngành giáo dục - đào tạo cần phải nhanh chóng kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế trong các trường học và kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư kinh phí thoả đáng cho ngành trong hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh. Có như vậy mới mong chất lượng chăm sóc và giáo dục học sinh ngày một đi lên. Đó cũng là một cách cùng cộng đồng phòng chống các dịch bệnh vốn đang xuất hiện ngày càng nhiều, lây lan nhanh ở những nơi tập trung đông người, phạm vi rộng như hiện nay.

H.O

Các tin khác

YBĐT - Những năm qua, hoạt động tư pháp của huyện Yên Bình có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) ở cơ sở, đăng ký và quản lý hộ tịch, đăng ký kết hôn, công tác hòa giải ở cơ sở… đi vào nề nếp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

YBĐT - Thiết thực hưởng ứng phong trào đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại cộng đồng dân cư, Thành Đoàn Yên Bái vừa cùng các cơ sở Đoàn tổ chức lắp đặt 15 hòm thư “Thanh niên tố giác tội phạm” tại các xã, phường và Nhà thiếu nhi tỉnh.

Các doanh nghiệp có thể bị phạt tới 40 triệu đồng nếu cố tình chây ì không đóng Bảo hiểm y tế. (Ảnh: minh họa)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/12/2011. Theo đó, các hành vi vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế là 40 triệu đồng.

Bộ VH,TT&DL vừa ban hành Thông tư số 12/2011/TT- BVHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Khu dân cư văn hóa".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục