Giây phút thần tiên
- Cập nhật: Thứ hai, 30/4/2012 | 8:33:15 AM
YBĐT - ... Đầu tháng 10 năm 1974, Tây nguyên bắt đầu vào thời kỳ hết mùa mưa nên cũng chỉ còn lác đác vài cơn nhỏ trong ngày, đã có nhiều giờ nắng hơn, quần áo đỡ hôi hám. Một hôm đại đội trưởng cho gọi 2 anh em là tôi và Hòa “con” cùng là lính vô tuyến lên gặp riêng, nhận nhiệm vụ cùng một tổ đi trinh sát tuyến...
Vài ngày lang thang trong rừng già và núi cao hiểm trở, có cả những thác nước rất hùng vĩ, chim kêu vượn hú, voi nai hoẵng đủ cả, một hôm chúng tôi đã thoát ra khỏi rừng già và có chiều hướng đi xuôi dốc đến những cánh rừng bằng phẳng hơn. Chúng tôi đứng nấp ở bìa rừng nhìn thấy thành phố, mấy trinh sát bảo đó là Gia Nghĩa. Từ đây chúng tôi phải đi lom khom nấp dưới những rặng cỏ tranh cao đến cổ, mỗi người đều phải ngụy trang bằng chính lá cỏ tranh.
Đến một đoạn có lối mòn nhẵn, biểu hiện có nhiều người đi lại, bọn tôi được nhắc chú ý mìn, nếu thấy cỏ tranh hai bên đường buộc lại với nhau thì không được làm đứt mà phải bò luồn qua bên dưới, tốc độ di chuyển rất chậm, thỉnh thoảng các vị chỉ huy và cánh trinh sát lại nấp kín bên những lùm cây và chĩa ống nhòm về phía thị xã, họ ghi ghi chép chép rất nhiều. Đến hàng rào thứ nhất ước chừng cách thị xã hơn 1km, chúng tôi dừng lại chờ trời tối.
Bắt đầu từ tối đó là ăn lương khô, giấy gói lương khô phải vo lại và bỏ vào gùi không được vứt ra rừng. Tối đó chúng tôi bò vào hàng rào thứ nhất êm gọn, rồi hàng rào thứ 2 cách đó độ 200m cũng êm luôn. Đến nửa đêm chuẩn bị vào hàng rào thứ 3, ông Hảo (chỉ huy) ra lệnh cho tôi, Hòa “con” và một lính trinh sát mới chưa nhiều kinh nghiệm ở lại nằm im để chờ họ… Cũng phải gần trưa thì cánh trinh sát kia mới tìm lại được chúng tôi.
Đoàn chúng tôi được lệnh rút quân, như vậy là đã hoàn thành được công việc trinh sát bí mật nắm tình hình địch trong khu Gia Nghĩa… Lần này quay về không theo con đường cũ, trinh sát lại dùng bản đồ cắt một con đường khác, khó đi hơn cả lúc vào. Họ nói là đường này đi gần hơn và cũng mạo hiểm hơn vì có chỗ sẽ phải đi rất gần căn cứ đóng quân của địch để nắm thêm tình hình…
Chúng tôi lại đi vào khu rừng già ẩm ướt, bắt đầu leo những dốc rất cao, cây rừng rậm rạp. Tới một quả đồi tương đối bằng phẳng chúng tôi được lệnh nghỉ giải lao vì đi đã khá dài, lúc đó có thể đến 1 giờ sáng. Từng người tìm chỗ để ngồi rồi nằm ngả nghiêng thậm chí còn dựa vào gốc cây ngủ ngay được vì quá mệt. Anh Thạch và ông Hảo cùng với vài lính trinh sát thì vẫn đứng và đang nhỏ to điều gì.
Anh Thạch rẽ ra một góc, bỗng anh ấy kêu hơi to: “Cái gì đây bay?” chưa kịp có ai trả lời thì một tiếng nổ gọn và khô nhưng cũng không lớn lắm, anh Thạch ngã gục. Ông Hảo cầm chiếc đèn pin “cổ ngoéo” soi thì thấy trên người anh máu chảy tứ tung, chúng tôi bàng hoàng còn chưa hiểu điều gì xảy ra, kiểm tra thêm thì có 2 trinh sát bị sứt sát nhẹ hơn nhưng cũng có chảy máu.
Chúng tôi băng rừng chạy nối đuôi nhau, 2 trinh sát to khỏe nhất cõng anh Thạch, trên người anh máu chảy rất nhiều và hầu như chảy khắp nơi, ướt đầm cả áo quần. Anh Thạch lả dần, mặc dù đã băng bó và tìm mọi cách cầm máu nhưng không được, anh đã trút hơi thở tại cánh rừng này… Chúng tôi mai táng anh Thạch. Không dám đắp cao, sau khi lấp đất mỏng thì vừa đầy hố, chúng tôi xếp đá, dùng cây cỏ phủ lên để ngụy trang, ông Hảo dùng chì đỏ đánh dấu trên bản đồ vị trí anh Thạch nằm, cả đoàn người không ai nói câu gì nữa.
Tôi nhớ có lần anh Thạch kể quê anh ở Hưng Yên, bố anh làm ngoài Bộ Tổng tham mưu. Sau khi nhập ngũ anh được đi học ở Liên Xô. Trở về anh tình nguyện vào chiến trường, lúc đó con trai đầu anh mới vài tháng tuổi. Vợ anh là giảng viên của một trường Đại học ở Hà Nội, chị tự chụp rất nhiều kiểu ảnh của 2 mẹ con để gửi vào chiến trường cho anh. Anh cho chúng tôi xem những tấm ảnh đó khi đang nằm chờ tập trung ở Sư đoàn, khi anh hy sinh, lúc kiểm lại tư trang của anh vẫn thấy những tấm ảnh đó.
Người như anh Thạch lúc đó ở chiến trường rất hiếm, anh được học có bài có bản ở Liên Xô về hiệp đồng chiến đấu quân binh chủng theo lối chiến tranh hiện đại. Cấp trên đưa anh đi trinh sát chiến dịch là để có cách nhìn khoa học, từ đó hoạch định một kế hoạch tác chiến có quy mô hiện đại. Anh hy sinh là một tổn thất lớn chẳng những cho gia đình anh mà còn cả với đơn vị và quân đội nữa. Tôi thì ngưỡng mộ anh thật sự vì anh cái gì cũng biết. Tôi hay hỏi chuyện anh, đôi khi hỏi cả những điều cao siêu về khoa học, hầu như anh trả lời đều thỏa đáng dễ hiểu. Chúng tôi vô cùng tiếc thương anh...
… Sáng 30 tháng 4 năm 1975, tôi được lệnh cùng trung đội thông tin 2w nhanh chóng cơ động theo bộ binh… Kẹt ở Ngã tư Bẩy Hiền một lúc rồi chúng tôi cũng tới được trạm phẫu dã chiến của đơn vị ngay cửa ngõ Tây Sài Gòn, đúng lúc này chúng tôi nhận được tin Sài Gòn thất thủ, Dương Văn Minh đã đầu hàng. Chúng tôi nhảy cẫng reo vang, phút chốc quên mất nhiệm vụ làm công tác chính sách, phải một hồi sau vào việc tôi mới chạnh lòng tiếc xót cho mấy anh em cùng trung đoàn vì các bạn đã không được chứng kiến giây phút thần tiên này!...
Huy Văn (Lược ghi theo lời kể của ông Phạm Vĩnh Cường - Cựu chiến binh K42, Sư đoàn 10)
Các tin khác
Tối 29-4, tại TP Cần Thơ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Dạy nghề Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức Liên hoan “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ III năm 2012.
Theo thống kê từ ban tổ chức, cuộc thi giải toán qua Internet - ViOlympic năm học 2011 – 2012 đã có gần 3 triệu học sinh tham gia; và gần 3000 học sinh lọt vào vòng thi chung kết toàn quốc.
YBĐT - Nhân ngày Kiến trúc sư Việt Nam 27/4, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Yên Bái đã tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên.
Trong những ngày cuối tháng tư lịch sử, từng dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại về với mãnh đất Quảng Trị - nơi từng được ví là “miền đất lửa” để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì tổ quốc.