Vai trò Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động
- Cập nhật: Thứ ba, 7/8/2012 | 9:32:48 AM
YBĐT - Đến tháng 7/2012, toàn tỉnh Yên Bái đã có 125 doanh nghiệp trên tổng số 351 doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên theo đăng ký kinh doanh thành lập tổ chức Công đoàn (đạt 36%) với tổng số 6.744 đoàn viên.
Đến thời điểm hiện tại vẫn còn trên 200 doanh nghiệp, chủ yếu là công ty TNHH, công ty cổ phần chưa thành lập được tổ chức công đoàn. Vì vậy vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động trong các doanh nghiệp chưa được thực hiện quyền công đoàn của mình, trước tiên là quyền thành lập và gia nhập Công đoàn trong khuôn khổ Điều lệ công đoàn Việt Nam.
Công đoàn có vị trí, vai trò quan trọng trong doanh nghiệp và người lao động.Ba nhiệm vụ chính của công đoàn là: bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý doanh nghiệp trong phạm vi quy định của pháp luật; tuyên truyền, giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật lao động nói riêng của người lao động và chủ sử dụng lao động nhất là thực hiện quyền công đoàn của người lao động trong các công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn các ngành, huyện, thị, thành phố, tuyên truyền và vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn; phối hợp với người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn.
Từ đó đã giảm dần các hành vi cản trở, vi phạm của người sử dụng lao động đối với người lao động tham gia tổ chức và hoạt động công đoàn. Một số doanh nghiệp mặc dù không phản đối quyền công đoàn của người lao động nhưng có những biểu hiện không ủng hộ, qua việc chưa quan tâm, gặp gỡ người lao động và công đoàn cấp trên. Bởi họ cho rằng việc tuyên truyền pháp luật cho người lao động là “vẽ đường” cho công nhân lao động lãn công, đình công, ngừng việc tập thể...
Thực tế cho thấy, thời gian qua, lợi ích của người lao động chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp - những người sử dụng lao động. Chính điều này đã mang lại sự chán nản trong công nhân lao động, dẫn đến có không ít lao động bỏ việc, tiềm ẩn nguy cơ ngừng việc tập thể xảy ra một cách tự phát và trách nhiệm trước tiên thường thuộc về chủ doanh nghiệp do điều kiện làm việc của công nhân không được đảm bảo, xây dựng thang lương không phù hợp, tăng ca vượt quá mức quy định, không được tham gia bảo hiểm xã hội…
Để hạn chế những vụ tranh chấp lao động, những vụ đình, lãn công tự phát và giải quyết một cách chính đáng và công bằng, nhiều giải pháp từ phía các ngành chức năng, các doanh nghiệp đã được triển khai, thế nhưng, hiệu quả thực tế vẫn chưa được phát huy nhiều. Vấn đề đặt ra ở đây là, làm thế nào để phòng ngừa, ngăn chặn không để cho đình, lãn công tự phát xảy ra. Để làm được điều này, vai trò hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cần được phát huy.
6 tháng đầu năm, các công đoàn cơ sở trong tỉnh đã chủ động kiểm tra 204 cuộc, công đoàn cấp trên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát 112 cuộc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, các Công đoàn cơ sở đã có hàng trăm kiến nghị yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể lao động, tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Đồng thời, đề nghị Công đoàn cấp trên phối hợp với các ngành chức năng thanh tra và xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật lao động. Hàng năm có trên 90% cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, 85% doanh nghiệp Nhà nước tổ chức Đại hội công nhân viên chức (CNVC), trên 50% số công ty TNHH, công ty cổ phần tổ chức hội nghị người lao động.
Nhìn chung, nội dung hội nghị cán bộ chủ chốt, đại hội CNVC, hội nghị Người lao động tại cơ sở đã đề cập đến những vấn đề mang tính thiết thực có liên quan trực tiếp đến người lao động, đến hoạt động của đơn vị, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong quan hệ lao động, phát huy trí tuệ tập thể, quyền làm chủ của người lao động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ổn định và phát triển.
Đến nay, 90 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể, đạt 65%, đây là cơ sở quan trọng để công đoàn cơ sở thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nhìn chung, chất lượng thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp đã được nâng lên, song bên cạnh đó vẫn còn có thỏa ước lao động tập thể nội dung còn nặng về sao chép lại những quy định đã có trong Bộ luật Lao động, việc thoả thuận những nội dung có lợi hơn cho người lao động chưanhiều.
Không thể phủ nhận vai trò hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người lao động. Chính vì nhận thức rõ điều này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã và đang đẩy mạnh hoạt động công tác tuyên truyền, không ngừng phát triển tổ chức công đoàn đến từng cơ sở doanh nghiệp nhằm xây dựng một hệ thống tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở, còn đòi hỏi sự quan tâm, nhận thức đúng về vai trò của tổ chức công đoàn từ phía chủ doanh nghiệp. Đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động cũng chính là đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp muốn không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công thì cần phải biết tôn trọng công nhân, rà soát lại cách quản lý, điều hành để giải tỏa mọi vướng mắc cho công nhân lao động.
Các tổ chức công đoàn cơ sở cần phát huy vai trò của mình trong việc vừa động viên công nhân lao động hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, vừa phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, lồng ghép tuyên truyền các chế độ chính sách và những quy định của pháp luật về Luật Lao động, Luật Công đoàn mới được sửa đổi, bổ sung để người lao động nắm rõ. Từ đó, tạo được sự thân thiện giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp cho người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Phan Tiến Thạch
Các tin khác
Ngày 5-8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành giáo dục, đặc biệt là các tỉnh, thành phố chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm, tránh làm méo mó hình ảnh của người thầy; các địa phương cần có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.
YBĐT - Để giữ vững ANTT địa bàn, Ban công an xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền pháp luật đến các thôn, bản như thông qua các cuộc họp thôn, xã, vận động nhân dân không di dịch cư tự do, gắn với triển khai các văn bản pháp luật ...
YBĐT - Trong chuyến đi cùng đội trí thức trẻ tình nguyện số 5 của Tỉnh đoàn Yên Bái lên công tác tại xã vùng cao Nà Hẩu (huyện Văn Yên), tôi đã có dịp chứng kiến sự đổi thay đáng kể của địa phương về các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Ngày 5.8, tại hội nghị tổng kết năm học 2011 - 2012 tổ chức tại Cần Thơ, Bộ GDĐT cho biết, trong năm học này, thực hiện “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở), Bộ GDĐT và CĐ Giáo dục Việt Nam triển khai quyên góp hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.