Bữa cơm Nậm Mười
- Cập nhật: Thứ năm, 9/8/2012 | 3:02:13 PM
YBĐT - Một ngày nghỉ cuối tháng 5, tôi may mắn được theo đoàn công tác của Đảng bộ Văn phòng UBND huyện Văn Chấn lên thăm Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Nậm Mười - đơn vị trường học có trên 570 học sinh bán trú do Đảng bộ nhận đỡ đầu.
Một bữa cơm có thức ăn tươi của học sinh bán trú Trường TH&THCS Nậm Mười.
|
Chuyến đi này, đoàn tới tặng quà và tổ chức một bữa cơm chia tay trước khi các em về nghỉ hè với gia đình.
Hơn 6 giờ sáng, mọi người trong đoàn công tác đã có mặt đông đủ tại Văn phòng UBND huyện. Chị Phạm Ngọc Tuyết - Phó văn phòng UBND huyện được giao nhiệm vụ mua sắm toàn bộ các phần quà như: chăn màn, quần áo, dép, sách vở và tiền mua gạo hỗ trợ cho học sinh bán trú. Chị còn cùng các đồng nghiệp đi chợ, chuẩn bị cho hơn 600 suất ăn gồm gạo, thức ăn, rau, muối, mì chính, dầu ăn... Chị Tuyết cho biết: “Chỉ có bấy nhiêu thôi mà quá nửa đêm chúng tôi vẫn chưa được đi ngủ. Thế mới hiểu rằng, những người lo bữa ăn cho các em ở trường vất vả ra sao...”.
Do hai, ba hôm trước có mưa to nên con đường đất đến với Nậm Mười càng trơn trượt. Từ Sơn Lương lên xã chưa đầy 15km nhưng cả đoàn phải đi hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể học sinh nhà trường ra tận cổng đón đoàn, tay bắt mặt mừng.
Thầy giáo Vũ Trường Thành - Hiệu trưởng nhà trường vui vẻ nói rằng, biết có đoàn lên, các em thấp thỏm đợi từ sớm. “Dẫu còn khó khăn nhưng các bác, các cô, các chú sẽ vận động mọi người chung tay giúp các cháu có điều kiện tốt nhất để học tập. Các cháu hãy cố gắng học thật giỏi nhé!” - đó là tâm sự với các thầy cô giáo và học sinh nhà trường của đồng chí Trần Văn Mộc - Chủ tịch UBND huyện. Đoàn công tác đã mang tới cho các em quần áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập, thực phẩm... cùng sự quan tâm, động viên về tinh thần.
Bữa cơm trưa ở Nậm Mười hôm ấy thật vui vẻ và ấm áp tình cảm. Học sinh dân tộc Dao rất ngoan và lễ phép. Trước khi ăn, mỗi em cầm bát đũa xếp hàng trước cửa bếp, đợi gọi tên mới vào bàn. Đã lâu lắm trong bữa cơm của các em mới có nhiều thức ăn đến vậy.
Ngồi xen với cả đoàn, lúc đầu, các em không dám gắp thức ăn, chỉ chan canh và có phần rụt rè. Các bác, các cô, các chú vừa gắp thức ăn cho từng em vừa ân cần hỏi chuyện học tập, sinh hoạt, bạn bè, thầy cô... nên dần dần các em cũng cởi mở, tự tin hơn. Em Bàn Thị Máy ở bản Khe Lo, học sinh lớp 8A, vóc người nhỏ bé nhưng tỏ ra nhanh nhẹn, mạnh dạn nhất.
“Vui lắm ạ vì từ ngày có các cô, các chú nhận đỡ đầu, chúng cháu lúc nào cũng được ăn no, tuần nào cũng được ăn thịt” - Máy nói với các bác, các cô, các chú như vậy. Khi ăn xong, các em đều tự giác mang bát đũa đi rửa rồi úp gọn vào nơi quy định trong bếp - một hình ảnh hiếm thấy ở học sinh cùng lứa vùng thấp.
Trước đây, từ các bản Khe Lo, Ngã Hai hay Ngọn Lành, Tà Lành... học sinh đến trường phải đi bộ từ ba đến năm tiếng đồng hồ, thậm chí có bản cách trường hơn 10km đường rừng, vượt qua cả chục con suối và đèo dốc. Mùa nắng đường bụi bặm, mùa mưa đường lầy lội và khe suối nước lũ thường dâng lên bất ngờ. Nhiều em lúc đến được lớp học thì cả áo quần lẫn sách vở đều ướt sượt. Việc học vì thế mà buổi có, buổi không. Các thầy cô hễ thấy trời mưa là lo lắng từng giờ, sợ rằng học sinh của mình gặp chuyện không may trên đường đi...
Bởi thế, mô hình bán trú như một giải pháp hữu hiệu để thực hiện hiệu quả mục tiêu dạy tốt, học tốt đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Văn Chấn. Với mô hình này, chi phí ăn, ở, học tập do gia đình tự lo bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, sụ giúp đỡ của cộng đồng.
Sau một thời gian dài áp dụng, mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, ngành giáo dục - đào tạo huyện Văn Chấn đã có bước phát triển mạnh về công tác huy động, duy trì sĩ số học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng học tập, đặc biệt là bảo đảm an toàn sức khỏe cũng như tính mạng cho học sinh.
Chia tay, ai cũng xúc động, bịn rịn. Tình cảm của các bác, các cô, các chú trong đoàn công tác đã để lại ấn tượng tốt đẹp với các em nhỏ vùng cao. Một chuyến đi thật nhiều ý nghĩa và tôi tin rằng, tất cả mọi người sẽ tiếp tục làm thêm nhiều điều có ích, thiết thực giúp học sinh vùng cao vững bước đi tới tương lai.
Văn Trường
Các tin khác
Hôm nay 9.8, dự án xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng đã chính thức khởi động sau giai đoạn rà phá bom mìn. Dự án do Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID) phối hợp thực hiện.
YBĐT - Những năm qua, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (BĐGTS) Yên Bái có bước phát triển nhanh, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của hoạt động bổ trợ tư pháp trong nền kinh tế thị trường và đáp ứng nhu cầu trong mua, bán tài sản.
YBĐT - Văn Chấn là địa phương gồm 18 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc thiểu số có 9,7 vạn người, chiếm 65,7% dân số toàn huyện. Đời sống của nhân dân còn khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục - đào tạo của địa phương, đặc biệt đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa.