Vì giáo dục vùng cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/8/2012 | 9:33:42 AM
YBĐT - Năm học vừa qua là năm đầu tiên thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao huyện Văn Yên giai đoạn 2011- 2015”, công tác giáo dục vùng cao có chuyển biến toàn diện, đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra.
Giờ học tiếng Việt của các em học sinh tiểu học xã vùng cao Nà Hẩu, Văn Yên.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp lại với qui mô phù hợp. Học sinh được học 2 buổi/ngày tăng, học sinh học lớp ghép giảm, duy trì được sĩ số, chất lượng dạy và học được nâng lên và ngày càng rút ngắn khoảng cách so với các trường vùng thấp.
Năm học 2011-2012, 13 xã vùng cao của huyện Văn Yên có 38 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh được duy trì so với đầu năm học đạt 99,2%, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 73,9%.
Về giáo dục mầm non, có tổng số 13 trường với 73 điểm lớp với 17 nhóm trẻ từ 5 đến 24 tháng tuổi, 109 lớp mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tháng tuổi đến 5 tuổi ra lớp đạt gần 50%. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo được học 2 buổi/ngày đạt 52,3%. Giáo dục tiểu học, huyện có 16 trường với 68 điểm lớp có bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 77,6%. Hiện còn 29 lớp ghép với 490 học sinh, chiếm 8,8%. Tỷ lệ huy động trẻ 6 đến 10 tuổi đến trường đạt 99,8%, bằng với tỷ lệ chung toàn huyện.
Đối với giáo dục trung học cơ sở, tổng số có 13 trường với 109 lớp, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 89,5%, chỉ thấp hơn 4,4% so với toàn huyện. Hiện nay 13/13 xã vùng cao trong huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đã có 3/13 xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, là An Bình, Viễn Sơn, Quang Minh.
Cơ sở vật chất trường học ở các xã vùng cao được ưu tiên đầu tư, nâng cấp. Hiện có 285/345 phòng học được xây dựng bán kiên cố, còn lại 18% là phòng học tạm, học nhờ. Từ đầu năm học đến nay, huyện đã khởi công được 3 công trình của 3 trường vùng cao với 18 phòng học, bàn giao đưa vào sử dụng 4 phòng học cho Trường tiểu học Viễn Sơn.
Hệ thống trường bán trú dân nuôi được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Toàn huyện có 76 phòng học bán trú, trong năm học qua đã tiến hành khởi công 34 phòng học ở 5 xã. Các cơ quan, ban, ngành trong huyện đã hỗ trợ kinh phí nâng cấp bếp, công trình vệ sinh, trang bị giường nằm cho học sinh bán trú ở các xã vùng cao, giúp các em yên tâm học tập, sinh hoạt. Nhà ở công vụ cho giáo viên ở các trường tiểu học Châu Quế Hạ, Lang Thíp, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng được hỗ trợ làm mới và sửa chữa với tổng kinh phí trên 145 triệu đồng.
Tuy các trường vùng cao vẫn còn thiếu các phòng chức năng, phòng học bộ môn, thiết bị thí nghiệm… nhưng cơ sở vật chất đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cho việc dạy và học. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai qui hoạch mặt bằng, sắp xếp lại qui mô trường lớp, vận động học sinh ra lớp, nhất là học sinh bán trú. Cùng với huy động các nguồn lực, từng bước củng cố môi trường sư phạm, xã hội hóa giáo dục.
Nhờ được quan tâm đầu tư, hỗ trợ một cách toàn diện, chất lượng giáo dục ở các xã vùng cao trong huyện được nâng lên đáng kể. Số trẻ mầm non được tổ chức nuôi ăn tại trường chiếm 57,4%, trẻ được khám sức khỏe định kỳ đạt 85,5%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hiện còn 12%, so với năm học trước giảm 8,8%.
Công tác vệ sinh phòng bệnh được triển khai ở tất cả các cơ sở giáo dục, không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thức ăn hoặc thương tích cho trẻ. Học sinh tiểu học có học lực khá, giỏi đã tăng so với năm học trước, chiếm gần 40%. Học sinh trung học cơ sở có 28% đạt tỷ lệ khá giỏi, tăng 2,8% so với năm học trước. Bên cạnh công tác giáo dục đại trà, công tác bồi dưỡng học sinh mũi nhọn đã được các nhà trường quan tâm.
Trong năm học vừa qua, có 7 học sinh trung học cơ sở thuộc 4 trường vùng cao được tuyển chọn tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt 2 giải khuyến khích. Học sinh dân tộc thuộc các trường tiểu học vùng đặc biệt khó khăn được tạo cơ hội giao lưu, tìm hiểu kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt.
Năm học qua có 157 giáo viên các bậc học ở trường vùng cao đăng ký tham gia hội giảng cấp huyện, kết quả đã có 97 giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Có 2 giáo viên ngành học mầm non tham gia và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao trên địa bàn đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Yên chỉ đạo các cấp, ngành địa phương, cơ sở giáo dục tăng cường củng cố các điều kiện cho học sinh bán trú, nâng cao tỷ lệ huy động học sinh đến lớp, học sinh chuyên cần. Các trường, ngành chức năng tiếp tục quan tâm tới công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bồi dưỡng học sinh mũi nhọn, khảo sát đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, khắc phục tình trạng giáo viên vừa thiếu, vừa yếu ở vùng cao.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Những ngày này về huyện Văn Yên, từ xã vùng thấp Yên Thái đến xã vùng cao An Bình đâu đâu cũng bắt gặp những ánh mắt đầy tự hào và nụ cười phấn khởi của người dân nơi đây. Bởi lâu lắm rồi trên đất quế anh hùng này mới có chân dung hai thủ khoa mang tên Lê Mạnh Hùng và Lê Phương Thảo, đều là học sinh của Trường THPT Chu Văn An.
Ngày 2-8, Hội nghị lần thứ 4 ủy ban đối ngoại ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam về khu vực tam giác phát triển (CLV-DTA) đã khai mạc tại Nghệ An với chủ đề “Vai trò của quốc hội trong việc hỗ trợ khu vực tam giác phát triển”.
Ngày 2-8, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức hội thảo về các đề xuất nhằm đảm bảo quỹ hưu trí ở Việt Nam.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.