Tự hào viết tiếp trang sử mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2011 | 3:00:16 PM

YBĐT - 50 năm qua, Trường đã đào tạo khoảng 20.000 lượt giáo viên các cấp, bậc học từ giáo viên mầm non đến trung học cơ sở, trong số đó có trên 50% là con em các dân tộc thiểu số.

Thầy trò Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái lên giảng đường.
Thầy trò Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái lên giảng đường.

Nhân kỷ niệm 550 năm thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái (1961 -2011), phóng viên YBDT đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Phạm Xuân Thủy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái.

PV: Xin đồng chí sơ lược vài nét về sự ra đời và phát triển của Trường  Cao đẳng Sư phạm Yên Bái?

Đồng chí Phạm Xuân Thủy: Tháng 12 năm 1961, Bộ Giáo dục có quyết định cho phép tỉnh Yên Bái mở lớp đào tạo giáo viên cấp II tại Trường Sư phạm sơ cấp khu Lao Hà Yên. Tỉnh Yên Bái khi đó chỉ có 4 trường cấp II, số học sinh cấp II ngày một tăng trong khi giáo viên cấp II được Bộ Giáo dục phân công lên Yên Bái giảng dạy lại rất ít.

Trước những đòi hỏi cấp thiết đó, Ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái sau khi được Bộ Giáo dục cho phép đã quyết định mở 2 lớp đào tạo giáo viên cấp II hệ 7+2. Ban đầu chỉ có 49 giáo sinh, lớp Tự nhiên có 25 giáo sinh, lớp Xã hội có 24 giáo sinh. Tất cả số giáo sinh được tuyển thẳng từ những trường cấp II của tỉnh.

Tháng 8 năm 1962, Trường Sư phạm Yên Bái chính thức được thành lập với quy mô và yêu cầu chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao. Trường kiện toàn bộ máy lãnh đạo từ Ban Giám hiệu đến các tổ chuyên môn. Khi ấy, thầy Lương Mậu Kỳ là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường cùng gần 20 thầy giáo là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng. Những năm tháng đầu tiên thành lập Trường, thầy và trò ngồi học dưới làn bom đạn của giặc.

Ngày 9 tháng 7 năm 1965, máy bay Mỹ bắn phá toàn bộ ngôi trường ở xã Cường Thịnh (Trấn Yên) và nhà trường phải chuyển lên xã Mường Lai (Lục Yên). Những năm tháng gian khổ ấy, tỷ lệ tốt nghiệp của Trường đều đạt từ 89% - 95%. Năm 1968, giặc Mỹ ngừng ném bom bắn phá miền Bắc. Từ tháng 2 năm 1969 đến tháng 9 năm 1969, Trường Sư phạm cấp II Yên Bái hai lần phải chuyển trường, lần thứ nhất về xã Tân Phong, huyện Yên Bình, lần thứ hai về xã Tân Thịnh, thị xã Yên Bái. Tới năm 1988, nhà trường chuyển về phường Đồng Tâm, thị xã Yên Bái và cũng là nơi ở hiện nay.

Từ đào tạo giáo viên cấp II hệ 7+2 ban đầu, năm học 1971 - 1972, Trường Sư phạm cấp II Yên Bái mở thêm một lớp hệ 10+1 để đáp ứng nhu cầu giáo viên cấp II cho các địa phương trong tỉnh. Cũng từ năm học 1971 - 1972, Trường đào tạo 4 ban: Toán - Lý, Văn - Sử, Sinh - Hóa, Sinh - Địa thay việc đào tạo hai ban Tự nhiên và Xã hội đồng thời mở lớp hệ 10+2. Năm đầu tiên thành lập, Trường chỉ có hai lớp với 49 giáo sinh thì đến năm học 1974 - 1975, đã có 12 lớp với 451 giáo sinh.

Ngày 24 tháng 3 năm 1976, Bộ Giáo dục quyết định cho phép Yên Bái thành lập Trường Sư phạm cấp II, đào tạo hệ 10+3 trên cơ sở Trường Sư phạm cấp II cũ. Sau sáp nhập 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, Trường có các hệ đào tạo 10+3, 7+3 với 3 khoa: Toán - Lý, Văn - Sử, Sinh - Hóa - Địa và một tổ Bộ môn chung. Ngày 27 tháng 3 năm 1990, Trường Sư phạm cấp II tỉnh Hoàng Liên Sơn được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm.

Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tới động viên các sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái tham gia hiến máu tình nguyện

- Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết thêm về những đóng góp của nhà trường trong chặng đường 50 năm qua?

Có thể tự hào bởi hàng ngàn giáo viên trung học cơ sở hiện đang giảng dạy ở tất cả các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Yên Bái và một phần không nhỏ của tỉnh Lào Cai, tỉnh Sơn La đã được đào tạo từ mái trường này. Khi nhu cầu giáo viên trung học cơ sở không còn là áp lực thì việc đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và đào tạo lại giáo viên các cấp, bậc học để đạt trình độ chuẩn cũng như nâng cao trình độ giáo viên được đặt ra. Tháng 4 năm 1992, sau khi được Bộ Giáo dục đồng ý, UBND tỉnh Yên Bái quyết định sáp nhập Trường Sư phạm nhà trẻ mẫu giáo, Trường Cán bộ quản lý giáo dục vào Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.

Từ đó đến nay, Trường đào tạo đa hệ: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở. Gần đây, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường mở một số chuyên ngành đào tạo ngoài sư phạm như: cao đẳng tin học, cao đẳng tiếng Anh thương mại và du lịch, cao đẳng công nghệ - thiết bị trường học.

Chú trọng chất lượng đào tạo, không chỉ sinh viên sư phạm mà sinh viên các ngành ngoài sư phạm do Trường đào tạo đã tìm được việc làm trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh và được cơ sở sử dụng lao động đánh giá cao. Trường không chỉ đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ cao đẳng mà còn tạo nguồn lao động có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được niêm yết tại trường.

50 năm qua, Trường đã đào tạo khoảng 20.000 lượt giáo viên các cấp, bậc học từ giáo viên mầm non đến trung học cơ sở, trong số đó có trên 50% là con em các dân tộc thiểu số. Cụ thể: hệ 4+2, 7+3 đào tạo được 767 giáo viên; hệ 10+3 đào tạo được 1.745 giáo viên; hệ 10+1, 10+2 đào tạo được 1.023 giáo viên; hệ cao đẳng sư phạm đào tạo được 6.898 giáo viên; giáo viên mẫu giáo, mầm non đào tạo được 2.608 giáo viên. Đồng thời bồi dưỡng giáo viên hệ 10+3, 7+3, trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm cho 5.073 lượt; bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục được 2.100 giáo viên.

Ngoài ngành sư phạm, nhà trường còn đào tạo 152 sinh viên cao đẳng tin học, 119 sinh viên cao đẳng tiếng Anh thương mại và du lịch, 87 sinh viên cao đẳng công nghệ - thiết bị trường học. Đặc biệt, với trên 50% giáo viên là con em các dân tộc thiểu số, Trường đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chiến lược đào tạo đội ngũ trí thức là người dân tộc.

Từ năm học 2006 - 2007, thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế, nhà trường đào tạo tiếng Việt cho 77 lưu học sinh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, sau đó tiếp tục đào tạo chuyên ngành. Đến nay, các em đã hoàn thành tốt chương trình học tiếng Việt, trong đó có 10 sinh viên Lào tốt nghiệp các lớp cao đẳng sư phạm ra trường, trở thành giáo viên cốt cán. 

Đội ngũ giáo viên do nhà trường đào tạo đã dần đáp ứng về số lượng,  bảo đảm về chất lượng giảng dạy, giáo dục ở các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong hệ thống giáo dục. Nhiều học sinh không chỉ đảm nhiệm các chức vụ quản lý giáo dục ở các trường, phòng giáo dục và đào tạo mà còn trở thành lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các huyện, thị, thành phố.

- Trường đã và đang làm gì để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục - đào tạo, thưa đồng chí?

