Yên Bái ứng dụng hiệu quả công nghệ mổ mắt Phaco
- Cập nhật: Thứ tư, 14/12/2011 | 9:01:22 AM
YBĐT - Mổ đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật Phaco đã giúp nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, nhất là đồng bào vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi rất nhiều.
Các bác sĩ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh mổ đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật Phaco cho bệnh nhân.
|
Những năm gần đây, tại tỉnh Yên Bái, những tiến bộ khoa học công nghệ kỹ thuật cao đã được áp dụng khá nhiều trong lĩnh vực y tế như: công nghệ chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái; công nghệ xét nghiệm sinh học phân tử PCR của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh; chụp cắt lớp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh…
Bên cạnh đó, không thể không nói tới công nghệ mổ mắt Phaco của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh. Với những công nghệ này đã góp phần không nhỏ trong việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Phương - Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Mắt, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: “Tại tỉnh Yên Bái, mổ mắt bằng kỹ thuật Phaco đã được thực hiện từ năm 2004 nhưng chủ yếu là mời các chuyên gia từ Viện Mắt Trung ương lên thực hiện chứ thời điểm đó Yên Bái chưa có thiết bị. Tới tháng 6 năm 2008, Trung tâm chính thức có máy Phaco do Dự án của Tổ chức ORBIS - một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống mù lòa tài trợ. Yên Bái là một trong những tỉnh thuộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc có công nghệ mổ mắt bằng kỹ thuật Phaco sớm nhất. Đây là một nỗ lực rất lớn của chúng tôi”.
Điều quan trọng nhất là thiết bị máy móc đã có nhưng yếu tố con người cũng quan trọng không kém. Bởi vậy, ngay sau đó, Ban giám đốc Trung tâm đã quyết định cử cán bộ xuống Viện Mắt Trung ương đào tạo ba tháng chuyên sâu phẫu thuật mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco.
Cuối năm 2008, đầu năm 2009, mổ mắt bằng kỹ thuật Phaco chính thức được thực hiện tại Trung tâm với một đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Mổ đục thủy tinh thể theo phương pháp này có ý nghĩa rất lớn bởi mù lòa do đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu, chiếm tỷ lệ từ 60% - 70%.
Trước đây, khi mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp cũ, các bác sỹ phải tiến hành nhiều bước và tốn nhiều thời gian, khoảng 30 đến 45 phút mỗi ca; điều trị sau mổ từ 5 đến 7 ngày, đặc biệt có nhiều biến chứng như: thị lực chậm, bệnh nhân bị đau nhiều, nhiều khi thủy tinh thể còn không nằm chuẩn trong bao…
Còn thực hiện mổ đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật Phaco thì mọi việc đơn giản hơn và cho hiệu quả cao; thời gian mỗi ca từ 15 đến 20 phút; bệnh nhân mổ hôm trước hôm sau có thể ra viện, khả năng bình phục chỉ từ 2 đến 3 ngày và đặc biệt là bệnh nhân sau mổ không đau, ít biến chứng.
Các bệnh nhân cao tuổi ở Văn Yên sau khi được mổ đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật Phaco.
Mổ đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật Phaco đã giúp nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, nhất là đồng bào vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi rất nhiều. “Hàng năm, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh tổ chức từ 20 đến 25 lượt đưa trang thiết bị, máy móc đến 9/9 huyện, thị, thành phố để tiến hành mổ đục thủy tinh thể cho nhân dân. Mỗi chuyến đi khoảng 4 đến 5 ngày. Vì lợi ích của bệnh nhân, chúng tôi không hề quản ngại” - Phó giám đốc Nguyễn Xuân Phương chia sẻ.
Năm 2009, Trung tâm đã tiến hành mổ đục thủy tinh thể cho 473 bệnh nhân, trong đó tại Trung tâm là 155 ca, ở cơ sở 318 ca; năm 2010 có 602 bệnh nhân, tại Trung tâm 248 ca, cơ sở là 354 ca; từ đầu năm 2011 đến nay, có 525 ca, trong đó tại Trung tâm 82 ca và cơ sở có 443 ca. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung tâm đã đem lại nguồn ánh sáng cho rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn toàn tỉnh cũng như có thêm rất nhiều niềm vui đến với mọi người.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý các đối tượng nghiện chích ma túy, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên toàn địa bàn; tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp nhằm thay đổi hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV tới các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, với tổng số trên 6.800 lượt người.
YBĐT - Nhờ có sự năng động, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số từ thôn đến xã và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nên những năm gần đây, công tác DS/KHHGĐ trên địa xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã có những chuyển biến nhất định.
YBĐT - Năm học 2002 - 2003 là năm đầu tiên xã Nậm Lành (Văn Chấn) huy động được 61 học sinh tham gia học tập ở 2 lớp trung học cơ sở (THCS), trong đó 15 học sinh ở nội trú. Đến năm học 2011- 2012, Trường THCS Nậm Lành có 168 học sinh ở nội trú trong tổng số 245 em.