Gieo chữ ở Làng Nhì
- Cập nhật: Thứ bảy, 28/1/2012 | 10:29:05 AM
YBĐT - Những ngày giáp tết, trong cái lạnh se sắt, tôi và một đồng nghiệp quyết định lên độ cao 1.800 m so với mực nước biển, nơi mà những thầy giáo, cô giáo của Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu) đang ngày đêm bám lớp, bám trường để gieo cái chữ đem ánh sáng, tri thức đến với con em đồng bào dân tộc Mông.
Trường TH và THCS Làng Nhì.
|
Người mà chúng tôi gặp đầu tiên là thầy giáo Đào Ngọc Sơn, một người có thâm niên công tác ở đây gần 12 năm. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Yên Bái, năm 2000 thầy giáo trẻ Đào Ngọc Sơn đã tình nguyện lên xã đặc biệt khó khăn này. Thầy Sơn kể: “Khi mới lên đây, nhà trường có 5 lớp nhưng chỉ có 2 phòng học tạm nên buộc phải học 2 ca và 1 lớp học ghép. Còn đường sá đi lại thì vất vả hết chỗ nói. Từ nhà (thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ) đến trường phải đi bộ gần 5 tiếng đồng hồ mà phải đi như vậy trong 5 năm liền, trên vai luôn phải mang theo hành lý như: thức ăn, đồ dùng cá nhân nữa”.
Đâu phải nói chuyện của ngày xưa mà hiện tại cũng vậy. Đường lên trường Tiểu học và THCS Làng Nhì đâu có phải bằng phẳng như ở miền xuôi mà thay vào đó là hệ thống đường dốc, đá, đất. Có nhiều đoạn đường phải vượt 3km ngược dốc rồi lại xuống dốc 2,5km. Nguy hiểm hơn, một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút.
Những người yếu bóng vía nghe mà đã sợ còn nói gì chuyện lên đây lập nghiệp, dạy học, nên mới có chuyện một số thầy cô giáo xin lên đây công tác nhưng khi chưa đến điểm trường thì đã “xuống núi” vì sợ. Còn thầy Sơn lại khác, với tư tưởng vững vàng, kiên định và lòng yêu nghề, mến trẻ nên trong suy nghĩ của thầy, người dân nơi đây làm ăn, sinh sống được, vậy không có lý gì mình không mang tri thức đến cho con em họ. Chắc có lẽ vì vậy mà đến nay, Sơn đã vượt qua bao nhiêu nỗi vất vả, khó khăn để đem ánh sáng tri thức đến cho người dân nơi đây. Nói là vậy nhưng khi mới về công tác nơi đây, khó khăn nhất đối với thầy Sơn cũng như nhiều giáo viên khác là bất đồng về ngôn ngữ và phong tục tập quán nên việc tuyên truyền, vận động cho học sinh ra lớp rất gian nan.
Từ hạn chế này, ngoài việc hàng ngày truyền đạt kiến thức cho học sinh, thầy Sơn đã tranh thủ học tiếng Mông và tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân bản địa. Nhờ vậy, đến nay vốn tiếng Mông của thầy Sơn đã khá lên nhiều, điều đó đã góp phần quan trọng giúp thầy thành công trong việc đi vận động, tuyên truyền học sinh ra lớp.
Khi được hỏi, gần 12 năm công tác anh đã bao nhiêu lần đi vận động học sinh ra lớp, thầy Sơn không nhớ nổi mà chỉ biết là cứ mỗi tuần 2 lần thầy đi thăm hỏi, vận động, tuyên truyền học sinh, các bậc phụ huynh cho con em ra lớp 2 lần.
Một giờ học của học sinh trường TH và THCS Làng Nhì. (Ảnh: Văn Tuấn)
Điều hạnh phúc nhất đối với thầy Sơn là những gia đình có ý định bắt con nghỉ học để lên nương phụ giúp bố mẹ ngày càng ít dần, bởi việc tuyên truyền vận động và nói cho các bậc phụ huynh hiểu về ý nghĩa học lấy cái chữ là cần thiết và mai sau làm người có ích cho xã hội của thầy đã được nhiều phụ huynh nơi đây thấm nhuần. Điển hình như trường hợp của em Trang Thị Trà, nhiều lần gia đình bắt nghỉ học nhưng thầy Sơn đã đến động viên, thậm chí bỏ nhiều ngày công lên nương gặt lúa cho gia đình nên Trà mới được tiếp tục đi học.
Nhờ vậy, không những Trà hoàn thành học hết bậc phổ thông mà hiện em đang theo học Trung cấp Sư phạm Mầm non ở Hà Nội. Ngoài việc truyền tải kiến thức hay đi vận động học sinh ra lớp, hiện nay, với cương vị là Hiệu trưởng của nhà trường, thầy Sơn luôn đau đáu một nỗi lo thiếu phòng học cho học sinh. Trong năm học 2011-2012, thầy Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương làm thêm 3 phòng học tạm (dựng lều che bạt), đồng thời nhường căn nhà nhỏ hai gian 14 m2 của mình cho nhà trường để làm phòng học. Điều này đã làm nhiều người dân xúc động.
Rồi chuyện cô giáo trẻ Vũ Minh Ngọc sinh năm 1986 ở Thái Bình, học Trung cấp Sư phạm tiểu học Hà Tây cũng vì quyết tâm muốn đem cái chữ cho con em đồng bào nên đã vượt bao gian nan, vất vả để ngày đêm bám lớp, bám trường. Là con gái, đường lên trường nguy hiểm nên mỗi lần xuống núi hay lên trường đều phải nhờ các thầy giáo, nhưng cô giáo Ngọc không ngại khó khăn mà bỏ cuộc. Mới vào nghề được hơn hai năm nhưng cô đã có hơn 300 lần đi vận động học sinh ra lớp.
Hiện tại cô đang chủ nhiệm lớp 5A. Khi được hỏi, cô có mong muốn gì, Ngọc cười hiền khô và nói: “lớp học của em còn thiếu 3 bộ bàn ghế”. Tôi hiểu ý Ngọc bởi cơ sở vật chất của nhà trường hiện còn gặp nhiều khó khăn, mong muốn chỉ có thêm 3 bộ bàn ghế để các em không phải ngồi ghép cũng là niềm hạnh phúc của cô.
Hay như tấm gương sáng của cô giáo trẻ Phạm Quỳnh Trang. Bố mẹ của Trang đều công tác tại trường này, nên hơn ai hết Trang hiểu cuộc sống đầy vất vả nơi đây của học sinh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hải Phòng Khoa Sư phạm Tiểu học, Trang đã trở về với con em dân tộc Mông ở Làng Nhì.
Rồi chuyện thầy giáo Đoàn Đức Hải, sinh năm 1980 quê ở Văn Chấn, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Yên Bái, năm 2004 Hải bắt đầu lên công tác ở đây.
Gắn bó với con em vùng cao này 7 năm, vợ dạy học ở xã Gia Hội, Hải phải gạt bỏ chuyện gia đình sang một bên để từng ngày, từng giờ đem cái chữ cho học sinh nơi đây. Hải tâm sự: “Học sinh nơi đây khác hẳn với học sinh ở miền xuôi, lớp có học sinh là chúng tôi mừng lắm rồi, còn chuyện chất lượng thì không thể bằng các vùng thấp được”.
Việc lên lớp dạy học thì không có gì đáng ngại, ngoài việc trường, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mà lo nhất là việc duy trì tỷ lệ học sinh đến trường. Vì vậy, ngoài việc dạy học, Hải cùng nhiều đồng nghiệp khác trong nhà trường thường xuyên “cơm gói” xuống bản để vận động học sinh ra lớp. Hơn 7 năm gieo chữ ở vùng cao, Hải không nhớ mình đã vượt qua bao nhiêu đèo, lội bao nhiêu con suối, đến bao nhiêu hộ dân để vận động học sinh ra lớp, nhưng điều hạnh phúc nhất với Hải là đã vận động được nhiều phụ huynh đồng ý cho con em tiếp tục đến trường đi học, tiêu biểu như ông Giàng Pàng Co, bố của em Giàng Thị Dê ở bản Háng Đay...
Hiện nay, Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì có 20 phòng học thì 100% là phòng học tạm, (trong đó có 9 phòng tranh tre, nứa lá, lán bạt) với gần 400 học sinh. Với tấm lòng yêu nghề của các thầy cô giáo như: thầy Sơn, thầy Hải, cô Ngọc, cô Trang... đang ngày đêm đem cái chữ đến với con em dân tộc Mông ở Làng Nhì nên chất lượng giáo dục nơi đây từng bước được chuyển biến. Nếu như năm 2005, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt 50% và tỷ lệ chuyên cần đạt 60% thì đến nay số tương ứng lần lượt là 93,2% và 90%.
Kết thúc năm học 2010-2011, nhà trường có 59/294 học sinh khá, giỏi. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp 5 và lớp 9 đạt 100%. Đó là những kết quả, là động lực quan trọng giúp các thầy cô giáo tiếp tục sự nghiệp “trồng người” nơi đại ngàn xa thẳm này.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Tốt nghiệp ra trường năm 1996, cô bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Kim Nhung tình nguyện xin về công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Giờ đã là Trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, kiêm Bí thư Chi bộ Khối, bác sỹ Nguyễn Thị Kim Nhung không thể nhớ hết đã có bao nhiêu trẻ sơ sinh của tỉnh Yên Bái được cứu sống từ buồng điều trị sơ sinh này. Chỉ biết rằng từ bàn tay “vàng” và sự tậm tuỵ chuyên tâm của chị ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân nhi hy vọng được cứu sống.
YBĐT - Từ thời xa xưa, thú chơi cây cảnh đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Cứ mỗi độ tết đến xuân về mỗi người, mọi nhà lại chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cảnh hay đi mua sắm một bình hoa, cây quất, gốc đào thế thật đẹp để tôn thêm vẻ đẹp không gian của ngôi nhà trong mỗi gia đình.
YBĐT - Một mùa xuân mới đã về, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đâu đâu ta cũng thấy ngập tràn sắc hoa, ánh đèn chào đón năm mới Nhâm Thìn 2012.
YBĐT - Là phiên chợ tết đông nhất trong năm cũng là phiên chợ phiên cuối cùng của năm nên chợ quê Phúc An – phiên chợ quê mang đậm nét đặc trưng của vùng Đông hồ Thác Bà này thu hút được sự quan tâm của người dân khắp mọi nơi trong vùng. Cũng như bao chợ quê ngày tết, người quê mang đến phiên chợ này đủ các thứ sản vật của vườn nhà, của rừng và của hồ Thác.