Muốn có chất lượng giáo dục tốt, trước tiên phải xây dựng được đội ngũ giảng viên thực sự có tâm huyết và có trình độ chuyên môn cao. Cùng với tuyển dụng nguồn giảng viên có trình độ cao từ bên ngoài, Trường cử nhiều giảng viên đi học thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước. Khi mới thành lập, nhà trường có gần 20 giáo viên, người có trình độ cao nhất là đại học thì sau 50 năm, năm học 2010 - 2011, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái đã có 112 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 79 giảng viên, bao gồm: 1 tiến sĩ khoa học, 39 thạc sĩ, 54 cử nhân đại học, 5 cử nhân cao đẳng... đang công tác tại 6 khoa, 4 phòng, 1 trung tâm và 1 tổ trực thuộc. Hiện đã có gần 30 giảng viên đăng ký tham gia Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ giai đoạn 2010 - 2020.

Nhiều nhà giáo ưu tú qua các thời kỳ là tấm gương sáng, đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển của nhà trường như: nhà giáo Hà Ngọc Xuân, Tống Đức Long, Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Xuân Bình, Đinh Văn Long, Phạm Quang Bình, Nguyễn Thúy Hoàn, Nguyễn Đình Bảng.

Sự lớn mạnh của đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng không chỉ đáp ứng nhu cầu đổi mới của giáo dục hiện tại mà còn chuẩn bị cho tương lai. Đó là những giảng viên có trình độ chuyên sâu về các lĩnh vực để nhà trường không chỉ là trung tâm đào tạo giáo viên có chất lượng mà còn là nơi nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có uy tín. Trường đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó nhiều đề tài có chất lượng cao, ứng dụng thiết thực trong thực tiễn. Tiêu biểu trong số đó là các đề tài của nhà giáo Trần Mạnh Khôi, Trần Văn Vàng và Nhà giáo ưu tú Phạm Quang Bình; luận án tiến sỹ của các tiến sỹ Hồ Tuấn Dung, Nguyễn Thị Tuyến, Hoàng Thị Lợi, Đinh Thị Thái Quỳnh, Ngô Quang Thành.

Yên Bái là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, cùng với sự phát triển của đất nước, việc nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái thành trường đại học, đào tạo đa ngành không chỉ là tâm nguyện của nhà trường mà đó cũng là nguyện vọng của đông đảo nhân dân các dân tộc Yên Bái cũng như nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc.

Với bề dày truyền thống 50 xây dựng và phát triển, cùng sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái và tập thể cán bộ, giáo viên, sinh viên là niềm tin vững chắc để Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái viết tiếp trang sử mới.

- Xin cảm ơn đồng chí!

50 năm vẻ vang

Bằng khen của Ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái năm học 1965 - 1966.

Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ năm học 1996 - 1997.

Cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2008 - 2009.

Bằng khen tập thể  lao động xuất sắc của UBND tỉnh năm học 2009 - 2010.

Bằng khen của Bộ Tài chính năm 2009 - 2010.

Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2009 - 2010.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm học 2010 - 2011.

Biểu tượng đào tạo nguồn nhân lực vàng Việt Nam năm 2011.

Bằng khen của UBND tỉnh năm học 2010 - 2011.

Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm học 2010 - 2011.

Đảng bộ nhà trường nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ đều đạt vững mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trường nhiều năm liên tục được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Minh Đức (thực hiện)

Các tin khác
Giờ học của cô và trò trường dân tộc bán trú Bản Công.

YBĐT - Đến nay, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có 6/12 đơn vị xã thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 12/12 đơn vị xã thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS.

Đến nay, các tỉnh thuộc phạm vi dự án nhận trên 1.500 hồ sơ đăng ký của trí thức trẻ; 13/20 tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định phân loại các hồ sơ, phỏng vấn và hoàn thành công tác tuyển chọn.

Rọ tôm như một đặc sản ở chợ quê Xuân Lai, huyện Yên Bình. (Ảnh: Quang Tuấn)

YBĐT - Chợ quê - nét đặc thù của văn hoá dân tộc cần được lưu giữ và bảo tồn. Hy vọng rằng những phiên chợ quê vùng ven hồ Thác Bà cũng sẽ mãi giữ được những đặc trưng vốn có của mình, để ai đó đã tới một lần thì nhớ mãi không quên.

Phòng Đào tạo, Khoa học Công nghệ - Quan hệ quốc tế họp triển khai nhiệm vụ tới các khoa.

YBĐT - Có thể nói, từ khi được thành lập đến nay, Phòng ĐTKHCN - QHQT Trường CĐSP Yên Bái đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình, đóng góp vào những thành tích của nhà trường suốt 50 năm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục