Hội Đông y huyện Văn Yên đa dạng hóa các hoạt động

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/8/2012 | 2:59:31 PM

YBĐT - Hội Đông y huyện Văn Yên hiện có 173 hội viên, sinh hoạt ở 13 chi hội. Trong những năm qua, Hội đã quan tâm, khuyến khích hội viên mở rộng các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh đa dạng; chú trọng chỉ đạo phát triển về số lượng và thường xuyên kiểm tra về chất lượng các phòng chẩn trị.

Chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tại Trạm Y tế xã Đông Cuông (Văn Yên). (Ảnh: Quỳnh Nga)
Chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tại Trạm Y tế xã Đông Cuông (Văn Yên). (Ảnh: Quỳnh Nga)

Tất cả hội viên đông y đều có chung một mục đích là khám, chữa bệnh cho nhân dân đạt hiệu quả đồng thời bảo tồn những bài thuốc quý, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bình quân mỗi năm, có gần 1 triệu lượt bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở đông y. Bằng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu kết hợp với sử dụng các loại thuốc nam, thuốc bắc, các thầy thuốc đông y đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân. Phục vụ tận tình, chu đáo, không gây phiền hà, các lương y đã đem lại cho người bệnh sự tin tưởng và ngày càng thu hút nhiều người khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.

Một số bệnh như phục hồi hỗ trợ sau tai biến mạch máu não, liệt nửa người, phong chẩn huyết nhiệt, bệnh phụ khoa, lão khoa, tâm căn suy nhược, tỳ vị hư kém... đã đạt kết quả tốt sau điều trị. Đặc biệt, nhiều lương y có phương pháp chữa bệnh gia truyền hiệu quả như môn thuốc nắn bó trật khớp, chữa rắn độc cắn, hóc xương, thuốc chữa tê thấp. Không chỉ giỏi chuyên môn, các hội viên đông y còn có tấm lòng nhân ái, luôn tạo điều kiện giúp đỡ những người khó khăn, gia đình chính sách, trẻ em, người già...

Nhiều lương y đã tự nguyện quyên góp tiền của, công sức giúp đỡ người bệnh nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh; trích một phần tiền lương hàng tháng đóng góp vào các quỹ ủng hộ người nghèo, người tàn tật, gia đình khó khăn... Hàng năm, tổ chức hội còn khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 3.000 lượt người nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, các hội viên đông y tích cực biên soạn tài liệu hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và phổ biến cho đông đảo nhân dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhiều năm qua, Hội đã tập hợp được hàng trăm bài thuốc hay của các hội viên trong các cuốn nội san của hội, góp phần trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các cấp hội cũng chủ động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân xây dựng vườn thuốc nam, tủ thuốc xanh tại nhà.

Hiện nay, toàn huyện có trên 1.000 tủ thuốc xanh gia đình và hàng trăm vườn thuốc nam của các hội viên, đáp ứng kịp thời thuốc chữa bệnh, thực hiện đúng phương châm “Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, chữa bệnh tại nhà”.

Hội còn khuyến khích hội viên tham gia trao đổi kinh nghiệm khám, chữa bệnh bằng việc tổ chức các buổi tọa đàm, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Hội thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động như: bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện công tác từ thiện.

Trong những năm qua, Hội đã tăng cường phát hiện, sưu tầm, phát triển nguồn dược liệu của địa phương, bồi dưỡng kiến thức thuốc nam cho cán bộ, hội viên để ngày càng có nhiều người hiểu biết về cây thuốc, vị thuốc hiện có ở từng vùng, từng địa phương nhằm bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu phong phú. Sử dụng phổ biến gần 200 loại cây thuốc bản địa và nhân rộng mô hình sử dụng thuốc nam trong các gia đình và các trạm y tế cơ sở, việc điều trị bệnh bằng phương pháp đông y đã được nhiều xã và người dân ứng dụng rộng rãi.

Hàng năm, Hội đều mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho các  hội viên; gửi đi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn như châm cứu, bấm huyệt cho các các hội viên được cấp chứng nhận đông y cơ sở và đang hoạt động tại các cơ sở.

Từ các buổi tọa đàm ở cơ sở đến các hội thảo chuyên đề, các hội viên được trau dồi kiến thức, đúc kết những kinh nghiệm quý báu để trị bệnh cứu người. Thông qua đó đã góp phần thúc đẩy, ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các phòng mạch, phòng chẩn trị và thu hút ngày càng đông người bệnh đến điều trị.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hữu - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện, Chủ tịch Hội Đông y huyện Văn Yên thì khó khăn lớn nhất hiện nay là hội đông y cấp huyện không có biên chế và hầu hết các thầy thuốc đông y khám, chữa bệnh với sự nhiệt tình của bản thân, không có phụ cấp. Do vậy, để giữ chân họ lâu dài quả thực là một vấn đề khó nếu như không có cơ chế đãi ngộ phù hợp.

Lê Thanh

Các tin khác

YBĐT - Cùng với nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, Trạm Y tế xã Mường Lai, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã triển khai tốt Chương trình mục tiêu y tế quốc gia và làm tốt công tác tuyên truyền nhân dân vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm, ăn sạch, ở sạch, xây dựng công trình vệ sinh.

Cán bộ, chiến sĩ kíp xe - C27 thiết giáp Bộ CHQS tỉnh kiểm tra kỹ thuật của phương tiện.

YBĐT - Trước thềm Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2012 - 2017, hướng tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, phóng viên YBĐT có cuộc trao đổi với đồng chí Đặng Tiến Phong - Bí thư Đoàn cơ sở Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh về một số nội dung công tác Đoàn cũng như tâm tư nguyện vọng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh.

Sáng 1/8, lốc xoáy dữ dội quét qua bốn huyện của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng làm hư hại gần 450 căn nhà. Hai người chết và hàng chục người bị thương vì tường sập đè trúng.

Ngày 31- 7 tại Thái Nguyên, Bộ Y tế phối hợp Trường đại học Y Hà Nội tổ chức hội thảo Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và sử dụng bằng chứng (SDBC) trong quản lý y tế địa phương (QLYTÐP).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục