Hiệu quả từ mô hình “Cổng trường an toàn”

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/4/2012 | 3:00:19 PM

YBĐT - Được chính thức triển khai từ đầu năm, đến nay mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” của Trường Tiểu học Sơn Thịnh, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Các em học sinh trong đội cờ đỏ làm nhiệm vụ phân luồng khi tan trường.
Các em học sinh trong đội cờ đỏ làm nhiệm vụ phân luồng khi tan trường.

Tại đây không còn cảnh ùn tắc, chen lấn, xô đẩy thậm chí va chạm như trước mà thay vào đó là sự trật tự, an toàn và chấp hành nghiêm Luật ATGT.

Có mặt tại cổng Trường Tiểu học Sơn Thịnh vào thời điểm 16 giờ 20 phút chỉ còn hơn 10 phút nữa là đến giờ tan tầm. Trái với cảnh nháo nhác, lộn xộn tại nhiều cổng trường, mỗi phụ huynh đến đón con đều dựng xe ngay ngắn bên lề đường theo vạch phân luồng.

Chị Đoàn Thị Thương, phụ huynh cháu Vũ Phương Thanh, học sinh lớp 3B cho biết: “Trước đây mỗi khi tan trường là con đường này trở nên ùn tắc, chật cứng không thể đi nổi. Từ khi nhà trường kẻ vạch phân luồng, hướng dẫn cách dừng đỗ xe theo đúng quy định thì cảnh tượng này đã không còn”.

Vừa dựng lại chiếc xe ngay ngắn theo đúng vạch phân luồng, chị Trần Thị Bích, mẹ của học sinh Nguyễn Tiến Thành, lớp 3A cho biết thêm: “Từ khi để xe theo hướng dẫn của nhà trường, các cháu tan học dễ tìm bố mẹ hơn, lại tránh được tình trạng lộn xộn mỗi khi tan trường”.

Thầy Trần Văn Huy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thịnh cho biết: “Nhà trường hiện có 27 lớp học với trên 700 học sinh, do vậy việc đảm bảo ATGT cho các em học sinh mỗi khi tan tầm được Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt coi trọng”.

Được biết, cùng với Trường Tiểu học Sơn Thịnh thì tuyến đường vào thôn Thác Hoa còn có thêm 4 trường đóng tại khu vực này là: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trường Trung học phổ thông Sơn Thịnh, Trường Phổ thông cơ sở Sơn Thịnh.

Do vậy, mỗi khi tan tầm thường có trên 2.000 học sinh tràn ra đường, đó là còn chưa kể tới lượng xe phụ huynh đưa đón học sinh thường xuyên gây tắc nghẽn ngoài cổng trường. Trong khi đó, mặt đường chỉ rộng trên 3m nên việc ùn tắc, va chạm tại khu vực này là điều không thể tránh khỏi.

Từ khi nhà trường thực hiện, duy trì mô hình “Cổng trường ATGT” thì việc ùn tắc, va chạm giao thông trước cổng trường đã được hạn chế rất nhiều.

Sau tiếng trống báo hiệu tan trường, học sinh các lớp dưới sự hướng dẫn của tổ ATGT của nhà trường xếp thành từng hàng dài rồi di chuyển ra khỏi cổng trường theo các vạch phân luồng. Không còn cảnh nhốn nháo, ùn tắc trước cổng trường mà thay vào đó là sự vui vẻ, trật tự sau mỗi giờ tan trường.

Cô giáo Phan Thị Thắm, giáo viên tổng phụ trách, Phó ban ATGT của trường cho biết: Để hạn chế tình trạng ùn tắc, lộn xộn trước cổng trường vào các giờ tan tầm, ngay từ đầu năm nhà trường đã thành lập Ban ATGT bao gồm các thành viên là ban giám hiệu, giáo viên chuyên môn và các em học sinh thuộc đội cờ đỏ. Trên cơ sở đó, nhà trường đã tiến hành kẻ vạch, phân luồng để hướng dẫn phụ huynh và học sinh đưa đón, ra về theo đúng hàng lối”.

Cũng theo cô Thắm, để duy trì tốt mô hình “Cổng trường ATGT” nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền các em học sinh, các bậc phụ huỵnh thực hiện tốt Luật ATGT từ việc đội mũ, đến việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật ATGT.

Bên cạnh đó, nhà trường còn lồng ghép việc tuyên truyền Luật ATGT trong các buổi học và sinh hoạt ngoại khóa, tổ ATGT của nhà trường được chia thành 2 nhóm, phân chia nhau hoạt động theo các ngày trong tuần.

Thầy Hoàng Văn Hom, Phó hiệu trưởng, Trưởng Ban ATGT nhà trường cho biết: “Ban đầu khi mới thực hiện nhà trường gặp rất nhiều khó khăn bởi mật độ xe đưa đón lớn, trong khi nhiều bậc phụ huynh không có thái độ hợp tác nhưng với sự nhiệt tình, quyết tâm của nhà trường đến nay nhận thức của các bậc phụ huynh đã thay đổi nhiều. Không còn cảnh dừng đỗ xe lộn xộn, dàn hàng ngang trước cổng trường mà thay vào đó là sự trật tự, ngăn nắp và chấp hành nghiêm chỉnh Luật ATGT”.

Trong khi nhiều nơi, nhiều trường học vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán đảm bảo ATGT trước các cổng trường học thì những hiệu quả thiết thực từ mô hình “Cổng trường ATGT” của Trường Tiểu học Sơn Thịnh thực sự cần được các cấp, các ngành nghiên cứu, nhân rộng và duy trì có hiệu quả.

Hùng Cường

Các tin khác
Biểu diễn chào mừng Hội thi của các giáo viên Trường Mầm non Bông Sen.

YBĐT - Sáng ngày 12/4, Hội thi “Giáo viên dạy giỏi, nấu ăn giỏi và thi triển lãm đồ chơi tự tạo cấp học mầm non” tỉnh Yên Bái, năm học 2011 – 2012 đã chính thức khai mạc tại Trường Mầm non Thực Hành, TP Yên Bái.

Đa số trẻ em dân tộc Dao ở Yên Bái được đến trường.

YBĐT - Là xã vùng hai của huyện Văn Yên, điều kiện cơ sở hạ tầng còn thiếu, song những năm vừa qua, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em (CS - BVTE) của xã Xuân Ái luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã giúp công tác này ở xã gặt hái khá nhiều thành công.

YBĐT - Chưa đầy 2 tháng nữa, các em học sinh lớp 12 trên toàn quốc sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012, một kỳ thi quyết định tương lai của các em. Đến thời điểm này, thầy và trò Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa giao Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường Đại học - Cao đẳng (Đề án 911) chia làm 2 giai đoạn: 2012-2015 và 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục