Mù Cang Chải vui nhà “167”
- Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2011 | 10:05:29 AM
YBĐT - Con số 516 hộ nghèo có nhà dột nát được xóa trong năm 2011 đã khẳng định niềm vui của bà con dân tộc Mông nghèo ở Mù Cang Chải không còn phải sống cơ cực trong những ngôi nhà dột nát nữa khi mà tết đang đến xuân sắp về.
Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải giúp nhau dựng nhà.
|
Không biết có phải do cảm giác chủ quan của tôi hay không mà con đường lên Mù Cang Chải hôm nay dường như ngắn lại. Cái lạnh vùng cao những ngày cuối năm cũng không làm chúng tôi chùn bước để lên với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Bạn đồng hành với tôi là chiếc xe máy Wevers kêu rè rè vì đã quá nhiều lần vượt dốc. Càng gần tới Mù Cang Chải, tiết trời càng lạnh và kèm theo mưa nhẹ. Dưới màn sương trắng là màu xanh của nương rẫy, núi đồi và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn ôm chặt những bản làng định cư của người Mông.
Đến nhà anh Sùng A Nhà, bản Trống La xã Hồ Bốn, anh Nhà xởi lởi rót nước mời khách. Bên chén trà nóng, anh bắt đầu câu chuyện: Lấy vợ năm 1992 đến năm 1996 tách hộ ra ở riêng, do gia đình đông con lại khó khăn về kinh tế nên với 1000m2 đất dốc, hai vợ chồng dựng tạm căn lều tá túc qua ngày, do làm tạm bợ nên cứ 2 năm anh lại phải sửa nhà một lần để thay thế những cây cột bị mối ăn và tận dụng những mảnh gỗ pơ mu còn sót lại để sửa chỗ mưa dột. Cuộc sống hàng ngày cũng chỉ đủ ăn. Thế rồi, niềm vui được làm nhà ở theo quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ đã đến với vợ chồng anh.
Anh Sùng A Nhà, bản trống La xã Hồ Bốn được hướng dẫn làm nhà theo Chương trình 167.
Từ khi nhận tấm lợp Prôximăng và xi măng do xã đứng ra hợp đồng với đại lý vận chuyển lên cho bà con cùng 8 triệu đồng vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, chưa đầy hai tháng sau, một căn nhà mới khang trang mọc lên đảm bảo đủ tiêu chuẩn: “cứng nền, cứng mái và cứng cột”. Anh biết, không riêng gia đình anh có được niềm vui đó mà những gia đình nghèo trên địa bàn huyện Mù Cang Chải cũng được Đảng, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng nhà mới. Trong ngôi nhà vững chắc, diện tích 70m2 có đầy đủ bàn ghế, giường nằm, bếp lò nấu lớn và gác để thóc, anh Nhà thổ lộ : “Có được ngôi nhà tốt như hôm nay tôi cảm ơn Đảng và chính quyền địa phương nhiều lắm”.
Mang theo niềm vui của anh Nhà, chúng tôi tìm đến gia đình anh Hờ Su Tu, bản Chống Tông, xã Chế Cu Nha. Thấy có khách lạ, lũ trẻ con chạy túa ra đường, miệng toe toét cười rồi chỉ đường cho chúng tôi. Vào nhà, tôi chưa kịp ngồi xuống ghế, anh Tu đã khoe: “Đảng, Nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hỗ trợ 6,3 triệu đồng và nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 8 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 1,4 triệu đồng, gia đình chi thêm 5 triệu nữa để làm căn nhà mới và mua sắm thêm một số trang thiết bị sinh hoạt. Anh thấy đó, ngôi nhà cao hơn và thêm sáng. Chúng tôi thực sự cám ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”.
Có căn nhà mới khang trang, bà con bắt tay vào sửa sang lại khoảng sân trước nhà, cải tạo mảnh vườn, dựng lại hàng rào cho “ngang tầm” với ngôi nhà của mình. Dù đang bận rộn với công việc, áo ướt đẫm mồ hôi, song anh Hờ A Tủa, bản Chống Tông, xã Chế Cu Nha cũng bỏ dở công việc để tiếp chúng tôi.
Anh nói: “Tết năm nay rất khác so với những năm trước. Thôn bản quê mình đổi thay nhiều lắm. Người dân nghèo không còn phải sống cơ cực trong những ngôi nhà dột nát”. Quả thật, con số 516 hộ nghèo có nhà dột nát được xóa trong năm 2011 đã khẳng định niềm vui đó của bà con dân tộc Mông ở Mù Cang Chải. Các hộ như gia đình anh Nhà, anh Tủa, anh Tu và biết bao gia đình khác được hỗ trợ làm nhà mới đã cho thấy những người nghèo ở huyện vùng cao này luôn có sự quan tâm của các cấp, các ngành và các đoàn thể...
Anh Hờ Su Tu - bản Chống Tông, xã Chế Cu Nha cùng cán bộ xã trong ngôi nhà mới dựng.
Ngày hoàn thành nhà mới, gia chủ thường làm bữa cơm thật tươm tất mời những người đã giúp đỡ mình trong quá trình làm nhà mới. Đêm những ngày cuối năm như lạnh hơn, bên bếp lửa hồng rực sáng, mâm cơm tối với đầy đủ những sản phẩm từ nương rẫy càng thắt chặt thêm tình đoàn kết dân tộc, anh em.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Việc xóa nhà tạm cho dân đã tạo nên một bức tranh sáng nơi vùng cao này. Từ đó, người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn của mình. Có mái ấm an cư, họ tính đến chuyện lập nghiệp”. Vùng cao Mù Cang Chải hôm nay đã khoác lên mình màu xanh no ấm của những thửa ruộng bậc thang, của những nương ngô, những đồi Sơn tra và những cánh rừng đầu nguồn ngút ngàn trải rộng. Tín hiệu vui đó là bước chuyển mới về cách nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, ngành lao động, thương binh và xã hội Yên Bái đã khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các ngành tập trung thực hiện các đề án, các chính sách về an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.
YBĐT - Năm 2011, Yên Bái có trên 70 nghìn hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi, qua bình xét có 49.536 hộ được công nhận. Đã có không ít gia đình hội viên thoát nghèo, thành quả này có sự trợ giúp quan trọng của các “bà đỡ” là Hội Nông dân các cấp.
Sáng 27-12, tại Lào Cai đã diễn ra hội thảo triển khai hoạt động của dự án "Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội" (gọi tắt là ESRT) tại khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (gồm: Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu và Lào Cai).
Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ trong dịp nghỉ Tết âm lịch năm 2012 đối với cán bộ, công chức, viên chức.