Lương thấp, bộ máy cồng kềnh dễ phát sinh tiêu cực

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/5/2012 | 8:06:47 AM

Theo kết quả khảo sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, mức lương tối thiểu công chức áp dụng từ 1-5-2012 là 1,05 triệu đồng/tháng và kể cả 25% phụ cấp công vụ cũng chỉ đạt gần 48,6% nhu cầu sống tối thiểu.

Đối với khối doanh nghiệp, từ tháng 10-2011, các doanh nghiệp đã áp dụng mức lương tối thiểu theo 4 vùng (vùng cao nhất đạt mức khoảng 2 triệu đồng/tháng, cao hơn so với công chức 68% - 141%). Tuy nhiên, về cơ bản mức lương này mới bằng 57,4% - 62,9% nhu cầu sống tối thiểu. Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có cuộc chia sẻ với phóng viên báo chí về những vấn đề xoay quanh chuyện thu nhập và đời sống của người lao động (NLĐ) hiện nay.

* PV: Thưa ông, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tâm tư lớn nhất của NLĐ là gì?

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

* Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Tâm tư lớn nhất của NLĐ trong bối cảnh khó khăn hiện nay là sợ mất công ăn việc làm, nhất là khi nhiều DN đang lâm vào tình cảnh phá sản. NLĐ chỉ muốn gắn với DN lâu dài, có việc làm với thu nhập ổn định, đời sống của họ sẽ ngày càng được nâng lên.

Hôm rồi khi Quốc hội thảo luận Bộ luật Lao động sửa đổi, có ý kiến đề nghị tăng thêm giờ làm vì cho rằng NLĐ muốn làm thêm. Cực chẳng đã họ mới phải làm thêm vì đồng lương thấp, không bảo đảm cuộc sống. Nhất là những NLĐ phải xa gia đình, đi làm việc tại các khu công nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, họ phải kiếm tiền để chi trả mọi thứ của cuộc sống, tằn tiện để kiếm thêm từng đồng gửi về cho gia đình vì đồng lương eo hẹp. Còn nếu lương được trả cao, tương xứng với công sức lao động bỏ ra thì tôi chắc chắn chẳng NLĐ nào muốn làm thêm. Vì vậy, người làm chính sách phải hiểu được thực tế của NLĐ để chính sách đó phù hợp, đi vào cuộc sống. Công đoàn hoàn toàn không đồng tình việc tăng giờ làm thêm.

* Tại sao chủ sử dụng lao động chỉ muốn tăng giờ, tăng ca?

* Vì DN luôn muốn làm sao chi phí thấp nhất mà hiệu quả cao nhất. Nếu giảm giờ làm xuống thì họ sẽ phải tuyển thêm lao động để bảo đảm năng suất. Tuyển thêm họ phải đóng thêm bảo hiểm xã hội, thêm chi phí nên cách tốt nhất là họ tăng ca, tăng giờ làm. Đó là DN chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, nếu DN có tầm nhìn xa họ phải hiểu, cực chẳng đã trong trường hợp giao hàng gấp quá thì phải tăng giờ, tăng ca, còn họ nên sử dụng NLĐ theo cách năng suất cao nhất chứ không phải tăng giờ, tăng ca. Nếu DN thấy vốn quý nhất của họ chính là NLĐ thì họ phải chăm sóc NLĐ thật tốt, có sức khỏe, tinh thần, kỷ luật tốt để bảo đảm năng suất lao động cao nhất. Đó là cách để duy trì sức mạnh của DN về lâu về dài, chứ không phải tìm cách “bóc lột” hết sức lực NLĐ.

Hiện nay giờ làm việc cũng có sự bất bình đẳng. Tại sao Quốc hội thông qua Luật Cán bộ viên chức quy định tuần làm việc chỉ 40 giờ, còn NLĐ lại làm việc tuần 48 giờ, chưa kể còn định tăng giờ làm thêm. Điều này là không đúng đối với tuyệt đại bộ phận NLĐ. Bởi thế, tôi đề nghị lần sửa đổi Bộ luật Lao động này phải giảm thời gian làm việc của NLĐ xuống 40 giờ/tuần, như vậy NLĐ mới có thời gian chăm sóc gia đình, tái tạo sức lao động, có cuộc sống về văn hóa, tinh thần.

* Có vẻ như mức lương trả cho NLĐ hiện nay quá thấp, họ phải chịu thiệt thòi mà chưa được cơ chế bảo vệ?

* Thực tế hiện nay lương tối thiểu do Nhà nước quy định rất thấp, DN thì luôn nói là chúng tôi đã trả lương cao hơn mức lương do Nhà nước quy định. Lương tối thiểu không bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu của NLĐ nên DN lại tìm cách thu hút NLĐ bằng cách tăng thêm các khoản phụ cấp khác (tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại, phụ cấp chuyên cần, quần áo). Bản chất của tất cả các phụ cấp này là lương nhưng họ lại không đưa vào lương để tránh việc đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Cuối cùng, NLĐ vẫn thiệt đơn thiệt kép. Vì vậy, điều quan trọng nhất là Chính phủ phải đưa ra được mức lương tối thiểu đúng thực chất, bảo đảm được mức sống tối thiểu cho NLĐ.

