Khi sinh viên đi thực tập
- Cập nhật: Thứ hai, 16/4/2012 | 4:31:12 PM
YBĐT - Thực tập là cầu nối quan trọng giữa lý thuyết và thực tế. Nhưng để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trong quãng thời gian này không phải là dễ dàng, nhiều bạn trẻ đã phải trải qua không ít những khó khăn.
Sinh viên Trường Cao đẳng Y Yên Bái thực tập đo huyết áp cho bệnh nhân tại viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
|
Thực tập – cơ hội rèn nghề
So với thời gian học tập lý thuyết trên trường, những ngày đi kiến tập, thực tập không nhiều nhặn nhưng rất được các bạn sinh viên quan tâm.
Bởi ở đây, các bạn được tiếp xúc với môi trường làm việc, được tự mình bươn trải và áp dụng những kiến thức, kỹ năng ngành nghề đang theo học vào thực tế.
Ngoài ra, trong khi thực tập, sinh viên cũng có cơ hội quan sát, hiểu được những yêu cầu của nghề nghiệp và tự đánh giá được những ưu khuyết điểm của bản thân.
Sinh viên sư phạm cũng vậy, thực tập là thời gian các bạn được đứng lớp trực tiếp giảng dạy, xử lý các tình huống sự phạm và điều hành các hoạt động của lớp được phân công chủ nhiệm.
Vừa kết thúc đợt thực tập tại Trường THCS Yên Thịnh, TP Yên Bái, bạn Lê Thị Tố Uyên lớp Địa lý 09, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái hào hứng nói: “Sau đợt thực tập vừa rồi mình cảm giác yêu nghề hơn, tự tin và có kinh nghiệm lên lớp.
Chẳng hạn như kinh nghiệm về tổ chức hoạt động đoàn, đội, soạn giáo án, điều chỉnh các tình huống sư phạm, có kinh nghiệm tổ chức lớp”.
Còn với sinh viên Trường Cao đẳng Y tế, bạn Trần Hữu Công, lớp 43C2 cho biết:
"Thực tập là rất quan trọng vì giữa học lý thuyết và thực tập có điểm khác nhau. Mình đã có được cách tiếp xúc, quan sát bệnh nhân và rèn tác phong nghề nghiệp. Mặc dù còn gặp phải những khó khăn nhưng mình vẫn mong có nhiều thời gian hơn tại bệnh viện".
Quá trình thực tập sẽ là mốc quan trọng để đánh giá năng lực của từng sinh viên. Ví như với sinh viên trường báo chí, để xác định được ai là người có năng khiếu nghiệp vụ sẽ phụ thuộc vào những nhận xét đánh giá tại cơ quan tiếp nhận thực tập, tác phẩm đã đăng tải và bản thu hoạch, đúc rút kinh nghiệm của sinh viên.
Với sinh viên trường nghề học nghề, đó là giúp sinh viên nắm được mục tiêu thực tập tại doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiểu rõ được ngành học và khả năng sức khỏe.
Ngoài ra còn giúp nhà trường tiếp cận được với cơ sở để có thể cải tiến phương pháp giảng dạy thích hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhất và có kế hoạch phát huy những thế mạnh, khắc phục điểm yếu kém cho các bạn trẻ trước khi bước vào môi trường làm việc thực tế.
Và những khó khăn
Thực tập mang lại nhiều bài học bổ ích như vậy nhưng các bạn sinh viên đã gặp những khó khăn nhất định. Với mỗi chuyên ngành sẽ có những khó khăn khác nhau.
Trần Hữu Công chia sẻ: “Mình đang thực tập Lâm sàng, đợt thực tập thực sự vất vả vì không theo giờ giấc, mình học cả ngày, chiều ra viện, tối lại trực đêm.
Nhưng khó khăn hơn là mình gặp nhiều bệnh nhân không tin tưởng sinh viên mà đòi gặp bác sĩ nên cơ hội được thực hành lại càng ít. Tình huống mà mình nhớ nhất là khi có một em bé bị viêm phổi cấp, mình cho em bé thở oxi nhưng không qua được, lúc đó mình sợ lắm, còn run nữa vì lần đầu tiên mình gặp trường hợp này, chứng kiến bệnh nhân chết”.
Không như Công, một số bạn gái sợ hãi khi chứng kiến cảnh bệnh nhân bị tai nạn, xây xát, chảy máu hay chạy đi chỗ khác không dám quan sát khi bác sĩ thực hiện cứu chữa.
Cùng chung cảnh ngộ với sinh viên Y, Trần Ngọc Đỉnh, lớp Địa lý 09, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái cũng gặp không ít khó khăn: “Vì mình chưa có nhiều kinh nghiệm, nên trong giảng dạy không ít tình huống sư phạm xảy ra, nhưng mình không biết nên giải quyết hay không, nếu giải quyết hết thì có thể cháy giáo án.
Khó khăn lớn nhất là có nhiều em học sinh không ủng hộ, hợp tác với mình. Một lần mình làm giám sinh coi thi, đã có một em học sinh nhìn bài của bạn, khi cậu bạn kia không cho xem, em đã gây gổ đánh nhau ngay trong phòng thi.
Lúc đó, mình cũng run và lo chẳng biết làm sao. Cũng may có một giám sinh khác cùng coi thi nhắc mình và mình đã kịp thời báo lên ban giám hiệu nhà trường để xử lý”.
Để thực tập tốt hơn
Để khắc phục được những khó khăn trên, ông Đỗ Duy Thái - Trưởng phòng Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho rằng: “Các bạn sinh viên phải chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp, ôn lại và nắm chắc những kiến thức lý thuyết đã được học, chủ động tiếp xúc và giải quyết các tình huống khó vì khi đi làm nếu gặp phải những tình huống đó thì các em đã từng trải qua một lần rồi. Các trường giới thiệu học sinh thực tập cũng nên liên hệ để sinh viên được trải nghiệm thực tế tại các cơ sở".
"Trường Cao đẳng Nghề chúng tôi đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài nước để các em tiếp cận với công nghệ hiện đại, tác phong công nghiệp” - Ông Thái chia sẻ.
Cô Vũ Thị Bích Liên giảng dạy tại Trường Mầm non Hồng Ngọc, phường Yên Ninh, TP Yên Bái: “Theo mình, các bạn sinh viên nên có thái độ, tinh thần tích cực, phải tuân thủ các nội quy nơi bạn thực tập, luôn lắng nghe và quan sát người hướng dẫn thực tập, khi thực hiện công việc gì cũng nên xin phép trước và phải tôn trọng anh chị em công nhân viên”.
Điều quan trọng quyết định đến kết quả thực tập của mỗi sinh viên là ở chính bản thân mỗi cá nhân. Các bạn nên xác định rõ mục tiêu thực tập, bám sát mục tiêu đó trong quá trình viết bài thu hoạch, đưa ra những thắc mắc để tham khảo thầy cô giảng viên, thu thập thông tin có liên quan đến nội dung đề tài khóa luận, phỏng vấn những cá nhân, tập thể có liên quan, so sánh giữa thực tế cơ sở và lý thuyết.
Cố gắng hành xử một cách chuyên nghiệp, tham gia những cuộc họp thường kỳ với người hướng dẫn thực tập, cởi mở, hòa đồng để học hỏi những kỹ năng và phương pháp luận mới.
Thực tế, nhiều bạn gặp khó khăn trong việc tìm nơi thực tập, để giải quyết tình huống này, ngay khi đang học tập trên trường, các bạn hãy tận dụng cơ hội ở ngày hội việc làm hay những buổi học tập ngắn tại cơ sở.
Cuối cùng, thường xuyên liên lạc với các bạn cùng học và đang thực tập tại cơ sở khác cũng là một trong giải pháp hữu hiệu giúp bạn chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm.
Vũ Thị Thúy
Các tin khác
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đang triển khai nhiều hình thức khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đối với giáo dục trong nhà trường, tăng phần thưởng cho học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo, vượt khó...
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành và Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo các sở GD-ĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng tích cực chuẩn bị, tổ chức nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012.
YBĐT- Những năm qua, Trạm Y tế xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã nỗ lực không ngừng nâng cao chất chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, nhờ đó mà 7 năm liên tiếp, Trạm duy trì và giữ vững danh hiệu này.