Yên Bái: Giá bán nước cần phù hợp với mức thu nhập của người dân
- Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2012 | 10:09:28 AM
YBĐT - Thành phố Yên Bái là đô thị loại ba nhưng mức sống bình quân của người dân mới đạt khoảng 34 triệu đồng/năm, số hộ nghèo còn trên 5%. Mong muốn của người dân là UBND tỉnh phê duyệt giá bán nước ở một mức hợp lý, phù hợp với điều kiện, thu nhập của người dân
Người Mông xã Nà Hẩu (Văn Yên)đã được dùng nguồn nước sạch từ Chương trình 135 của Chính phủ. (Ảnh: Sùng Chí Sinh)
|
Thông tư 88/2012/TT-BTC ngày 25/5/2012 của Bộ Tài chính về việc ban hành khung giá bán nước sẽ có hiệu lực từ ngày 11/7/2012. Cụ thể giá nước tối thiểu tại đô thị đặc biệt, đô thị loại I sẽ tăng từ 3.000 lên 3.500 đồng/m3, trong khi mức tối đa là 18 ngàn đồng/m3; tại các đô thị từ loại 2-5, giá nước tối thiểu và tối đa đều tăng trên 50%, lên mức 3 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng/m3... Như vậy thành phố Yên Bái là đô thị loại III giá nước mới sẽ từ 3.000-15.000 đồng/mm3. Các mức giá trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Với khung giá này, UBND tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức giá tiêu thụ cụ thể, phù hợp với địa phương mình.
Mặc dù đã có hiệu lực từ ngày 11/7/2012 nhưng đến nay người dân thành phố Yên Bái cũng như các huyện, thị và các vùng nông thôn vẫn được hưởng khung giá cũ đối với nước sinh hoạt dân cư là 5.200 đồng/mm3, cơ quan Nhà nước là 6 ngàn đồng/m3... tại khu vực thành phố, giá trên gồm có 5% thuế VAT và 5% phí bảo vệ môi trường với nước thải sinh hoạt.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cấp nước Yên Bái thì Công ty cũng đã trình cấp thẩm quyền về khung giá bán nước mới theo Thông tư 88/2012/TT-BTC ngày 25/5/2012 của Bộ Tài chính, Sở Tài chính và Sở Xây dựng cũng đã xây dựng khung giá nước để trình UBND tỉnh quyết định.
Trong đó, nước sinh hoạt khu dân cư là 6.500 đồng/mm3; nước khối cơ quan Nhà nước là 8.000 đồng/m3, nước kinh doanh dịch vụ là 11.500 đồng/mm3, nước thô sản xuất công nghiệp 4.500 đồng/mm3. Hiện giá nước vẫn chưa được UBND tỉnh quyết định cụ thể nhưng nhìn bảng giá của ngành chuyên môn trình cấp có thẩm quyền như vậy, nhiều ý kiến cho rằng là quá cao so với mức thu nhập của người thành phố, nhất là trong điều kiện giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Hảo - Phường Minh Tân phân trần: "Bình quân mỗi tháng gia đình tôi dùng hết 30mm3 với mức giá 4.761 đồng/mm3 như hiện nay thì gia đình đã mất 142.857 đồng, đấy là chưa tính thuế VAT và phí bảo vệ môi trường, nếu tính tất là mất 157.100. Giờ giá bán nước tăng lên mức 6.500 đồng thì mỗi tháng gia đình phải mất thêm gần 40 ngàn đồng nữa. Số tiền đó với nhiều gia đình khác có thể không là gì nhưng trong bối cảnh giá xăng, dầu, giá ga tăng và các hàng hoá thiết yếu đều tăng như hiện nay thì quả là một khó khăn đối với một gia đình công chức thường như chúng tôi".
Thành phố Yên Bái là đô thị loại ba nhưng có thể thấy là mức sống bình quân của người dân mới đạt khoảng 34 triệu đồng/năm, số hộ nghèo còn trên 5%. Phần lớn người dân vẫn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp đơn thuần, công nhân lao động, số tham gia hoạt động thương mại không nhiều.
Thực tế là đến nay vẫn còn khá nhiều gia đình vẫn sử dụng nước giếng đào, mặc dù ai cũng cho rằng dùng nước máy an toàn hơn, hợp vệ sinh hơn. Không thế mà Nhà máy nước Yên Bái -Yên Bình với công nghệ xử lý hiện đại và đã đi vào hoạt động gần chục năm nay nhưng đến giờ toàn thành phố mới có gần 12 ngàn hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng nước máy (chưa đầy 80% công suất).
Khi nói về tăng giá nước, ông Chu Hồng Oanh - một hộ đang sử dụng nước máy phường Đồng Tâm cho biết: Việc tăng giá nước là xu thế tất yếu bởi trong bối cảnh hiện nay các thứ đều tăng thì việc tăng giá nước cũng không có gì lạ với người dân. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên tăng ở mức nào mà người dân chấp nhận được. Như gia đình tôi hai vợ chồng đều là công nhân trong ngành xây dựng thu nhập chỉ đạt bình quân chỉ được 5 triệu đồng/tháng, với mức thu nhập đó thì cả gia đình 4 miệng ăn là vừa đủ, giờ nước tăng, điện tăng, ga tăng thì quả là cuộc sống hết sức khó khăn.
Một vấn đề nữa là khi gia đình lắp đặt đường ống nước cũng đã phải chi phí mất 2 triệu đồng nào công thiết kế, tiền khởi thủy, tiền mua và lắp đặt đồng hồ không biết Nhà nước có tính vào giá thành nước hay không? Lẽ ra phần này Nhà nước phải đầu tư chứ nó cũng giống như ngành điện ý, người dân chỉ việc mua điện từ sau công tơ thôi, đằng này lại bắt người dân đầu tư lớn quá - ông Oanh tâm sự thêm.
Đó là những ý kiến của các khách hàng đã và đang sử dụng nước máy, nói chung người dân đều đồng tình, ủng hộ việc tăng giá nước nhưng tất cả đều có mong muốn là UBND tỉnh phê duyệt giá bán nước ở một mức hợp lý, phù hợp với điều kiện, thu nhập của người dân.
Ngọc Trúc
Các tin khác
Đại hội Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ IV (2012-2016) vừa bầu ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Chủ tịch.
Chỉ trong vòng 13 giờ đồng hồ, từ đêm 22 cho đến trưa 23/9, đã xảy ra 7 trận động đất tại khu vực Bắc Trà My, gần xấp xỉ bằng số trận động đất xảy ra trong vòng gần 300 năm qua…
Ngày 21-9, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, chính thức phát lệnh triển khai cấp Chứng minh nhân dân (CMND) mẫu mới (ảnh) trên địa bàn quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm (Hà Nội).