Làng ở chiến khu
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/12/2011 | 9:41:14 AM
YBĐT - Ai cũng có một làng quê, một quê hương - nơi chôn rau cắt rốn để tự hào. Người dân làng Vần, xã Việt Hồng (Trấn Yên) cũng rất tự hào bởi làng mình giàu truyền thống cách mạng...
Bên di tích lịch sử đình làng Vần.
|
Làng Vần năm xưa
Làng Vần từ năm 1945 về trước là cả một thung lũng rộng, chạy dài hơn 4 cây số được bao bọc bởi các dãy núi, đường đi lại rất khó khăn. Làng có con ngòi Vần là hợp lưu của ba ngòi nhỏ mang phù sa bồi đắp nên những chân ruộng thấp như: Đồng Trò, Đồng Cây Gạo… bốn mùa xanh. Địa thế hiểm trở, chỉ có một con đường duy nhất vào làng phải qua đèo, làng không những kín đáo lại gần trung tâm chính trị của hai tỉnh Yên Bái, Phú Thọ nên Xứ ủy Bắc Kỳ đã chọn nơi đây lập căn cứ và phát triển thành chiến khu cách mạng.
Cụ ông Phạm Văn Bính năm nay đã hơn 80 tuổi ở bản Quán là một trong hai lão thành cách mạng từng tham gia kháng chiến còn lại cho biết: “Đảng ta nhận định tình hình chu đáo, thấy rõ đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao trong làng đoàn kết, thủy chung, có truyền thống đấu tranh chống áp bức và ngoại xâm nên chọn làm nơi ươm mầm cách mạng. Người dân ở đây đều đồng lòng đi theo Đảng, kháng chiến chống thực dân Pháp”. Cũng chính ở làng Vần này đã diễn ra một sự kiện trọng đại vào ngày 30/6/1945, đó là Ban cán sự liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái được thành lập, đánh dấu sự hình thành chiến khu và là tiền thân cho sự ra đời Đảng bộ hai tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.
Từ làng Vần, phong trào cách mạng phát triển rộng lên Lào Cai và một phần Sơn La. Đội du kích Âu Cơ phát triển mạnh. Từ chiến khu, quân cách mạng đã tỏa đi Phú Thọ, Yên Bái, Nghĩa Lộ phá kho thóc của Nhật chia cho dân. Nhân dân thêm tin tưởng, quyết một lòng đi theo cách mạng, đánh đổ chính quyền địch, lập nên chính quyền cách mạng ở ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, góp phần quan trọng vào cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Làng Vần hôm nay
Không chỉ thăm lại những địa danh đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng của chiến khu được người làng Vần trân trọng gìn giữ như: khu nhà của ông Trần Đình Khánh - Chánh tổng Lương Ca, cơ sở cách mạng của ta; cây vải già còn lại bên đình làng Vần đã bị giặc Pháp phá hủy - nơi lực lượng vũ trang Yên Bái làm lễ tế cờ rồi tiến về giải phóng Trấn Yên, Văn Chấn, Phù Yên, Than Uyên, Văn Bàn… mà trong chuyến đi này, tôi còn đến nhiều hộ gia đình ở bản Nả, bản Bến, bản Vần trong làng Vần xưa và được chứng kiến sự đổi thay lớn lao của làng trên đất chiến khu. Giờ đây, thế hệ con cháu của các chiến sĩ cách mạng năm xưa đang kế tiếp truyền thống vẻ vang của ông cha, quê hương và làm rạng danh làng Vần. Tre già măng mọc, thế hệ con cháu của cụ Phạm Văn Bính là anh Phạm Xuân Cánh - Bí thư Đảng ủy xã đang nỗ lực gánh vác việc xã, việc làng.
