Nhân lên tình yêu thương
- Cập nhật: Thứ tư, 29/2/2012 | 2:54:20 PM
YBĐT - Những câu chuyện vui kiểu như cô giáo phải nghe học sinh của mình ra hiệu hay nhờ bạn bè “phát sóng ngang” rồi phiên dịch lại mới hiểu học trò của mình muốn gì…, tôi đã nghe, đã thấy ở nhiều trường học nơi vùng cao Yên Bái. Nhưng, những câu chuyện đại loại như thế ở một ngôi trường tiểu học nằm ngay giữa lòng thành phố Yên Bái - Trường Tiểu học Lê Văn Tám thì có lẽ chỉ có một.
Cô giáo Lê Thị Thu Phương và em Háng A Gì trong giờ học.
|
Điều làm nên sự khác biệt ấy chính là đối tượng học sinh ở đây. Ngay từ năm 2000, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Yên Bái đã tiếp nhận trẻ em mồ côi từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh về học tập. Dẫu chỉ có trên 30 em nhưng tất cả những học sinh này đều là con em đồng bào dân tộc Mông đến từ các xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn... Trong số các em được may mắn học tập tại ngôi trường này, buổi đầu không ít em chưa hề biết tiếng phổ thông, cũng chưa một lần được học qua lớp 36 buổi trước khi vào lớp 1… nên việc dạy chữ, rèn người của các cô giáo ở đây gặp không ít khó khăn.
Cô giáo Trần Thị Kim Dung - Chủ nhiệm lớp 1A tâm sự: “Cũng vì thiệt thòi do không được học qua lớp 36 buổi, lại ngọng trong phát âm, thậm chí có nhiều em chưa biết nói tiếng phổ thông nên việc kèm dạy các em quả là vất vả, đòi hỏi người thầy phải kiên trì, thậm chí là rất khổ công. Dạy trên lớp không thể đủ thời gian nên chúng em thường phải đến sớm hơn, về muộn hơn, không có cả giờ ra chơi, giờ nghỉ giải lao, nói chung là tranh thủ mọi thời gian có thể để kèm dạy cho những học sinh đặc biệt này. Ngoài ra, còn phải tổ chức cho các em học nhóm để được hòa đồng, được trao đổi bài và cũng là để được rèn thêm khả năng phát âm và kỹ năng giao tiếp. Khó khăn nhất là môn Tiếng Việt, còn môn Toán thì ngược lại, nhiều em học rất tốt. Cũng rất thương các em vì việc học vất vả nhưng nếu không làm như thế các em sẽ không thể theo kịp bạn cùng lớp, thành tích thi đua của lớp, của cô, của trường cũng bị kéo xuống. Thực tế, đã có những học sinh 3 năm không qua được lớp 1 cũng chỉ vì phát âm chưa được...”.
Khó khăn trong giảng dạy cộng thêm áp lực về chất lượng đối với nhà trường đã đạt chuẩn quốc gia khi vẫn còn có những học sinh dân tộc thiểu số học lực yếu khiến các thầy giáo cô giáo ở đây càng thêm phần trách nhiệm. Đi sớm, về muộn, thậm chí là không có cả giờ nghỉ giải lao trên lớp, thời gian trong ngày các cô dành trọn cho những học trò đặc biệt của mình, phần vì thành tích học tập chung của trường, của lớp, phần vì thực sự thương yêu và mong được bù đắp cho các em những thiếu hụt tình cảm của mẹ cha. Từ quyển sách, quyển vở, hộp bút màu, chiếc cặp tóc, đôi hoa tai nhựa bé xíu hay đôi ba chiếc quần áo ấm đã cộc, chiếc cặp sách năm trước của con cái mình… đều được các thầy cô san sẻ cho các em như cho chính những đứa con của mình.
Đến ngôi trường này, tôi còn được các thầy cô giáo ở đây kể cho nghe câu chuyện cảm động về cô giáo Lê Thị Thu Phương - giáo viên chủ nhiệm của hai anh em mồ côi người Mông Háng A Gì và Háng A Sử cùng học lớp 5. Thương các em thiệt thòi côi cút, những ngày nghỉ cuối tuần, cô Phương lại xin phép Ban Giám hiệu nhà trường và lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đón các em về nhà mình chăm chút, dạy bảo bởi với cô đó là “việc nên làm”.
“Em chỉ nghĩ rằng không có cha mẹ, gia đình đã là một điều thiệt thòi quá lớn. Các em học sinh của trường đến từ Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh đều là những trẻ em ở trong hoàn cảnh đó, rất đáng thương. Với Gì và Sử, em chỉ mong các cháu được hưởng chút không khí ấm cúng của gia đình nên thường xin phép đón các cháu về nhà mình, nấu một vài món ăn ngon, kèm dạy thêm cho hai anh em... Em thấy vui khi làm được điều này” - cô giáo Phương bộc bạch.
Không chỉ cô Phương mà các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã và đang tự nguyện làm tất cả những điều đó chỉ bởi một suy nghĩ: “Với các em, còn gì thiệt thòi hơn là không cha không mẹ, thậm chí không cả gia đình”. Bởi thế, dù mệt nhọc, vất vả hơn bội phần so với việc kèm cặp học sinh thành phố, song mỗi thầy cô giáo ở đây lại cảm thấy rất tự hào. Tự hào bởi có những học trò dân tộc Mông 5 năm liền là học sinh giỏi, trong số đó có những em đã vinh dự được nhận học bổng Vinamilk, học bổng “Bạn tôi người vượt khó”, đạt giải trong các cuộc thi viết chữ đẹp, thi tiếng hát Măng non, tiếng hát Họa mi của thành phố, mang về niềm vinh dự cho cô, cho trường như: Giàng A Chử, Háng A Gì, Giàng Thị Dở, hay như Hờ A Lao liên tục 5 năm liền là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Lê Văn Tám, hiện em đang học tập tại Trường THCS Yên Thịnh (thành phố Yên Bái).
Với các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lê Văn Tám, sự tiến bộ từng ngày và thành tích học tập vượt bậc của mỗi học sinh đặc biệt này là phần thưởng vô giá, chứa đựng cả mồ hôi, nước mắt, tình yêu thương và niềm tin gửi gắm mong các em khôn lớn trưởng thành.
Phạm Minh
Các tin khác
Trong số 4.160 thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có 2.074 em đoạt giải, đạt tỷ lệ gần 50%.
YBĐT - Với chức năng tư vấn việc làm, học nghề, giới thiệu việc làm, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động..., những năm qua, tập thể cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm Yên Bái không ngừng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ.
Trong tuần qua có thêm 1.403 trường hợp mắc tay chân miệng mới được xác nhận, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh trong hai tháng đầu năm là trên 7.700 trường hợp, chín ca tử vong.
Ngày 28/2, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái tổ chức lễ kỉ niệm 57 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2012) và đón nhận Chứng chỉ ISO 17025: 2005.