Thêm yêu cái chữ vùng cao
- Cập nhật: Thứ ba, 8/11/2011 | 3:35:17 PM
YBĐT - Ở Pá Hu, tôi đã gặp những cô bé, cậu bé học trò cả mùa đông không biết đến đến đôi giày đôi dép, bàn chân trần trầy xước bởi gai rừng, đá nhọn, độc manh áo mỏng che thân chống chọi với cái giá lạnh và sự khắc nghiệt của mùa đông vùng cao… vẫn ngày ngày cơm đùm muối ớt đến trường.
Bữa ăn của học sinh Trường bán trú Pá Hu còn nhiều thiếu thốn.
|
Những lần đi công tác vùng cao, chứng kiến cảnh những đứa trẻ còi cọc, vai mang túi đựng sách vở, tay ôm gói cơm, đùm gạo hay nắm rau cải nương dậy từ bốn, năm giờ sáng, đi bộ mấy tiếng đồng hồ vượt rừng, vượt suối để đến trường học chữ mới thấu hiểu sự nghiệp giáo dục ở vùng cao còn rất nhiều vất vả và càng hiểu hơn nỗi khát khao “con chữ” của trẻ em ở những địa phương còn muôn vàn khó khăn thiếu thốn này.
Có cả trăm điểm trường lẻ được mở ra tại những bản làng xa xôi hẻo lánh ở vùng cao Yên Bái - một sự nỗ lực, quyết tâm lớn của ngành giáo dục đã mang đến cả trăm ngàn niềm vui, niềm hy vọng mong cho con cái mình được học hành hơn cha mẹ của đồng bào. Chấp nhận cảnh để đứa anh tám, chín tuổi nuôi em 6 tuổi cả tuần ở trường bán trú dưới xã, nhiều gia đình người Mông ở bản Háng Giàng hay Cang Giông xã Pá Hu huyện Trạm Tấu vẫn quyết tâm cho con đến trường học chữ.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Pá Hu kể: “Những lần đi vận động trẻ ra lớp ở các bản xa, chứng kiến cảnh những đứa trẻ đứng nhìn chúng bạn theo chân cô giáo xuống trường học chữ thấy thương các em vô cùng. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng bọn trẻ rất ham học. Mừng nhất là ngày càng có nhiều trẻ em gái người Mông đến trường học chữ - điều mà trước đây chưa được đồng bào coi trọng”.
Ở Pá Hu, tôi đã gặp những cô bé, cậu bé học trò cả mùa đông không biết đến đến đôi giày đôi dép, bàn chân trần trầy xước bởi gai rừng, đá nhọn, độc manh áo mỏng che thân chống chọi với cái giá lạnh và sự khắc nghiệt của mùa đông vùng cao… vẫn ngày ngày cơm đùm muối ớt đến trường.
Tôi cũng đã chứng kiến những bữa cơm trưa của các em được nấu vội, ăn vội chỉ với nước suối và lọ măng ớt mặn chát. Đứa gia đình khá giả hơn, có điều kiện hơn thì được gói mỳ tôm làm canh thay thức ăn mặn hay vài con cá khô nướng rối còn dính đầy tro bếp. Gian khổ là vậy, thiếu thốn là vậy nhưng niềm khát khao con chữ vẫn cháy lên trong đôi mắt thơ ngây, ước mơ trong sáng của con trẻ.
Nhớ lần đầu lên với cô và trò Trường Pá Hu, tôi được các cô giáo ở đây kể cho nghe câu chuyện về lòng ham học của cậu học trò người dân tộc Mông Vàng A Lồng ở thôn Pá Hu. Giữa năm lớp 7, Lồng bị ốm nặng. Nhà Lồng nghèo nên Công đoàn nhà trường và các thầy cô giáo ở đây đã tự nguyện quyên góp được gần 1 triệu đồng giúp gia đình đưa em xuống bệnh viện huyện chữa bệnh. Những tưởng A Lồng sẽ bỏ học, thế nhưng chỉ sau hơn hai tháng nghỉ học, Vàng A Lồng lại cơm đùm cơm nắm rau gạo xuống trường trước sự vui mừng khôn xiết của thầy cô và bạn bè. Hỏi chuyện, A Lồng cười bảo: “Em ước mơ được học lên cao để về làm cán bộ”…
Quyết tâm mong cho con em mình không bị “đói cái chữ” tôi thấy rất rõ trong suy nghĩ của vợ chồng Hờ A Dinh, bản Mông Khuôn Bổ, xã Hồng Ca huyện Trấn Yên. A Dình kể: “Bố mẹ mình đẻ nhiều. Mình được học hết lớp 2 ở trường trên bản rồi bỏ không theo được nữa, vì muốn học lên cao phải xuống tận trung tâm xã mới có trường, đi xa lắm, gần 10 cây số, toàn đường rừng chứ chưa có đường to như bây giờ. Vợ mình cũng không được học chữ nhưng hai đứa con gái với thằng con trai lớn thì học cao rồi! Con gái học lớp 6 lớp 7, còn thằng con trai đang trọ học cấp III ngoài xã Hưng Khánh. Phải cho chúng nó học thôi không thì không biết trồng lúa trồng rừng, làm kinh tế cũng không giỏi…”.
Thừa nhận sự phát triển vượt bậc của giáo dục vùng thấp để thấy trân trọng hơn những thành quả trong công tác giáo dục đào tạo ở vùng cao mà Yên Bái đã đạt được. Dù vậy cũng cần khách quan nhìn nhận sự học ở vùng cao Yên Bái vẫn còn rất nhiều bất cập, khó khăn và thiếu thốn, cần sự chung tay vào cuộc của không chỉ ngành giáo dục, mà còn của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cá nhân để mỗi thầy cô giáo, mỗi em học sinh ở vùng cao thêm yêu hơn cái chữ.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Hội Phụ nữ xã Bảo Ái (Yên Bình) có 1.256 hội viên, sinh hoạt ở 17 chi hội thôn, bản. Những năm qua, Hội đã không ngừng đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
YBĐT - Ngày 7/11, Sở Y tế tổ chức tập huấn công tác phòng chống HIV/ AIDS và triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 cho các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo 138 của tỉnh.
Dự án “1000 áo ấm cho trẻ vùng cao đến lớp” do Quỹ cộng đồng người sử dụng Internet Việt Nam (VNIF) phát động nhằm giúp các em nhỏ tại 02 huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và Pác Nặm (Bắc Cạn) đủ sức khỏe tới lớp trong mùa đông giá rét.
YBĐT - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn thường xảy ra các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), nhiều vụ gây tổn thương nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, thậm chí cả tính mạng của nạn nhân… Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do người có hành vi bạo hành đã sử dụng rượu, bia…