Chị Nguyễn Thị Bé - Bí thư Chi bộ bản Nả phấn khởi: “Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, bên cạnh thâm canh tăng vụ, dân bản tập trung phát triển mạnh trồng rừng kinh tế và chăn nuôi nên đời sống đã từng bước cải thiện. Hiện nay, bản Nả có khoảng 10 hộ trồng từ 4 đến 5 ha rừng, có hộ thu tới 200 triệu đồng từ tiền bán gỗ và xây được nhà kiên cố. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thụ trồng 8ha rừng, chăn nuôi mỗi lứa từ 30 đến 40 con lợn, hàng năm thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng”.
Giống bản Nả, người dân bản Bến cũng làm nông nghiệp, trồng rừng kinh tế và chăn nuôi theo hướng công nghiệp với qui mô lớn. Nhiều gia đình như hộ ông Hoàng Hữu Nguyên, Vũ Quốc Toản, hộ bà Trần Thị Luyến mỗi năm nuôi từ 2 đến 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 20 đến 30 con, thu nhập mỗi năm từ 30 đến 40 triệu đồng đã trừ chi phí. Trong bản đã xuất hiện một số hộ hướng tới nuôi, thả các con đặc sản như nhím, ba ba… Cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Còn bản Vần ở trung tâm xã - nơi vinh dự được mang tên của làng cũng từng ngày thay da đổi thịt. Làng đã được công nhận là làng văn hóa. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Khu di tích lịch sử chiến khu Vần được đầu tư chỉnh trang. Bên gốc cây vải cổ thụ ở đình làng Vần xưa, một trường học liên cấp I - II đã được xây dựng ngày ngày rộn tiếng học trò. Thôn cũng đã có trường mầm non, đường nhựa đã về đến hang Dơi - một điểm di tích lịch sử và nối liền với bản Nả. Đường làng ngõ xóm trong bản được tu bổ, vệ sinh phong quang, sạch sẽ. Ông Hoàng Kim Đô - Trưởng bản Vần cho biết: “Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi nên đời sống của người dân trong bản được nâng lên rõ rệt. Cùng với đưa các giống lúa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, người dân còn làm vụ mùa sớm để trồng cây vụ đông.
Ngoài ra, hàng năm bà con thu hoạch thêm hàng chục tấn sắn. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp đạt hiệu quả. Người dân tích cực cải tạo và chăm sóc chè giống chất lượng cao, hàng năm xuất ra thị trường trên 20 tấn chè búp tươi, tăng thu nhập, giúp nhiều hộ có đời sống ổn định. Bản hiện có 90% số hộ có đời sống khá, chỉ còn 3% hộ nghèo, không có hộ đói. Hiện có 90% số hộ có nhà bền vững và nhiều hộ vẫn giữ nhà sàn truyền thống. Cuộc sống bình yên, bản không có người nghiện ma túy. Ba năm trở lại đây, bản giữ vững danh hiệu làng văn hóa và được công nhận là khu dân cư tiên tiến”.
Ngòi Vần xanh trong suốt bốn mùa, tưới mát cho những cánh đồng ở làng Vần sinh sôi. Cây vải già trăm tuổi bên đình làng Vần xưa vẫn đứng đó, chứng kiến những người con hôm nay đang kế tiếp truyền thống ông cha và làm đổi thay cuộc sống làng quê trên đất chiến khu xưa...
Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Trẻ em nhiễm HIV, ảnh hưởng bởi HIV trên địa bàn tỉnh đều là những trường hợp rất đáng thương. Nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc cả hai bố mẹ đều bị nhiễm HIV, cuộc sống rất khó khăn. Rất cần sự quan tâm về vật chất, tinh thần của gia đình và cộng đồng.
Tối 22-12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, một bộ phận không khí lạnh có cường độ mạnh đã tràn về khu vực các tỉnh miền núi Bắc nước ta.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có kết luận giao Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, kết hợp với chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ trái phép, tạo điều kiện cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 an toàn.
YBĐT - Điều hết sức đáng mừng là trong số 152 hội viên hội Cựu chiến binh ở xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có tới gần 30 đồng chí là đảng viên, 16 đồng chí là sỹ quan, 110 đồng chí là hạ sỹ quan nên bản lĩnh chính trị vững vàng.