Chưa công nhận tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/11/2011 | 8:50:39 AM

Chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 dự thảo Luật, đó là: Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Đo lường. Trong đó, luật tố cáo chưa công nhận các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại hay thư không rõ tên, địa chỉ...

Luật Tố cáo (được thông qua với 434 phiếu, đạt 86,7%), quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.

 

Trước đó, trong phiên thảo luận ngày 23/8/2011 về Dự án Luật Tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Thường trực Ủy ban tiếp thu việc bổ sung các hình thức tố cáo bằng email, fax và điện thoại vào Dự thảo Luật Tố cáo.

 

Theo ông Lý, có nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung nói trên vì đó chỉ là các hình thức khác nhau để chuyển tải nội dung thông tin tố cáo đến cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền xem xét giải quyết. Việc mở rộng các hình thức tố cáo là phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Bên cạnh đó, tố cáo bằng các hình thức email, fax và điện thoại cũng đã được quy định trong Luật Phòng, Chống tham nhũng.

 

Tuy nhiên, trong kỳ họp này, sau khi nghiên cứu, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng các hình thức tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử tuy đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng song hiện vẫn chưa được áp dụng phổ biến và việc quản lý các thông tin thuộc loại này còn nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết trước khi cụ thể hóa trong Luật nhằm tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối, làm mất đoàn kết nội bộ hoặc để phát tán thông tin về việc tố cáo, nhất là trên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Vì vậy, Luật Tố cáo chưa bổ sung quy định về các hình thức tố cáo này trong Luật, mà tiếp tục duy trì hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn như hiện nay.

 

Đối với những ý kiến đề nghị đối với tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét hoặc có biện pháp xử lý thỏa đáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, trong thực tế, các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng những thông tin từ các tố cáo không rõ họ, tên nhưng có căn cứ rõ ràng nhằm phục vụ yêu cầu quản lý, song đây không được coi là hoạt động giải quyết tố cáo và không nên quy định trong Luật tố cáo. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như thể hiện trong dự thảo Luật đã trình Quốc hội là chỉ xem xét, giải quyết đối với các tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo.

 

Với những ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo vệ người bị tố cáo sai sự thật; đồng thời, cụ thể hóa nguyên tắc này vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu, bổ sung vào Điều 4 nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo. Nguyên tắc này được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 10 về quyền của người bị tố cáo và tại điểm c khoản 2 Điều 11 quy định nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo.

 

Cũng trong chiều 11/11, Quốc hội đã thông qua 3 dự án luật nữa là Luật lưu trữ, (với 87% số đại biểu tán thành), Luật Khiếu nại (với 86,80% số phiếu tán thành và Luật Đo lường (với 86% số đại biểu tán thành).

 

(Theo VnMedia)

Các tin khác

YBĐT - Ngày 11/11, tại Sở Tư pháp, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm. Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên- Phó chủ tịch UBND tỉnh dự và khai mạc hội nghị.

YBĐT - Ngày 11/11, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng chí Ngô Thị Chinh- Phó chủ tịch UBND tỉnh đã dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thầy trò Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái lên giảng đường.

YBĐT - 50 năm qua, Trường đã đào tạo khoảng 20.000 lượt giáo viên các cấp, bậc học từ giáo viên mầm non đến trung học cơ sở, trong số đó có trên 50% là con em các dân tộc thiểu số.

Giờ học của cô và trò trường dân tộc bán trú Bản Công.

YBĐT - Đến nay, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có 6/12 đơn vị xã thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 12/12 đơn vị xã thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục