Hiệu quả mô hình trường bán trú
- Cập nhật: Thứ ba, 13/12/2011 | 2:44:17 PM
YBĐT - Năm học 2002 - 2003 là năm đầu tiên xã Nậm Lành (Văn Chấn) huy động được 61 học sinh tham gia học tập ở 2 lớp trung học cơ sở (THCS), trong đó 15 học sinh ở nội trú. Đến năm học 2011- 2012, Trường THCS Nậm Lành có 168 học sinh ở nội trú trong tổng số 245 em.
Đây là kết quả sau nhiều năm vận động, tuyên truyền, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi ở các thôn, bản xa về trường trọ học và tranh thủ sự tạo điều kiện của địa phương, sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở cho học sinh. Cùng đó, Hội đồng Giáo dục và dòng họ khuyến học ở xã Nậm Lành đã phát huy vai trò trách nhiệm trong việc vận động học sinh ra trường, ra lớp. Nhà trường có sự khen thưởng kịp thời đối với học sinh có thành tích cao trong học tập.
Năm 2007, Trường THCS Nậm Lành đã đầu tư 185 triệu đồng xây dựng 3 phòng ở nội trú. Năm 2010, Sở Giáo dục & Đào tạo Yên Bái tiếp tục đầu tư hỗ trợ thêm cho nhà trường 25 chiếc giường tầng, tạo điều kiện cho 168 học sinh học tập và sinh hoạt tại trường. Nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và đối với học sinh nội trú nói riêng, hàng năm, nhà trường tạo điều kiện cho 100% cán bộ, giáo viên đi bồi dưỡng hè và tham dự các chuyên đề do Phòng Giáo dục và Đào tạo Văn Chấn, cụm chuyên môn tổ chức; thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và triển khai chương trình dạy học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Học sinh đến ở bán trú tại trường, hàng tuần, các em xin gia đình nộp cho nhà trường tối đa 3 kg gạo, còn lại nhà trường đã phải tự trang trải. Thiếu thốn mọi mặt, nhà trường đã kêu gọi sự ủng hộ từ các thầy, cô giáo trong trường; kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội, các tổ chức xã hội từ thiện, các nhà hảo tâm để duy trì mô hình bán trú, duy trì bếp ăn cho các em.
Đối với học sinh nghèo, nhà trường động viên các thầy, cô đứng ra nhận đỡ đầu, tạo điều kiện cho học sinh có đủ sách vở, bút mực học tập. Hàng tuần, nhà trường tổ chức cho học sinh bán trú sinh hoạt tập thể và lao động tăng gia sản xuất để có thêm rau xanh cho bữa ăn hàng ngày. Các buổi chiều trong tuần, nhà trường tổ chức cho các em học thêm, buổi tối tự học đều có giáo viên hướng dẫn.
Xây dựng mô hình bán trú dân nuôi ở Trường THCS Nậm Lành không những có tác dụng to lớn trong việc huy động học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần mà còn góp phần quan trọng duy trì phổ cập THCS bền vững, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Các em ở nội trú có lực học tốt hơn hẳn so với các em đi về thường ngày; số học sinh khá, giỏi tăng đều theo từng năm học; số học sinh yếu, kém giảm nhiều so với những năm học trước.
Thầy giáo Bùi Văn Chinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nếu không có mô hình bán trú dân nuôi thì Nậm Lành không thể đạt chuẩn phổ cập THCS. Bởi xã có 7 thôn, bản thì 5 thôn, bản cách xa trung tâm xã, xa nhất là Nậm Tộc cách trung tâm xã 17 km, thôn Nậm Cài cách 16 km, giao thông đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của con em đồng bào. Trong khi các điểm trường lẻ ở các thôn, bản chưa đáp ứng được nhu cầu, cùng với nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế nên việc tuyên truyền, vận động trẻ em trong độ tuổi ra lớp gặp không ít khó khăn.
Khắc phục những khó khăn đó, những năm học tiếp theo, nhà trường tiếp tục duy trì và phát triển mô hình bán trú dân nuôi với mục tiêu phấn đấu 100% học sinh nhà ở cách xa trường trên 4km được ở nội trú. Đồng thời, nhà trường đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy; dạy 2 buổi/ngày cho học sinh nội trú nhằm nâng cao chất lượng học tập; có kế hoạch xây dựng 10 - 15 phòng ở, nhà bếp cùng với đầu tư các trang thiết bị thiết yếu, phục vụ việc học tập và sinh hoạt để thu hút số học sinh hiện đang ở trọ ngoài trường nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý học sinh, tổ chức bữa ăn tập thể.
Nhà trường cũng đề ra các giải pháp trọng tâm như: tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực cho giáo dục nói chung và hỗ trợ học sinh ở bán trú nói riêng; tiếp tục tuyên truyền, vận động 100% số trẻ ở các thôn, bản xa về ở bán trú để giúp học sinh có điều kiện, thời gian học tập. Tuy nhiên, mô hình bán trú dân nuôi ở Nậm Lành vẫn gặp không ít khó khăn.
Điều kiện cơ sở vật chất về nơi ăn, chốn ở chật hẹp, phòng ở chỉ gần 20 m2 với 5 chiếc giường tầng kê liền nhau nhưng nhà trường phải bố trí cho 24 - 26 học sinh mỗi phòng mới đủ chỗ ngủ cho các em. Không đủ phòng ở, nhà trường phải liên hệ cho 18 học sinh ở nhờ nhà dân xung quanh. Hơn nữa, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Dao, kinh tế khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý học sinh và kinh phí tổ chức bữa ăn tập thể.
Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Trường THCS Nậm Lành rất cần sự quan tâm của Nhà nước và của các cấp, các ngành đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; có những khoản trợ cấp cho học sinh ở bán trú; bổ sung đủ cán bộ, giáo viên, nhân viên và có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy, quản lý học sinh bán trú để họ yên tâm giảng dạy, công tác lâu dài, gắn bó với trường.
Xuân Tình
Các tin khác
YBĐT - Với các hoạt động thiết thực, công đoàn Tỉnh đoàn Yên Bái đã tổ chức cho các đoàn viên thực hiện các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Năm 2011, tại Hà Nội và nhiều địa phương xảy ra ít nhất 10 vụ cháy, nổ xe máy Honda. Tang thương nhất là vụ nổ xe ở Bắc Ninh làm chết thai phụ, đứa con gái 4 tuổi sáng nay đã bị bệnh viện trả về vì khó qua khỏi.
Sắp kết thúc một năm đầy khó khăn, công tác xuất khẩu lao động vẫn có thể cán đích 87.000 người được đưa ra nước ngoài làm việc như chỉ tiêu đề ra.
YBĐT - Đến nay, Yên Bái có 64.942 NCT, trong đó từ 60 - 80 tuổi có trên 63.000 người, trên 80 tuổi là gần 10.000 người. Bên cạnh số người trên 80 tuổi được hưởng lương hưu, các chế độ bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp đặc biệt thì còn không ít NCT không có thu nhập, phải sống dựa vào cộng đồng.