Tết xa quê
- Cập nhật: Thứ tư, 21/12/2011 | 9:05:57 AM
YBĐT - Mùa xuân là mùa của niềm vui, của rộn rã tiếng cười, mọi người cùng hân hoan mua sắm để chuẩn bị cho một năm mới bên những người thân yêu của mình. Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui đó còn có không ít nỗi buồn của những người công nhân tha hương, phải đón xuân nơi xứ người.
Chị Trần Thị Tịnh (người thứ 2, bên phải) trò chuyện cùng gia đình trong những ngày nghỉ phép ngắn ngủi.
|
Tết Nhâm Thìn này, trên quê hương Báo Đáp (Trấn Yên) có gần 200 người dân vì cuộc sống mưu sinh mà phải ăn tết nơi xứ người. Xa quê hương, phải đón tết nơi đất khách quê người là điều chẳng ai muốn. Tuy vậy, tất cả những người đi xuất khẩu lao động ở vẫn coi đó là sự lựa chọn đúng đắn của mình.
Chị Trần Thị Tịnh, thôn 4 là người đầu tiên trong xã đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, đến nay chị đã có gần 9 năm liên tục làm việc nơi đất khách quê người. Chúng tôi may mắn được gặp và nói chuyện trực tiếp với chị khi chị vừa được nghỉ phép 10 ngày để về lấy vợ cho con trai. Chị cho biết: “Tết năm nay nữa là 9 cái tết liên tục tôi không được ăn tết cùng gia đình nơi quê nhà. Ở Đài Loan, tết đến cũng có bánh chưng, có hoa đào… nhưng không có cái ấm cúng của gia đình như những cái tết ở Việt Nam…
Nói đến đây tôi thấy hai dòng nước mắt lăn dài trên đôi gò má chị và tôi đã hiểu được nỗi buồn đó lớn lao thế nào khi phải ăn tết xa chồng, con, cháu, xa quê hương. Chỉ vì nghĩ đến tương lai của con, cháu và muốn kiếm ít đồng vốn về quê hương làm ăn nên chị đã cố gắng làm việc chăm chỉ. Chị Tịnh làm giúp việc cho một cụ già, mỗi tháng thu nhập được 600 USD, năm 2006 chị gửi tiền về cho nhà xây ngôi biệt thự theo kiểu kiến trúc gần giống bên chỗ chị làm chị giá trên 200 triệu đồng. Nhìn con cái trưởng thành đã xây dựng gia đình và lo cho các con đầy đủ, chị Tịnh thấy quyết định đi lao động nước ngoài của mình là đúng đắn.
Năm nay, gia đình anh Phạm Ngọc Sơn chồng chị Nguyễn Thị Thực hiện đang đi xuất khẩu lao động bên Malaixia sẽ được ăn tết trong ngôi nhà mới 2 tầng xây dựng theo kiến trúc biệt thự trị giá trên 400 triệu đồng nằm giữa thôn 9 nổi trội hẳn so với xung quanh. Anh Phạm Ngọc Sơn, chủ ngôi nhà vừa rót nước mời khách vừa chỉ tay vào những đồ dùng sinh hoạt, hồ hởi: “Từ ngôi nhà đến vật dụng sinh hoạt này một phần là do vợ tôi đi xuất khẩu lao động gửi về đấy… Ở xã này, hàng trăm gia đình có nhà cao, cửa rộng, có bát ăn, bát để như hiện nay cũng nhờ có người thân đi xuất khẩu lao động”.
Anh Phạm Ngọc Sơn đang chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Đang trò chuyện với anh thì có chuông điện thoại. Anh vui mừng. Vợ tôi gọi đấy, chắc giờ này hết ca. Tôi bật loa lên cho các chị cùng nghe nhé. Chị Thực gọi điện về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, chồng và các con, tôi thấy chị dặn anh rất kỹ là tết đến phải làm gì, mua sắm những gì cho hai bên họ hàng, mua quần áo mới cho hai đứa và nhớ phải gói bánh chưng cho ấm cúng, mổ con gà cúng đêm giao thừa phải buộc cánh tiên… anh bảo nhớ rồi năm nào cũng dặn vậy mà không chán à. Anh Sơn cho biết, công việc này trước kia toàn vợ tôi làm, giờ cũng chỉ vì cuộc sống mà vợ chồng con cái phải xa nhau. Tôi tính vợ đi làm bên đấy mỗi năm cũng gửi về trên dưới 80 triệu, giờ cũng đã có chút đồng vốn mình còn trẻ nên sang năm tôi cho vợ về. Về hai vợ chồng cùng chăn nuôi làm ăn và nuôi dạy hai cháu chúng nó đang tuổi lớn cũng cần có mẹ bên cạnh.
Làng quê Báo Đáp hôm nay đã khác xưa nhiều, cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước, mảnh đất này đã có sự đổi thay vươn lên mạnh mẽ. Theo ông Trần Đức Học - Bí thư Đảng ủy xã có được sự đổi thay này một phần là nhờ xuất khẩu lao động. Thời điểm này, trên địa bàn xã có gần 200 lượt người đi xuất khẩu lao động tại các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia… số tiền mỗi năm các lao động này gửi về cho gia đình lên đến hàng tỷ đồng.
Đây chính là nguồn lực đã làm thay đổi hẳn làng quê vốn nghèo khó này. Những gia đình có người đi nước ngoài đều xây được nhà hai, ba tầng hoặc biệt thự, mua sắm đồ dùng sinh hoạt đắt tiền như tivi, tủ lạnh, bình nóng lạnh, điều hòa, nối mạng Internet… Mức sống của nhân dân trong xã theo đó ngày càng nâng cao. Khi kinh tế phát triển, các công trình phúc lợi xã hội với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm theo đó cũng được các hộ dân ủng hộ tích cực.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên đã xảy ra 5 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn, trong đó có 3 trường hợp ở xã Vĩnh Lạc, 1 trường hợp ở Liễu Đô và 1 trường hợp ở Thị Trấn Yên Thế.
YBĐT - Vừa qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Hoàng Thị Lĩnh ở thôn 3, xã An Lạc (Lục Yên) - vợ liệt sỹ Đàm Văn Than hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
YBĐT - Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) vừa tổ chức Hội nghị biểu dương vai trò già làng trưởng thôn bản, khu phố trong việc vân động quần chúng nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người trong độ tuổi lao động, giảm tỷ lệ tái mù chữ ở các vùng khó khăn.