Trong thực tế, khi chúng tôi đi vận động các DN có vốn đầu tư nước ngoài về việc tăng thêm lương, tiền ăn cho NLĐ, họ thường biện minh “chúng tôi đã trả lương cao hơn mức do Nhà nước Việt Nam quy định”. Muốn họ nâng thêm mức ăn trưa thì họ cũng nói “Luật Lao động Việt Nam không quy định DN phải lo ăn trưa cho NLĐ”. Mức lương tối thiểu chúng ta đưa ra quá thấp đã khiến các DN dựa vào đó để trả lương thấp cho NLĐ. Mức ăn trưa hiện nay của công nhân ở các khu công nghiệp chỉ khoảng 9.000 đồng/bữa, thế thì sao bảo đảm tái tạo lao động trong khi ở đâu cũng ra rả “NLĐ là vốn quý nhất của DN”. Tôi rất buồn khi nghe nhiều ý kiến nói thời gian vừa qua, nhà nước ta trải chiếu hoa mời nhà đầu tư, trải chiếu gai cho nông dân, trải chiếu manh cho NLĐ... Điều đó đòi hỏi nỗ lực của hệ thống công đoàn trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi NLĐ, cũng như các chính sách của Đảng, Nhà nước phải phù hợp với cuộc sống của tuyệt đại bộ phận NLĐ.

* Vậy tới đây NLĐ sẽ được bảo vệ khi Bộ luật Lao động sửa đổi ra đời?

* Lần này Bộ luật Lao động sửa đổi có một tiến bộ là thành lập Hội đồng lương quốc gia gồm đại diện DN, công đoàn, nhà nước (Bộ LĐTB-XH). Các bên sẽ bàn bạc để đưa ra mức lương tối thiểu phù hợp, bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của con người. Hội đồng lương quốc gia sẽ khuyến nghị mức lương tối thiểu để Chính phủ quyết định.

* Nếu có Hội đồng lương quốc gia, ông có tin vấn đề tiền lương sẽ được cải thiện căn bản?

* Tôi tin là cải thiện nhiều. Công đoàn đã kiến nghị phải tách hẳn lương của cán bộ công chức với lương NLĐ và hiện nay nhà nước đã làm được việc đó từ ngày 1-10-2011. Nhưng kể cả lương trong khu vực nhà nước (áp dụng mức 1,05 triệu đồng/tháng từ 1-5-2012), thực sự vẫn không bảo đảm được mức sống tối thiểu cho cán bộ. Với đồng lương này thì làm sao tuyển được người tài vào biên chế nhà nước, làm sao giữ được chất xám trong guồng máy nhà nước.

* Nhưng ngân sách nhà nước không thể bảo đảm tăng lương vì quá sức chịu đựng?

* Là vì bộ máy quá cồng kềnh. Lực lượng cán bộ quản lý, công chức trên 300.000 người; lực lượng nhân viên trong khu vực hành chính sự nghiệp 1,7 triệu người, còn lại là các đối tượng khác. Tổng cộng lực lượng hưởng lương ngân sách lên tới 7 triệu người. Quá lớn! Vì vậy ngân sách nhà nước không thể gánh được việc tăng lương. Đã nhiều ý kiến nói phải tính toán lại lực lượng hưởng lương ngân sách. Tại sao không làm mạnh, triệt để việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công để giảm chi ngân sách cho lĩnh vực ấy. Kể cả khu vực hành chính, không ít ý kiến cho rằng có thể tinh gọn 30% - 40% lực lượng mà vẫn bảo đảm hiệu quả công việc.

Thời gian qua chúng ta nói giảm biên chế nhưng không những không giảm mà còn tăng thêm, vì vậy không thể tăng lương được. Tôi cho là cần mạnh tay, kiên quyết trong tinh giảm biên chế; những người không đủ năng lực trình độ cần được tinh giảm.

* Chính việc lương thấp, bộ máy cồng kềnh cũng đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực?

* Đúng thế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức hành dân, nhũng nhiễu, tiêu cực. Đây chính là bài toán gay cấn mà nhà nước phải tập trung giải quyết, nếu không sẽ làm hư đội ngũ cán bộ công chức. Xã hội đang vô cùng bức xúc trước nạn “phong bì” len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm trong cuộc sống; văn hóa phong bì kỳ cục đang có mặt khắp mọi nơi, từ em học sinh đến trường, người dân vào bệnh viện, có phong bì thì công việc mới chạy.

Hơn bao giờ hết nhà nước phải kiên quyết trong việc này, hạn chế hội họp, tăng cường làm việc trực tuyến, hạn chế chi phí không cần thiết. Nhà nước phải tinh gọn bộ máy, chắt lọc được đội ngũ cán bộ công chức thực sự phục vụ dân, chứ không hành dân như hiện nay. Đồng lương được bảo đảm thì các cuộc họp hiện nay cũng sẽ không còn phong bì (hiện nay đi họp mà không có phong bì thì nhiều người không đi!). Lúc đó nhà nước cũng sẽ giữ được người tài.

Cũng từ đồng lương thấp đã dẫn đến bao tiêu cực. Một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, có cuộc sống “quá trời” như dư luận phản ánh. Vì vậy, việc chỉnh đốn các tiêu cực như tinh thần Nghị quyết TƯ 4 phải được làm mạnh mẽ, đến nơi đến chốn, có hiệu quả. Nếu không kiên quyết, làm đến nơi đến chốn sẽ khiến người dân mất niềm tin, như các vụ Vinashin, Vinalines đã xảy ra. 

(Theo SGGP)

Các tin khác
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên các thanh niên tình nguyện hiến máu.

Ngày 27/5, tại Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ra quân Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2012. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự buổi lễ.

Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ vừa ban hành thông tư liên tịch điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng cho các cán bộ cấp xã về hưu theo quyết định 130 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và quyết định 111 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm ma túy trên tuyến biên giới và các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung xử lý các tụ điểm phức tạp về ma túy.

YBĐT - Các cơ quan chức năng của thành phố, chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp khắc phục, giải quyết tình trạng úng, ngập tại tổ 53, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và các điều kiện sống để các hộ dân tại khu vực này ổn định cuộc sống, tránh nguy cơ dịch bùng phát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục